Tự kỷ luật bản thân giúp bạn thành tựu những điều lớn lao
Kỷ luật tự giác cùng với sự kiên trì, là thành phần quan trọng trong công thức dẫn đến thành công và hạnh phúc.
Trong cuốn sách “Cẩm nang cho cuộc sống tốt đẹp: Nghệ thuật cổ xưa của niềm vui khắc kỷ”, William B. Irvine một lần nữa xem xét những lợi thế mà sự tự chủ mang lại. Chương có tựa đề “Kiềm chế bản thân” đề cập đến những lợi ích mà các nhà khắc kỷ cổ đại tìm thấy khi khước từ những thú vui nhất định — ví dụ, không ăn những thực phẩm đắt tiền mà dùng thứ có giá bình dân hơn và tìm thấy hạnh phúc trong hành động đó.
“Nước, bột lúa mạch và vỏ bánh mì lúa mạch,” triết gia Seneca nói với ta, “không phải là một chế độ ăn uống tuyệt vời, nhưng thú vui cao cả nhất là khi có thể tìm thấy sự thỏa mãn từ loại thực phẩm này.”
Thật không may, chúng ta đang ở thời đại tự thỏa mãn hơn là kiềm chế bản thân. Ta thấy những đôi giày chạy bộ trong một cửa hàng ở trung tâm mua sắm, quả quyết rằng ta nhất định phải có chúng mặc dù ba đôi khác đang bám đầy bụi trong tủ giày ở nhà và chúng ta bắt đầu nhớ đến thẻ tín dụng. Ta đang cố giảm bớt lượng rượu, nhưng sau một tuần đi làm vất vả ta tự nhủ rằng mình xứng đáng với thùng Heineken này. Chúng ta quyết tâm giảm 5kg cho chuyến đi biển sắp tới, nhưng món pizza pepperoni Hot-And-Ready của Little Caesar có sức hút không thể cưỡng lại.
Giống như Scarlett O’Hara trong “Cuốn theo chiều gió”, ta cứ tự nhủ: “Ngày mai là một ngày khác”. Và giống như Lord Darlington trong vở kịch “Lady Windermere’s Fan” của Oscar Wilde, chúng ta thấy rằng mình có thể “cưỡng lại mọi thứ ngoại trừ sự cám dỗ”.
Chống lại cám dỗ
Tất nhiên, rất nhiều người thực hành kỷ luật bản thân rất tốt, vượt qua những thú vui trước mắt với hy vọng nhận được phần thưởng trong tương lai. Một người béo mập 60 tuổi nhìn vào gương, không thích những gì mình nhìn thấy, quyết định tham gia một phòng tập thể dục và tập thể dục ở đó sáu ngày một tuần trong năm tới. Một người cha của hai cô con gái nhỏ rời nhà đi làm mỗi ngày vào lúc bình minh để nuôi sống gia đình. Một sinh viên đại học vượt qua sự lôi cuốn của việc đi uống rượu cùng bạn bè vào tối thứ sáu, mà thay vào đó là việc ôn tập cho bài kiểm tra hóa học vào thứ hai. Anh ấy có thể tìm thấy “niềm vui từ loại thực phẩm này.”
Sinh viên đại học đó đang thực hiện một thành tố khác của kỷ luật bản thân: trì hoãn thỏa mãn bản thân. Anh ấy đang nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn là ở đây và bây giờ, hy vọng rằng cuộc chiến với những cuốn sách sẽ mang lại cho anh ấy một tấm bằng và một công việc ưng ý. Tôi từng biết một người đàn ông đã tiết kiệm tiền để mua một chiếc xe hơi thay vì vay nợ trả góp. Anh ta không muốn trả lãi suất, anh nghĩ rằng việc thanh toán toàn bộ bằng tiền mặt sẽ cho phép anh tiết kiệm một khoản không cần thiết và anh ta sẵn sàng trì hoãn niềm vui sở hữu của mình để đạt được những mục tiêu này.
Đó là trì hoãn sự thỏa mãn bản thân trong công việc.
Kiên trì
Một thành tố quan trọng khác của bộ máy kỷ luật tự giác, kiềm chế và trì hoãn sự thỏa mãn này là tính kiên trì.
Khi theo đuổi một mục tiêu, đôi khi chúng ta cảm thấy như thể mình đang lê bước qua một ao xi măng chưa khô. Càng ngày càng khó để nhích từng bước, một nỗ lực trông có vẻ như vô nghĩa không chút tác dụng.
Khi vợ chồng tôi sở hữu một cửa hàng bán sách và đồ ăn sáng ở Smokies, có những ngày, thậm chí cả tháng thất thu, sửa chữa tốn kém và còn phát sinh chi tiêu cá nhân ngoài dự kiến. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ khác cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn tương tự. Sự cắn răng chịu đựng hàng ngày có thể dẫn đến tình trạng tuyệt vọng và đầu hàng.
Điều này cũng đúng cho những nỗ lực khác dù lớn hay nhỏ. Người đàn ông bỏ thuốc lá biết rằng anh ta không chỉ phải vượt qua một ngày hay một tuần không có thuốc lá, mà anh ta phải kiên trì cho đến khi phá bỏ thói quen đó. Sinh viên đại học làm công việc toàn thời gian phải tự rèn luyện bản thân để học và làm bài kiểm tra sau giờ làm việc, đồng thời phải có sức chịu đựng và bản lĩnh để kiên trì cho đến khi lấy được bằng cấp.
Con đường của chúng ta có thể dài và khó khăn, và chỉ những du khách vẫn trên con đường và tiếp tục tiến lên mới có thể đi đến cuối hành trình.
Công cụ tuyệt vời: Thói quen
Plato từng viết, “Chiến thắng đầu tiên và vĩ đại nhất là chinh phục được chính mình.”
Và một công cụ mạnh mẽ giúp cho cuộc chinh phục đó thành công chính là thói quen.
Những doanh nhân giàu có cho rằng một phần thành công của họ là nhờ dậy sớm, thực hiện theo thời gian biểu đó trong suốt cuộc đời của mình. Tại một thời điểm nào đó, anh ta nhận ra giá trị của việc đánh đổi giấc ngủ lấy vài giờ sáng sớm tập trung, và bằng một hành động kỷ luật bản thân, anh tự kéo mình ra khỏi giường để làm việc và suy nghĩ trong khi những người khác đang ngủ.
Theo một cách tương tự, người mẹ trẻ dậy trước những người còn lại trong gia đình để cầu nguyện và thiền định sẽ từ chối cho phép bản thân ngủ thêm vì cô ấy nhận ra lợi ích của khoảng thời gian một mình đó.
Khi một hành động tự kỷ luật trở thành một thói quen — đi đến phòng tập thể dục, nhịn ăn hai ngày một tuần, dọn dẹp nhà bếp hàng ngày — thì thói quen theo nhiều cách sẽ thay thế nhu cầu tự kỷ luật. Chúng ta không còn phải ép bản thân thực hiện những nhiệm vụ có thể gây mệt mỏi nữa. Chúng ta chỉ đơn giản làm điều đó như một phần của thói quen hàng ngày.
Một số lời khuyên
Câu nói sau đây thường được trích dẫn sai là của Aristotle, mà nó đúng ra là được trích từ “Câu chuyện triết học” của Will Durant: “Chúng ta là những gì chúng ta làm đi làm lại. Nhiều đến nỗi, sau đó, nó không phải là một hành động mà là một thói quen.”
Để phát triển một thói quen mới, một thói quen có lợi, đòi hỏi sự tự giác và kiên trì, và cân nhắc kỹ càng một số cách thức thực hiện.
Đầu tiên, chúng ta phải lạc quan nhất có thể khi bắt đầu cuộc hành trình của mình. Bạn có nhớ câu chuyện của bọn trẻ về “Động cơ nhỏ có thể làm được” không? Khi động cơ nhỏ bé kéo đoàn tàu chở hàng lên một ngọn núi, nó tự nhủ lặp đi lặp lại câu thần chú: “Mình có thể làm được, mình có thể làm được, mình có thể làm được.” Nếu muốn thành công, chúng ta cần lặp lại những lời đó với chính mình.
Ta cũng nên nhận ra rằng trong việc nâng cao tính tự giác, chúng ta vừa là giáo viên vừa là học sinh. Từ “kỷ luật” có nguồn gốc từ tiếng Latinh, có nghĩa là “học sinh”. Khi đang phải kiềm chế, ta có thể cảm thấy như thể mình đang trong một chiến trường giữa cám dỗ và ý chí. Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta biến chiến trường đó thành một lớp học, dạy cho bản thân giá trị của sự kiềm chế và khước từ.
Thành công bắt đầu từ những việc nhỏ. Nếu bạn quyết định giảm cân, hãy đặt mục tiêu hợp lý về số cân giảm được mỗi tuần và từ từ loại bỏ một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống. Nếu bạn muốn một ngày làm việc hiệu quả hơn, hãy đặt cho mình thời gian cố định để kiểm tra hòm thư hay vào mạng xã hội, thay vì cứ thực hiện 15 phút một lần.
Chắc chắn sẽ có lúc bạn chậm trễ và thất bại, hãy áp dụng kỷ luật bản thân để đưa bạn trở lại con đường đúng đắn. Nhật Bản có một câu tục ngữ cổ, “Ngã bảy lần, đứng dậy tám lần”, và kỷ luật tự giác là yếu tố then chốt để chúng ta đứng vững trở lại. Nhiều doanh nhân đã phá vỡ thói quen cũ thành công. John, người bạn của tôi, kiếm sống những ngày này bằng cách tham gia thị trường chứng khoán, lúc nào cũng thua, nhưng cuối cùng anh ấy cũng thắng vì anh ấy không bỏ cuộc và cứ tiếp tục.
Chiến thắng cuộc chơi
Khi rèn luyện tính tự kỷ luật, khi ta chinh phục bản thân, một ‘tác dụng phụ’ xuất hiện: sự chinh phục bản thân khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Chúng ta giống như những vận động viên thể hình tại phòng tập thể dục; ta bắt đầu với trọng lượng nhỏ và tăng dần lên trong những tháng tiếp theo.
Những hành động nhỏ trong việc kiểm soát bản thân — bỏ lại hộp kem yêu thích vào tủ đông ở cửa hàng tạp hóa, nhổ cỏ trong vườn khi ta muốn xem tivi, buộc bản thân dọn dẹp tủ quần áo — cuối cùng giúp chúng ta đạt được những mục tiêu lớn hơn thông qua bài tập kỷ luật tự giác.
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt đang phát triển. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, NC. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, “Amanda Bell” và “Dust On their Wings” và hai tác phẩm phi hư cấu: “Learning As I Go” và “Movies Make The Man.” Hiện nay, ông sống và viết ở Front Royal, Va. Truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: