‘Tử khí’ ngày 11/09 tiếp tục cướp đi sinh mệnh
Khói độc và bụi do sự sụp đổ của Trung tâm Thương mại Thế giới đã tác động đến hàng ngàn thường dân quay trở lại làm việc ngay sau sự kiện ngày 11/09
Những chất độc từ đống đổ nát của Trung tâm Thương mại Thế giới xưa đang tiếp tục phát tác độc chất cho đến tận 20 năm sau, gây ra hàng loạt những bệnh lý hiểm nghèo và những ca tử vong. Nó không chỉ tác động đến những nhân viên ứng phó đầu tiên tham gia vào các nỗ lực cứu hộ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/09/2001; mà còn ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người dân đã tình nguyện giúp dọn dẹp hay quay trở lại làm việc tại khu vực trung tâm thành phố không lâu sau đó.
Tất cả mọi người từ nhân viên an ninh cho đến nhân viên văn phòng đều đã trở lại làm những công việc của mình sau khi chính phủ quả quyết rằng việc hít thở bầu không khí bị bao trùm bởi những đám mây bụi là an toàn. Người ta đã đặt nghi vấn về sự cam đoan này, vì chất lượng không khí là tệ thấy rõ. Tuy nhiên, nó thực sự tệ ra sao, thì người ta chỉ nhận ra sau khi người dân bắt đầu bị bệnh. Chính phủ đã phải công nhận hàng chục căn bệnh liên quan đến phơi nhiễm chất độc, bao gồm cả các vấn đề về hô hấp và hơn 60 loại ung thư.
Năm 2010, Quốc hội đã thông qua một dự luật cung cấp bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và bồi thường tài chính cho bất kỳ ai được chẩn đoán mắc một trong những căn bệnh đã được công nhận mà có thể chứng minh sự hiện diện [của họ] tại khu vực bị ảnh hưởng của khu hạ Manhattan vào ngày 11/09 hoặc một lúc nào đó trong những tháng tiếp theo. Dự luật này đã được mở rộng và chấp thuận lại một vài lần, gần đây nhất là vào năm 2019.
Ông Chris Sorrentino là một trong những người được dự luật này chi trả. Ông từng làm việc với tư cách là một chuyên viên tại sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York cách Ground Zero (vị trí cũ của tòa tháp đôi nơi vụ tấn công khủng bố xảy ra) vài dãy nhà.
Vào sáng ngày 11/09/2001, ông đang trên một chiếc xe buýt từ Brooklyn, và bị kẹt ở một lối ra từ Đường hầm Brooklyn-Battery do tắc đường. Ông không hề hay biết, tình trạng tắc đường này là do chiếc phi cơ đầu tiên đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Cuối cùng, người tài xế cho hành khách xuống xe, và ông Sorrentino bắt đầu đi bộ hướng về phía Wall Street.
“Tôi đã nghe thấy một chiếc phi cơ vừa gầm lên. Tôi nhìn lên và thấy một chiếc phản lực cơ khổng lồ, một chiếc phản lực cơ chở khách,” ông nói với The Epoch Times.
Ông thầm nghĩ chiếc phi cơ đó bay quá thấp.
“Thế này thì sẽ không ổn rồi.”
Khi chiếc phi cơ khuất tầm nhìn, ông đã nghe thấy một tiếng nổ và chứng kiến một đám khói lớn cùng ngọn lửa bao trùm toàn bộ các tòa nhà trong khu vực. Tòa tháp thứ hai đã bị đánh sập.
Ông bắt đầu đi về phía khu vực đó, mà vẫn không chắc chuyện gì đang xảy ra. Ông gặp một vài đồng sự cùng làm việc tại sàn giao dịch. Họ nói với ông rằng đây là chiếc phi cơ thứ hai đã đâm vào.
“Chuyện này giống như một cuộc chiến tranh vậy,” một người trong số họ nói.
Họ quyết định vẫn đi đến sàn giao dịch, nhưng thay vì vậy, họ đã nhận được một cuộc gọi trên đường đến khu vực xa trung tâm.
Họ hướng đến FDR Drive, nơi mở cửa cho người dân đi bộ về phía bắc. Trên đường đi, ông trông thấy một người, có thể là một nhân viên chính phủ, với một chiếc điện thoại vệ tinh. Lúc bấy giờ, tín hiệu điện thoại di động không hoạt động, vì vậy ông đã hỏi liệu ông có thể gọi cho vợ mình được không.
“Gọi nhanh lên nhé,” người đàn ông đáp.
Vợ ông đang dõi theo những gì đang diễn ra trên bản tin. Ông bảo bà lấy thuyền của ông, đậu ở phía nam Cầu Verrazzano-Narrows ở quận Brooklyn, và đi đến Cảng biển South Street ở phía Tây của khu hạ Manhattan.
Trước đây bà chưa bao giờ tự mình đi thuyền ra ngoài, nhưng bà đã đồng ý làm theo lời ông nói.
Khi ông Sorrentino cùng các đồng nghiệp của mình đi về phía cảng biển, các tòa tháp đã sụp đổ.
“Tất cả những gì bạn thấy là một đám mây bụi đang len lỏi qua khắp hang cùng ngõ hẻm,” ông nói.
Mặc dù họ đã ở gần rìa phía tây của Manhattan, đi qua toàn bộ chiều rộng của hòn đảo từ phía những tòa tháp, nhưng họ vẫn bị muội than bao phủ từ đầu đến chân.
Ông Sorrentino cho biết, “Bạn không thể nhìn thấy 50 feet trước mặt mình. Điều đó cho thấy đám mây bụi đó dày cỡ nào.”
Ông kể rằng người dân ngay lập tức quấn trang phục quanh khuôn mặt họ, vì đám mây [bụi] khiến người ta bị “ngạt thở.”
Khoảng hai giờ sau cuộc điện thoại, vợ ông đến nơi. Đã có một đám đông người trên cầu tàu gắng sức nhảy lên bất kỳ chiếc thuyền nào cập bến.
“Chỉ cần tạt nhanh vào thôi, đừng có dừng lại,” ông hét lên với vợ mình.
Ông nhảy lên chiếc thuyền và vòng lại lần nữa, đón khoảng 10 người.
“Chúng tôi đã rời hòn đảo,” ông nói.
Trên đường đến Brooklyn, họ đã bị Hải Cảnh chặn lại để hỏi danh tính, vì toàn bộ khu vực được cho là đã bị phong tỏa.
“Tôi đoán là vợ tôi đã lẻn vào dưới radar trước khi họ phong tỏa,” ông nói.
Trở lại làm việc
Ông Sorrentino cùng hàng ngàn đồng nghiệp của ông đã trở lại làm việc vào thứ Ba tuần sau đó. Đã có áp lực vào thời điểm đó để mở lại sàn giao dịch chứng khoán [không chỉ] để khởi động lại việc giao dịch, mà còn nhằm thể hiện sự không khuất phục khi đối diện trước các cuộc tấn công.
Ông Christine Todd Whitman, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường và là cựu thống đốc tiểu bang New Jersey, đã tuyên bố rằng chất lượng không khí ở mức chấp nhận được để người dân quay trở lại khu vực này.
“Thống đốc Whitman đã cam đoan với mọi người rằng chất lượng không khí tốt và không có gì bất ổn cả,” ông Sorrentino nói. “Đó là nói dối 100%.”
Không có gì là bí ẩn đối với bất kỳ ai đã tới trung tâm thành phố rằng chất lượng không khí tại đó là “không thể chấp nhận được,” ông cho biết.
Bụi luôn luôn hiện diện, không thể nào làm sạch hoàn toàn. Các công nhân vệ sinh đã quét rửa đường phố hàng ngày, nhưng như vậy vẫn chưa đủ.
“Trông gần giống như tuyết vào mỗi buổi sáng,” ông nói.
Thêm vào đó, ngọn lửa bên dưới Ground Zero đã liên tục cháy trong suốt khoảng ba tháng.
“Vẫn có những làn khói bốc ra mỗi ngày,” ông Sorrentino nói. “Đó là thứ mùi ôi khó chịu nhất mà bạn muốn ngửi trong đời.”
Nhiều người trong số những ai đã nếm trải điều đó, kể cả ông Sorrentino, đã mô tả nó giống như “mùi của tử thi.”
Nó bốc mùi như amiăng (asbestos) cùng với thịt thối và lấp đầy khu hạ Manhattan trong “ba tuần cho đến một tháng,” ông nói.
Ông nghe các công nhân khác kể lại rằng các công nhân của tòa nhà đã phải liên tục thay các bộ lọc không khí trong hệ thống thông gió của họ vì chúng nhanh chóng bị tắc nghẽn.
Mùi đó khó chịu đến mức khiến một số người ứa nước mắt, ông nói.
Tuy nhiên, có vẻ như nhiều người đã không hiểu thấu được tác động toàn diện của hậu quả mà việc hít thở thứ đó mang lại.
“Tất nhiên là tôi đã không nghĩ sâu xa hơn về chuyện này,” ông Sorrentino nói.
Nhìn lại, ông thậm chí không chắc liệu những người lao động bình thường tại đó có biết khẩu trang N95 là gì hay không. Nhiều người đeo khẩu trang vải đơn giản, chẳng hạn như những chiếc khẩu trang do Vệ binh Quốc gia phát, ông cho biết.
“Tôi có thể nói rằng tôi biết rõ hơn một trăm người đã qua đời hoặc mắc bệnh ung thư kể từ ngày 11/9,” ông nói.
Trong suốt nhiều năm qua, bất cứ khi nào ông nghe tin ai đó bị bệnh, ông đều nói, “Chúng ta hẳn phải may mắn lắm.”
Sau đó, vào năm 2018, ông bắt đầu cảm thấy đau bụng. Ông đã đi hết bác sĩ này đến bác sĩ khác, nhưng không ai có thể chẩn đoán được nguyên nhân. Đến mức các bác sĩ đã cân nhắc gửi ông đến bác sĩ tâm thần, khi cho rằng cơn đau ấy là vấn đề về tâm lý.
Cuối cùng, ông đã được nội soi bàng quang ngược dòng vào năm 2019 và phát hiện ung thư bàng quang tiến triển. Ông cho biết mình đồng ý làm sinh thiết tại chỗ không gây mê, đó là “điều đau đớn nhất” trong cuộc đời ông. Ông tiếp tục chịu đựng một cuộc phẫu thuật bàng quang và bắt đầu quá trình hồi phục khó khăn.
Ông được cho biết rằng nếu chẩn đoán trễ hơn vài tháng, bác sĩ sẽ chẳng thể giúp gì cho ông.
Ông Sorrentino đã có thể đăng ký quỹ bồi thường [cho nạn nhân] 11/09, vì loại ung thư của ông là một trong những căn bệnh được cho là có liên quan đến độc chất.
Các luật sư liên quan
Mặc dù không cần thiết, nhưng vẫn có nhiều người nộp đơn yêu cầu nhận tiền từ quỹ bồi thường thông qua một công ty luật — như trong trường hợp của ông Sorrentino là công ty Barasch and McGarry.
Công ty luật này, vốn đại diện cho hơn 25,000 thân chủ nộp đơn yêu cầu nhận tiền từ quỹ bồi thường, từng là một văn phòng luật sư nhỏ giải quyết các khiếu nại về thương tích trong lao động, chủ yếu là khiếu nại từ các nhân viên cứu hỏa. Tuy nhiên, do có văn phòng cách Ground Zero chưa đầy ba dãy nhà, nên công ty này đã thay đổi hoàn toàn sau các cuộc tấn công, theo ông Michael Barasch, Luật sư Điều hành tại công ty.
Ông Barasch nói với The Epoch Times rằng, vào ngày xảy ra các cuộc tấn công, ông đang ở một phòng gym trên đường Vesey, cách tòa tháp đôi khoảng một dãy nhà, thì nghe thấy một “tiếng nổ cực lớn.”
Một người nào đó đã nói rằng một chiếc phi cơ đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới.
“Chúng tôi đi ra giao lộ giữa Broadway và Vesey và chúng tôi chỉ quan sát trong nỗi kinh hoàng khi mọi người chạy tán loạn ra khỏi tòa nhà đó,” ông nói.
Khi đám cháy cuồn cuộn bốc lên khắp tòa tháp thứ nhất, thì chiếc phi cơ thứ hai lại lao vào tòa tháp thứ hai.
Ông Barasch ngỡ ngàng nhận ra, “Ôi chao, chuyện gì thế này! Chúng ta đang bị tấn công.”
Ông chạy về văn phòng của mình.
Ông bảo mọi người, “Ra khỏi đây. Chúng ta đang có chiến tranh.”
Ông đã ở lại với một cộng sự có vợ làm việc tại một trong hai tòa tháp đôi. Người đàn ông này không chắc liệu vợ mình có đi làm sáng hôm đó hay không và đang cố gắng liên lạc với cô ấy.
“Cuối cùng, chuông cửa reo và đó là vợ anh ấy,” ông Barasch nói.
Tất cả họ đều đứng đó bàng hoàng chứng kiến cảnh tượng rùng rợn khi tòa tháp đầu tiên bắt đầu đổ sụp xuống.
“Tốt hơn hết là chúng ta nên rời khỏi đây,” họ chợt nhận ra.
Họ đã chạy xuống 18 tầng lầu bằng thang bộ.
“Vào thời điểm chúng tôi xuống được tiền sảnh của tòa văn phòng, nơi đó đã bám đầy bụi từ vụ nổ đầu tiên,” ông nói.
Họ đã chạy về hướng bắc.
Quay trở lại
Ông Barasch và các đồng nghiệp quay trở lại văn phòng của họ một tháng sau đó, sau khi điện được khôi phục.
Ông cho biết việc mất điện đã giúp họ tránh phải sống trong tình trạng ô nhiễm tồi tệ nhất, nhưng nơi này vẫn “vô cùng nặng mùi” khi họ quay trở lại.
Ông nói rằng, “Ngay cả khi đã đóng các cửa sổ, mùi hôi vẫn sẽ đi qua hệ thống điều hòa không khí.”
Ông cho hay mùi này khó chịu đến mức có thể dẫn đến chảy máu cam ở một số người.
Cuối cùng, khoảng một nửa văn phòng của ông gặp các vấn đề về sức khỏe, từ các vấn đề về hô hấp đến các dạng ung thư khác nhau. Một số người đã qua đời. Bản thân ông Barasch đã trải qua căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Công ty của ông đã tham gia vào làn sóng bồi thường nạn nhân đầu tiên, đại diện cho khoảng 1,000 thân chủ. Chương trình ban đầu được thiết lập để bảo vệ các hãng hàng không khỏi trách nhiệm đối với các cuộc tấn công. Các khiếu nại đòi bồi thường [được đệ trình với] điều kiện là từ bỏ quyền khởi kiện các hãng hàng không. Làn sóng đầu tiên kết thúc vào năm 2004 sau khi thanh toán được 7 tỷ USD. “Nhưng mọi người không ngừng bị bệnh,” ông Barasch nói. Sau khi suy đi tính lại rất lâu về phạm vi và kinh phí, Quốc hội đã mở lại quỹ bồi thường và chương trình y tế thông qua Đạo luật Bồi thường và Sức khỏe James Zadroga 11/09 năm 2010. Nó được đặt theo tên một trong những thân chủ của ông Barasch, thám tử James Zadroga thuộc Sở Cảnh sát Thành phố New York (NYPD), người đã tham gia vào nỗ lực cứu hộ và khôi phục sau 11/09 và qua đời vì xơ phổi vào năm 2006.
Việc tái chấp thuận năm 2019 đã kéo dài chương trình đến năm 2090. Vào thời điểm đó, Quỹ Bồi thường Nạn nhân đã thanh toán khoảng 5 tỷ USD theo Đạo luật Zadroga và dự kiến sẽ chi thêm 10 tỷ USD vào năm 2029. Chương trình y tế này đã thanh toán khoảng 1.5 tỷ USD tính đến năm 2019, dựa trên một ước tính trước đó của Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
Luật này giới hạn phí luật thuê sư ở mức 10% của tiền bồi thường nhận được.
Ông Barasch nói, “Chính phủ đã làm điều sai trái khi nói với chúng tôi rằng không khí an toàn, nhưng … chính phủ đã làm điều đúng đắn bằng cách tạo ra quỹ nạn nhân, chương trình y tế, và sau đó gia hạn vĩnh viễn cả hai chương trình này.”
CHƯƠNG TRÌNH Y TẾ TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI
Chương trình này chi trả các chi phí chăm sóc sức khỏe cho những người mắc bệnh liên quan đến sự kiện ngày 11/09 Đối với những người mắc các chứng bệnh cụ thể đã có mặt tại hoặc xung quanh khu vực Ground Zero vào ngày 11/09 hay thời gian sau đó, các bệnh tật của họ được cho là có liên quan đến sự kiện ngày 11/09 112,042 trường hợp đăng ký chương trình tính đến ngày 30/06. Nguồn: Kalle Anka Freebase co. |
Nhóm phụ trách tin tức Anh ngữ của Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Xem thêm: