Tự do không thể là điều hiển nhiên mà phải trả giá để bảo tồn
Sự tự do và tự chủ được Hoa Kỳ gìn giữ trong nhiều thập niên qua hiện được coi như là một điều hiển nhiên đến mức chúng đang bắt đầu trở nên lu mờ, ông Eric Metaxas, người gần đây bị YouTube xóa khỏi nền tảng của họ nói với tờ The Epoch Times.
Đây là lời cảnh báo để mọi người nhận ra rằng họ cần phải đứng lên vì sự thật và các giá trị của mình, và họ phải sẵn lòng trả giá để bảo vệ chúng, ông Metaxas cho biết trên chương trình “Giao lộ Thông tin” (Crossroads) của EpochTV.
Ông nói, “Khi một ai đó bị xóa khỏi YouTube như tôi, điều đó sẽ gây hủy hoại về mặt tài chính, thật là khó khăn. Nhưng tôi nghĩ tới những gì người ta đang trải qua ở những nơi như Trung Quốc, trên khắp thế giới … thế nên ở một mức độ nào đó, tôi cảm thấy vinh dự vì một chút kiểm duyệt hoặc ngược đãi nhỏ nhặt này đối với những điều tôi nói ra và tin tưởng.”
Theo ông Metaxas, người dân tại Hoa Kỳ ngày nay không trân trọng một cách đầy đủ quyền tự do ngôn luận nữa.
“Vì vậy, ở một mức độ nào đó, những thứ đang diễn ra, như chuyện kiểm duyệt tôi-tức là tôi đã bị gạt khỏi YouTube-là một lời nhắc nhở hữu ích rằng chúng ta không được coi những điều này là hiển nhiên,” ông nói.
“Nếu quý vị muốn sống ở một đất nước tự do, nơi mà quý vị có thể biểu đạt ý kiến của mình và có tự do ngôn luận cũng như có nơi tự do trao đổi các ý tưởng như thế này, quý vị phải hiểu cách thức điều đó vận hành ra sao và cái gì ngăn điều đó lại.”
Ông Metaxas ví việc xóa bỏ chương trình của mình là văn hóa xóa sổ và so sánh việc này với cuộc Cách mạng Văn hóa theo chủ nghĩa Mao của Trung Quốc.
“Nếu anh không nghe lời chúng tôi, chúng tôi sẽ trừng phạt anh. Chúng tôi sẽ trừng phạt anh một cách công khai. Chúng tôi sẽ làm nhục anh,” ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Metaxas, tự do là được Thượng Đế ban cho Hoa Kỳ.
Ông nói: “Một mặt đó là phước lành, là một món quà, nhưng đó cũng là một gánh nặng. Những người tự cho mình là những người tự do, những người yêu nước, đặc biệt là những tín đồ Cơ đốc [cần phải] đứng lên vì những điều đúng đắn và nói rằng, chúng tôi sẵn sàng trả giá bất cứ điều gì. Sinh mệnh của chúng ta nằm trong tay Thượng Đế, các quyền tự do của chúng ta là một món quà và chúng ta sẵn lòng làm những gì có thể để gìn giữ chúng.”
Cái giá phải trả có thể là nhỏ-chẳng hạn như bị xóa khỏi YouTube-hoặc cái giá đắt là hy sinh tính mệnh của quý vị, ông Metaxas nói.
Các nền tảng truyền thông xã hội lớn đã và đang chuyển hướng sang việc bịt miệng nhiều người dùng của họ bằng cách kiểm duyệt, xóa bỏ, tắt tính năng kiếm tiền và cấm không cho những người này sử dụng nền tảng của họ.
Hiện tượng này đã thu hút sự giám sát của một số nhà lập pháp. Hồi tháng Ba, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) đã thúc giục Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, Dân biểu Jerrold Nadler (Dân Chủ-New York) giải quyết vấn đề văn hóa xóa sổ.
“Các trường đại học đã hủy các bài giảng vì sinh viên không đồng ý với diễn giả,” ông Jordan cho biết trong một bức thư gửi ông Nadler. “Một biên tập viên cho tờ báo kỷ lục của Mỹ bị buộc phải từ chức vì đã đăng ý kiến của một Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa mà tòa soạn không đồng ý. Amazon đã từ chối bán những cuốn sách phản ánh những quan điểm chính trị nhất định, còn Twitter và Facebook thì kiểm duyệt và cấm không cho những người theo phái bảo tồn truyền thống nổi tiếng sử dụng nền tảng của họ, bao gồm cả Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ.”
Vào tháng Hai, Dân biểu Cathy McMorris Rodgers (Cộng Hòa-Washington) đã chỉ trích các đảng viên Dân Chủ của Hạ viện vì đã gây áp lực buộc các hãng truyền hình phải loại bỏ kênh Fox News, cũng như hai kênh tin tức truyền hình cáp theo phái bảo tồn truyền thống.
Kiếm lợi mà không màng đạo đức
Tại Hoa Kỳ, hầu hết các tập đoàn tư nhân sẽ hành động theo bất cứ cách nào họ muốn để kiếm tiền. Những tập đoàn không được lãnh đạo bởi “những người có đạo đức … có nguyên tắc, những người có đức tin tôn giáo, những người nói rằng, ‘Dù có chuyện gì đi nữa thì chúng tôi cũng sẽ làm điều đúng đắn,’ … họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để tăng lợi nhuận,” ông Metaxas nói.
“Nếu điều đó có nghĩa là dùng người Duy Ngô Nhĩ làm lao động nô lệ và họ có thể thoát khỏi mọi tội lỗi về việc đó, thì họ sẽ làm.”
Ông Metaxas tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như vậy “tìm lời ngụy biện nào đó để hợp lý hóa” hành vi của mình.
Ông Metaxas nói rằng điều đó là vô đạo đức và vi hiến, đồng thời đưa ra một ví dụ tương tự: “Nếu tôi có một quầy phục vụ ăn trưa và tôi nói, tôi không muốn phục vụ người da đen tại đây, mọi người đừng đưa ra ý kiến gì, đó là một doanh nghiệp tư nhân và quý vị tự đặt ra quy tắc của riêng mình. Vào lúc đó, Hiến pháp được đưa ra và họ nói, ‘Ồ, xin lỗi, quý vị không thể làm điều đó ở Hoa Kỳ. Chúng tôi quyết định rằng điều đó là sai trái, điều đó là sai trái về mặt đạo đức.”
“Nếu quý vị muốn kiếm tiền ở quốc gia này, quý vị phải tuân theo những quy tắc nhất định. Có một số điều quý vị không thể làm. Quý vị không thể thuê lao động là trẻ em; quý vị không thể có các chính sách phân biệt chủng tộc; và quý vị cũng không thể sử dụng nền tảng của mình để đàn áp các quan điểm.
“Người dân Hoa Kỳ phải hiểu rằng, nếu quý vị muốn tự do, nếu quý vị muốn sống trong một quốc gia tự do và thúc đẩy tự do cho những con người khao khát tự do trên khắp thế giới, quý vị sẽ phải đưa ra một số lựa chọn.”
Ông Metaxas lưu ý rằng mọi người có thể bắt đầu bằng cách chọn lựa nơi họ mua sắm.
“Quý vị có quyền lựa chọn: quý vị không thể tránh né khỏi việc lựa chọn,” ông nhấn mạnh tính cần thiết của việc mọi người phải hiểu rõ điểm đó.
Ông Metaxas cho biết có “một số kiểu phản đối và tẩy chay là tốt.” Để minh chứng cho điều này, ông Metaxas đã viện dẫn các cuộc biểu tình phản đối Thế vận hội 2022 sắp được tổ chức ở Trung Quốc-một quốc gia cực kỳ vô nhân đạo và không coi trọng sự trân quý của sinh mệnh con người.
Về mặt đạo đức, mọi người có nghĩa vụ phải làm bất cứ điều gì có thể để chống lại những hành vi vô nhân đạo như vậy, theo ông Metaxas.
“Chúng ta hãy thể hiện quan điểm của mình thông qua cách chúng ta tiêu tiền, cách chúng ta sử dụng thời gian của mình,” ông nói.
Theo ông Metaxas, cuộc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống thực sự trên quy mô lớn. Do đó, nếu ai đó chi tiền cho các sản phẩm của Nike mà không nghĩ đến việc Nike đã nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng lao động nô lệ, thì người này chắc hẳn sẽ là người ủng hộ chế độ nô lệ nếu anh ta sống vào năm 1850.
Gần đây, Giám đốc điều hành của Nike, ông John Donahoe đã nói với các nhà phân tích Phố Wall khi thảo luận về thu nhập của Nike, “Chúng tôi là một thương hiệu của Trung Quốc và dành cho Trung Quốc,” theo bản chép nội dung của Nasdaq về một cuộc gọi liên quan đến thu nhập dành cho công ty này.
“Chúng tôi tự tin về những gì chúng tôi đang chứng kiến tại Trung Quốc khi chúng tôi thúc đẩy tăng trưởng dài hạn và chúng tôi có tầm nhìn dài hạn về Trung Quốc. Chúng tôi đã hiện diện ở Trung Quốc hơn 40 năm, vẫn đầu tư thời gian và sức lực đáng kể vào Trung Quốc trong những ngày đầu tiên, và ngày nay, chúng tôi là thương hiệu thể thao lớn nhất tại đó,” ông Donahoe cho hay.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) cho biết trong một cuộc điều trần tại Thượng viện vào tháng Bảy này rằng một số công ty đã thức tỉnh trước thực tế rằng họ có thể đang thu lợi từ lao động nô lệ, trong khi nhiều công ty vẫn chưa nhận ra điều đó.
“Các công ty như Nike và Apple, Amazon và Coca Cola đã sử dụng lao động cưỡng bức. Họ được hưởng lợi từ lao động cưỡng bức hoặc từ việc lấy nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp bị nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức. Thật đáng buồn là những công ty này đã biến tất cả chúng ta trở thành đồng lõa với những tội ác này,” ông Rubio nói.
Một số người trong giới doanh nghiệp muốn nhìn xem gió thổi theo chiều nào thì nghiêng về chiều đó.
“Hãy nói cho tôi biết những gì quý vị muốn. Quý vị muốn tôi nói ‘Hitler muôn năm’ ư? Hay quý vị muốn tôi nói Đức Quốc Xã thật xấu xa? Quý vị muốn tôi nói rằng tôi ghét người da đen? Hay người da trắng là xấu xa?” ông Metaxas nói về những quyết định kinh doanh mà không dựa trên đạo đức.
“Họ chẳng hề có tiêu chuẩn đạo đức gì. Họ là những kẻ trục lợi điên cuồng. Họ sẽ và đã bán linh hồn của mình vì tiền.”
Ông Metaxas cho biết, nhiều chính trị gia, những người không đủ can đảm đứng lên chống lại những hoạt động kinh doanh trái đạo đức này, cần phải bị cách chức.
“Người dân Mỹ cần phải đứng lên và nói rằng: ‘Chúng ta phải được dẫn dắt bởi những người có lòng dũng cảm và đức tin, chúng ta sẽ không dung thứ cho bất cứ điều gì thấp kém hơn,” ông nói.
Theo ông Metaxas, những ai không đứng lên khi các quyền tự do của họ đang bị tước đoạt cần được đánh thức.
Ông nói, “Mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn để trở thành một phần của vấn đề hay là trở thành một phần của giải pháp. Nếu quý vị không phải là một phần của giải pháp … thì quý vị chính là một phần của vấn đề.”
Do Ella Kietlinska và Joshua Philipp thực hiện
Với sự đóng góp của Janita Kan
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: