Tự do báo chí ở Hồng Kông liệu có biến mất?
Sự thắt chặt của chế độ cộng sản đối với Hồng Kông bước sang một giai đoạn mới sau khi cảnh sát bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai, và đột kích vào tòa soạn kênh truyền thông của ông. Điều này làm dấy lên lo ngại, Bắc Kinh đang có ý dập tắt quyền tự do báo chí.
Ông Lai là một nhà phê bình Trung Cộng cứng rắn, đã cùng với hai con trai bị bắt vào ngày 10 tháng 8. Họ bị cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài dựa theo luật an ninh quốc gia mới của Hồng Kông do Bắc Kinh ban hành. Cuối ngày hôm đó, hơn 200 nhân viên cảnh sát đã đột kích vào tòa soạn của báo Apple Daily và thu thập 25 hộp bằng chứng. Đây là tờ báo ủng hộ dân chủ lớn nhất thành phố.
Cùng ngày, một số phương tiện truyền thông và nhà dân chủ khác đã bị bắt, bao gồm cả nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Agnes Chow. Cảnh sát cho biết có 10 người, gồm chín đàn ông và một phụ nữ, đã bị bắt ngày 10 tháng 8, và không cung cấp thêm chi tiết.
Các vụ bắt giữ và đột kích vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ các quan chức và nhà hoạt động chính trị trên khắp thế giới.
Chris Patten, thống đốc Anh cuối cùng của Hồng Kông, cho biết trong một tuyên bố ngày 10 tháng 8 do tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch đưa ra: “Đây là cuộc công kích phẫn dữ dội nhất đối với những gì còn lại của tự do báo chí ở Hồng Kông”.
Chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái này, trong đó Vương quốc Anh nói rằng vụ bắt giữ là thêm một bằng chứng về việc luật an ninh quốc gia được sử dụng như “cái cớ để làm im lặng người bất đồng chính kiến”. Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh cho đến khi lãnh thổ này được trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, với cam kết sẽ cho phép thành phố có mức độ tự trị cao và hưởng các quyền tự do vốn không có ở Đại Lục.
Chấm dứt tự do
Trung Cộng đã chủ trì một chiến dịch tăng cường chống lại các lực lượng ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông kể từ khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực vào tháng trước.
Đạo luật trừng phạt bất kỳ hành động nào mà Bắc Kinh coi là lật đổ, ly khai, khủng bố và câu kết với các thế lực nước ngoài với mức án tù có thể lên đến mức chung thân. Trước khi thực thi luật, Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông nói rằng luật này sẽ chỉ được sử dụng để chống lại một số ít tội phạm và sẽ không ảnh hưởng đến các quyền tự do của thành phố.
Kể từ tháng Bảy, các khẩu hiệu phản đối phổ biến đã bị cấm. Các ứng cử viên ủng hộ dân chủ đã bị loại khỏi cuộc bầu cử hội đồng lập pháp và các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ, bao gồm cả thanh thiếu niên, đã bị bắt theo luật an ninh. Ngày 31/7, Lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam thông báo sẽ trì hoãn một năm đối với cuộc bầu cử sắp tới, với lý do bùng phát virus Trung Cộng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nói rằng chính phủ thân Bắc Kinh đã sử dụng đại dịch này làm cái cớ để tránh khả năng thất bại ở cuộc bỏ phiếu.
Cô Chu nói với các phóng viên sau khi được tại ngoại vào cuối ngày thứ Ba: “Rõ ràng chính quyền và chính phủ này đang sử dụng luật an ninh quốc gia để trấn áp những người bất đồng chính kiến”. Đồng thời cô cũng nói thêm rằng cô bị cáo buộc thông đồng với các thế lực ngoại quốc. Ông Lai sau đó được tại ngoại vào đầu ngày thứ Tư.
Chính quyền này cũng đã áp dụng luật để truy lùng các nhà hoạt động Hồng Kông sống ở nước ngoài. Vào ngày 31/7, chính quyền đã ban hành lệnh bắt giữ sáu người ủng hộ [dân chủ] hiện đang sống ở nước ngoài, bao gồm một công dân Hoa Kỳ, với cáo buộc ly khai hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài.
Bắc Kinh cho biết luật an ninh cũng được áp dụng kể cả trên phạm vi ngoài lãnh thổ Trung Quốc, có nghĩa là nó cũng áp dụng đối với các hành vi vi phạm của người nước ngoài bên ngoài Hồng Kông.
Người Hồng Kông phản đòn
Bất chấp sự đàn áp ngày càng gia tăng, người dân Hồng Kông đã ra mặt ủng hộ phong trào dân chủ.
Ấn bản thứ Ba của Apple Daily đã được bán hết sạch ở các quầy báo, nhiều người mua báo xếp hàng từ sáng sớm. Một số siêu thị đã mua báo và để sẵn cho khách hàng lấy miễn phí. Một số người biểu tình đã đến một trung tâm mua sắm ở thị trấn Sha Tin và hô khẩu hiệu trong khi cầm tờ báo.
Tại một trung tâm mua sắm ở quận Mong Kok sầm uất, một phụ nữ trung niên đang mang một tấm biển có hình logo của Apple Daily vẽ bằng tay. Cô ấy nói cuộc đột kích tòa soạn là “hoàn toàn bất hợp pháp” và nói thêm rằng sẽ tiếp tục ủng hộ tờ báo vì “nếu không có tự do ngôn luận, Hồng Kông sẽ thất thủ”.
Trong khi đó, sau khi các diễn đàn trực tuyến ủng hộ dân chủ kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ, cổ phiếu của Next Digital, công ty truyền thông xuất bản các bài báo của Apple Daily, đã tăng mạnh vào ngày sau ngày ông Lai bị bắt, tăng hơn 2.078% so với ngày thứ Sáu tuần trước.
Giá trị thị trường của tờ báo đã tăng từ khoảng 200 triệu đô la Hồng Kông vào thứ sáu tuần trước lên đến 5,17 tỷ đô la Hồng Kông (666,7 triệu USD) vào thứ ba tuần này.
Trong một hình thức hỗ trợ khác, người ta xếp hàng dài để ăn trưa tại nhà hàng Cafe Seasons thuộc sở hữu của anh Ian, con trai của ông Lai.
Tuần trước, Hoa Kỳ đã áp đặt biện pháp trừng phạt với nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam cùng 10 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông khác vì tham gia vào luật an ninh mới phá hoại quyền tự do của thành phố. Bắc Kinh đã trả đũa vào thứ hai bằng cách chế tài 11 công dân Hoa Kỳ, bao gồm cả các nhà lập pháp liên bang và những người đứng đầu các tổ chức phi lợi nhuận và nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Cô Jenny Wang, cố vấn chiến lược tại Tổ chức Nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, cho biết các vụ bắt giữ và truy quét có khả năng là đòn trả đũa cho các lệnh trừng phạt gần đây của Hoa Kỳ, đồng thời nói thêm rằng có thể còn có nhiều vụ bắt giữ các nhân vật ủng hộ dân chủ trong những tuần tới.
Cô Wang nói với The Epoch Times: “Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng nhiều chiêu khác nhau từ cái túi độc tài của họ để đàn áp tiếng nói và xâm phạm quyền tự do của người Hồng Kông”.
Biên dịch: Minh Trí