Từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đến Hollywood: Trung Cộng nỗ lực kiểm soát Hoa Kỳ như thế nào?
Chúng ta đang tiến nhanh đến ngày kỷ niệm tròn hai tháng của lời xin lỗi từ anh John Cena. Đối với những người chưa biết, trong một cuộc phỏng vấn cho Fast and Furious 9, một bộ phim mà anh này đóng vai chính, chàng đô vật chuyên nghiệp kiêm diễn viên này đã mắc “sai lầm” khi gọi Đài Loan là một quốc gia.
Bề ngoài thì ra vẻ là anh Cena đang xin lỗi người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, anh ấy đang xin lỗi Trung Cộng, về căn bản thì chế độ này đang kiểm soát Hollywood.
Như Giáo sư Aynne Kokas, tác giả của cuốn “Hollywood Made in China,” lưu ý, “Các xưởng sản xuất điện ảnh của Trung Quốc như Alibaba Pictures và Tencent Pictures” hiện đóng “một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các bộ phim ở Hollywood.”
Ngày nay, các “nền tảng giải trí” của người Mỹ đã trở nên quá đỗi “tuyệt vọng trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc” đến mức họ sẵn sàng “làm việc chống lại lợi ích lâu dài của chính họ.” Lấy Netflix làm ví dụ, dịch vụ phát trực tuyến lớn nhất thế giới. Theo bà Kokas, công ty đã “cấp phép nội dung của mình cho nền tảng iQiyi của Trung Quốc, từ đó giúp tăng cường sự nổi tiếng của iQiyi.” Hollywood đã thực hiện một khế ước ác ma với Bắc Kinh. Để đổi lấy linh hồn của mình, hãng này đồng ý tiếp tục tung ra những bộ phim buồn tẻ, và nặng về nhượng quyền thương mại.
Mặc dù lời xin lỗi khó hiểu của anh Cena thực sự đáng lo ngại, nhưng điều quan trọng là phải đặt câu nói đó vào trong ngữ cảnh. Anh Cena trả lời trước các nhà điều hành Hollywood, và các nhà điều hành này trả lời trước Trung Quốc. Sự thật là lời xin lỗi của anh Cena đã được chuyển tải [tới Bắc Kinh] bằng tiếng Quan Thoại trôi chảy. Vị triệu phú này không học ngôn ngữ để giải trí; anh ấy đã học vì đó là một yêu cầu công việc.
Đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng của Trung Quốc còn vượt xa cả Hollywood. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp do Bắc Kinh hậu thuẫn đã đầu tư hàng tỷ dollar vào mảnh đất Hoa Kỳ. Như tác giả kiêm nhà nông Deborah J. Comstock viết, mục tiêu của Trung Cộng rất đơn giản: “đầu tư vào nông nghiệp ở hải ngoại và giành quyền kiểm soát nhiều hơn đối với các sản phẩm hạt có dầu và ngũ cốc, tạo ra các chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị và đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, và để tạo ra các tập đoàn liên kết kinh doanh ngũ cốc đa quốc gia lớn.” Khoản doanh thu kiếm được tránh né “thị trường hàng hóa của Hoa Kỳ,” và “được tuồn qua các kênh phân phối của chính các pháp nhân ngoại quốc, chảy trực tiếp về quốc gia của họ.”
Ảnh hưởng không chỉ dừng lại đó thôi đâu. Một báo cáo đáng chú ý của Fox News đã chỉ ra nhiều cách mà Hoa Kỳ đang trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Lấy vật tư y tế làm ví dụ. Theo báo cáo, Trung Quốc hiện “sản xuất 97% thuốc kháng sinh của Hoa Kỳ” và “80% thành phần dược hoạt tính được sử dụng trong các loại thuốc của Hoa Kỳ.” Nói cách khác, Trung Cộng có “quyền kiểm soát tuyệt đối” đối với “dược phẩm có khả năng cứu mạng sống.”
Hơn nữa, “các công ty và nhà đầu tư được Bắc Kinh hậu thuẫn sở hữu phần lớn quyền kiểm soát” trong gần 2,400 công ty Mỹ.
Những công ty đó bao gồm những cái tên như “AMC Entertainment (giải trí), Complete Genomics (chăm sóc sức khỏe), First International Oil (năng lượng), GE Appliances (công nghệ), IBM—bộ phận P.C. (công nghệ), Legendary Entertainment Group (giải trí), Motorola Mobility (công nghệ), Nexteer Automotive (xe hơi), Riot Games (giải trí), Smithfield Foods (thực phẩm),” và còn nhiều cái tên khác nữa.
Các công ty bị sở hữu thì đa dạng trong nhiều lĩnh vực và con số ấy là rất nhiều. Lấy ví dụ như Smithfield Foods, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Vào năm 2013, công ty này đã được Shuanghui International Holdings mua với giá 5 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với giá trị thị trường của công ty. Thương vụ mua lại này, cũng như cái giá phải trả, đã gây ngạc nhiên. Trung Cộng rõ ràng đã tham gia vào việc mua bán này. Như Thượng nghị sĩ Debbie Stabenow đã nói vào thời điểm đó rằng “đây không đơn thuần là một thương vụ mua lại một công ty.” Không hề, bà đã cảnh báo, Trung Cộng vừa mua “25 phần trăm” “ngành công nghiệp thịt heo” của Hoa Kỳ.
Và còn nhiều hơn nữa
Cả MSNBC và NBC, hai trong số những nhà cung cấp tin tức lớn nhất ở Hoa Kỳ, đều thuộc sở hữu của NBC Universal, dường như có quan hệ chặt chẽ với Tân Hoa Xã, một cơ quan tuyên truyền do Trung Cộng điều hành. Các hãng thông tấn khác như ABC và ESPN dường như cũng có liên hệ với Trung Cộng. Năm 2019, các nhân viên của ESPN đã được trực tiếp yêu cầu tránh thảo luận về chính trị Trung Quốc bằng mọi giá. Các cảnh báo được đưa ra khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông bắt đầu trở thành bạo lực.
Hai năm trôi qua, người ta tự hỏi liệu ảnh hưởng từ Bắc Kinh có giải thích được tại sao loại virus này, gần như chắc chắn là có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, lại bị che đậy một cách trầm trọng như vậy—cụ thể hơn là một cách quá đỗi mù quáng như vậy. Malcolm X từng gọi giới truyền thông là “tổ chức quyền lực nhất trên trái đất.” Ông lập luận rằng, họ “có quyền” “làm cho người vô tội thành có tội và khiến người có tội trở nên vô tội.” Tất cả là bởi vì “họ kiểm soát tư tưởng của công chúng.” Họ chắc chắn làm được như vậy, và đó là do họ kiểm soát cách đưa tin. Mà cách đưa tin này không chỉ thiên lệch; nhìn chung là nó không chính xác.
Có gì ngạc nhiên khi sự tín nhiệm vào các kênh truyền thông truyền thống đang ở mức thấp nhất mọi thời đại? Hoặc là khi diễn viên hài Jon Stewart táo bạo nói rằng có thể, chỉ là có thể, virus này đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán—mọi người biết đấy, một phòng thí nghiệm nghiên cứu các virus corona chủng mới—ông ấy đã bị phớt lờ, bị coi thường, hay bị chỉ trích nặng nề bởi những hãng thông tấn cánh tả, hữu hảo với Trung Quốc. Ông Stewart đang nói thay cho công chúng, nhưng ông ấy lại bị đối xử như một kẻ cuồng thuyết âm mưu. Đây là hành vi thao túng thông tin ở dạng thuần túy nhất, nhờ đó (những) kẻ thao túng thành công trong việc khiến (các) mục tiêu chất vấn trí nhớ và nhận thức của chính họ, và trong một số trường hợp, là chất vấn cả sự tỉnh táo của họ. Trung Cộng bận rộn phản đối các cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus, và giới truyền thông Hoa Kỳ, không chỉ [hoạt động] như là các cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc, [mà họ còn] đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự thật được hé lộ.
Năm nay, tạp chí Time đã đăng một bài về lý do tại sao ngày nay Hoa Kỳ lại bị chia rẽ sâu sắc như vậy. Việc nhiều hãng thông tấn không có khả năng đưa tin một cách khách quan chắc chắn là một yếu tố góp phần. Những gì chúng ta đang chứng kiến ngày nay là chiến tranh thông tin, vốn có liên hệ mật thiết với chiến tranh tâm lý, ở dạng thuần túy nhất—và Trung Cộng đã đóng một vai trò chủ chốt trong việc gieo rắc vô số những mầm mống nghi ngờ.
Bằng cách nào mà chúng ta lại đến nông nỗi này? Giải pháp là gì đây? Đây là những câu hỏi quan trọng, thậm chí mang tính sinh tồn, cần phải được đặt ra. Quan trọng hơn cả là chúng phải được trả lời.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với hãng thông tấn Guancha, một cơ quan tuyên truyền khác của Trung Cộng, thứ trưởng bộ ngoại giao của Trung Cộng, ông Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng), đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng “thế giới này đã biến đổi rồi.” Ông nói, đất nước [Hoa Kỳ] “cần phải nhìn thấy những biến hóa này, thích ứng với chúng, suy ngẫm và cải chính những sai lầm của họ trong quá khứ.” Để xem sự phản tỉnh và cải chính được Bắc Kinh chấp thuận ấy trông ra sao, vui lòng xem lại lời xin lỗi của anh John Cena. Nếu đó là kết quả mà Trung Cộng mong muốn, thì tất cả chúng ta sẽ phải quỳ phục xuống mà nói bằng tiếng Quan Thoại.
Tác giả John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Mac Ghlionn thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: