TT Trump: Ông Pence ‘có quyền bác bỏ các đại cử tri được bầu chọn một cách gian lận’
Lặp lại các tuyên bố của nhóm pháp lý của mình trong những ngày gần đây trước Phiên họp chung của Quốc hội ngày 06/01, Tổng thống Donald Trump đã khẳng định hôm thứ Ba (05/01) rằng Phó Tổng thống Mike Pence có quyền bác bỏ các đại cử tri đã được bầu chọn một cách gian lận.
“Phó Tổng thống có quyền từ chối các đại cử tri được bầu chọn gian lận,” TT Trump viết trên Twitter hôm thứ Ba (05/01).
Các thành viên Đảng Cộng Hòa càng ngày càng gây nhiều áp lực lên ông Pence, người nắm giữ vai trò chủ tịch Thượng viện, và sẽ giám sát việc chứng nhận phiếu bầu của Đại cử tri đoàn. Ít nhất 12 thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa và hàng chục dân biểu Hạ viện đã cam kết phản đối các lá phiếu đại cử tri của các tiểu bang, vốn sau đó dự kiến sẽ gây ra một cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ, trước khi tổ chức một cuộc bỏ phiếu đa số đơn giản, về việc có chứng nhận các lá phiếu đại cử tri của các tiểu bang hay không.
“Tôi biết tất cả chúng ta đều có những nghi ngờ của mình về cuộc bầu cử vừa qua,” ông Pence nói với đám đông những người ủng hộ ở tiểu bang Georgia vào thứ Hai (04/01) và nói thêm rằng, “tôi muốn bảo đảm với các bạn rằng tôi chia sẻ mối quan tâm của hàng triệu người dân Hoa Kỳ về những bất thường trong cuộc bỏ phiếu. Tôi hứa với quý vị, hãy đến vào thứ Tư này (06/01), chúng ta sẽ có ngày của mình tại Quốc hội.”
Vài giờ sau khi ông Pence phát biểu, TT Trump nói với cử tri tiểu bang Georgia: “Tôi phải nói với các bạn, “Tôi hy vọng ông Mike Pence sẽ giành phần thắng cho chúng ta.”
“Tôi hy vọng ông Mike Pence sẽ giành phần thắng cho chúng ta. Tôi hy vọng vị phó tổng thống tuyệt vời của chúng ta sẽ giành phần thắng cho chúng ta. Ông ấy là một người tuyệt vời,” ông Trump nói mà không cần giải thích thêm. “Tất nhiên, nếu ông ấy không làm được thế, tôi sẽ không thích ông ấy lắm.”
Tuy nhiên, vẫn có những câu hỏi đặt ra về quyền lực mà ông Pence thực sự có, vì nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng phó tổng thống chủ yếu chỉ chủ trì phiên họp với tư cách nghi lễ.
Trong vài tuần qua kể từ cuộc bầu cử ngày 03/11, TT Trump và đội ngũ của ông đã cáo buộc có hành vi gian lận cử tri, những bất thường và những thay đổi vi hiến đối với các quy định, xung quanh việc bỏ phiếu qua thư ở các tiểu bang quan trọng. Hôm 14/12, khi Đại cử tri đoàn bỏ phiếu, các đại cử tri được Đảng Cộng Hòa hậu thuẫn cũng bỏ phiếu cho ông Trump và ông Pence, trong một nỗ lực để bảo vệ các thách thức pháp lý của tổng thống.
Phiên họp chung của Quốc hội bắt đầu từ 1 giờ chiều vào thứ Tư (06/01). Trong các phiên họp trước đó, các phó tổng thống đã mở các giấy chứng nhận, phản ánh các lượng phiếu bầu đại cử tri đã được các tiểu bang gửi tới, trước khi giao chúng cho “kiểm phiếu viên”, những người được lưỡng viện của Quốc hội chỉ định để đọc lá phiếu và xác nhận. Sau đó, các kiểm phiếu viên đọc các lá phiếu [của các tiểu bang], theo thứ tự bảng chữ cái, bắt đầu bằng tiểu bang Alabama.
Một thách thức đối với phiếu đại cử tri của một tiểu bang, cần được đệ trình bằng văn bản, bởi một thượng nghị sỹ và một dân biểu. Hôm thứ Hai (04/01), Dân biểu Mo Brooks (Đảng Cộng Hòa-Alabama), nhà lập pháp dẫn đầu nỗ lực tại Hạ viện, tuyên bố ông đã ký phản đối các phiếu đại cử tri “bị ô uế” ở các tiểu bang Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Pennsylvania và Wisconsin – những tiểu bang mà chiến dịch của TT Trump đã đệ đơn kiện hoặc tổ chức các phiên điều trần, trước các thành viên cơ quan lập pháp.
Càng ngày càng có nhiều áp lực buộc ông Pence phải hành động trong Phiên họp chung, với việc Dân biểu Louie Gohmert (Đảng Cộng Hòa-Texas) và các đảng viên Cộng Hòa khác đã đệ đơn kiện chống lại ông [Pence] nhằm hủy bỏ một điều khoản quan trọng của Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887, trong số các yêu cầu khác. Vụ kiện đó đã bị một tòa án Texas bác bỏ vào cuối tuần qua. Và cố vấn Tòa Bạch Ốc Peter Navarro cũng khẳng định rằng ông Pence có thể trì hoãn tiến trình Phiên họp chung, và đề nghị một cuộc kiểm toán kéo dài 10 ngày về kết quả bầu cử.
Phát ngôn viên Marc Short của ông Pence đã gạt bỏ yêu cầu [của ông Navarro].
“Peter Navarro rất là nhiều chuyện. Ông ấy không phải là một học giả về hiến pháp,” ông Short nói với tạp chí Wall Street Journal hôm thứ Ba (05/01).
Jack Phillips
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: