TT Trump đang chỉ đạo một sự chuyển đổi mô hình lớn ở khu vực Trung Đông
Trong một hành động bất ngờ đầy ngoạn mục, Tổng thống Donald J. Trump đã đưa ra không phải một mà là hai thỏa thuận hòa bình lịch sử trong tuần qua giữa Israel và hai quốc gia Ả Rập: Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Bahrain.
Ngay trước khi ký kết các hiệp ước này tại Tòa Bạch Ốc, TT Trump đã tuyên bố rằng 5 quốc gia khác đang đàm phán với chính quyền của ông để thực hiện các thỏa thuận độc lập với đất nước Do Thái.
“Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với 5 quốc gia nữa”, TT Trump đã tuyên bố khi đang ngồi cạnh Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu chỉ vài phút trước khi lễ ký kết bắt đầu.
Không có một thỏa thuận hòa bình lớn nào đạt được giữa Israel và bất kỳ quốc gia Ả Rập nào trong vòng 25 năm qua. Sau khi đạt được Hiệp định Oslo đầu tiên vào năm 1993, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin [lúc bấy giờ] đã ký hiệp ước Hiệp định Oslo lần thứ hai với lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Yassir Arafat vào năm 1995.
Tuy nhiên, các hy vọng về hòa bình đã tan vỡ khi cuối cùng ông Arafat hủy bỏ đàm phán, [và] tin rằng ông có thể buộc Israel nhượng bộ nhiều hơn bằng cách khởi động lại các cuộc biểu tình bạo lực “nổi dậy (intifada)” thay vì đàm phán thêm.
Kịch bản chắc chắn sẽ xảy ra đột nhiên không còn chắc chắn nữa
Trong hơn 20 năm qua, kịch bản phổ biến đối với khu vực Trung Đông, theo các chuyên gia tại ban tham mưu Washington và Lầu Năm Góc, là Iran dưới sự lãnh đạo của các giáo sĩ hồi giáo (mullahs) chắc chắn sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân. Một quốc gia hạt nhân được nước Nga và Trung Quốc hậu thuẫn như vậy sẽ ngay lập tức đạt được sự ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực. Và đó sẽ là một vấn đề phức tạp đối với phần còn lại của thế giới.
Năm 2006, ông James Hackett, một nhà báo làm việc cho tờ Washington Times đã đưa nhận định này vào loạt bài “tiêu điểm Iran” của mình:
“Một số nhà quan sát đặt câu hỏi, tại sao không thể để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân? Câu trả lời là vũ khí hạt nhân nằm trong tay các giáo sĩ hồi giáo (mullah) sẽ là một sự kết hợp nguy hiểm nhất kể từ buổi bình minh của kỷ nguyên hạt nhân – một quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân với các tên lửa đạn đạo được điều hành bởi những người cuồng tín tôn giáo. Điều này sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình thế giới và sự sống còn của 6 triệu người, cả người Do Thái và người Ả Rập, đang sinh sống ở Israel.”
Các nhà lãnh đạo Iran đã nhiều lần công khai ý định sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào mà họ có được lên đất nước Israel. Mặc dù một số người gạt bỏ [ý tưởng này và coi] những tuyên bố diệt chủng như vậy chỉ là một trò lừa bịp có thể bỏ qua, những người khác, đặc biệt là quốc gia Israel, coi những lời đe dọa này là rất nghiêm trọng.
Ngoài việc đặt ra một mối đe dọa có khả năng cao sẽ xảy ra đối với Israel, nếu Iran thành công trong việc đạt mục tiêu của họ là sở hữu vũ khí hạt nhân, thì sự mất cân bằng quyền lực sẽ cho phép các giáo sĩ hồi giáo bắt nạt các nước láng giềng phi hạt nhân với các yêu cầu nhượng bộ không chấp nhận được.
Với những rắc rối mà Iran đã gây ra cho thế giới kể từ khi lật đổ chính quyền vào năm 1979, chỉ cần một chút trí tưởng tượng để hình dung ra những rắc rối mà Tehran có thể lan ra toàn cầu khi có sức mạnh hạt nhân.
Ngay cả khi là một quốc gia chưa có năng lực vũ khí hạt nhân, Iran đã phát triển các mạng lưới tội phạm rộng khắp trên toàn cầu. Cho đến nay, nó đã đạt được một số thành công trong việc sử dụng các mạng lưới khủng bố, buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người để gây ảnh hưởng đến các sự kiện vượt ra ngoài lãnh thổ, cũng như mang lại nguồn thu béo bở cho Tehran.
Giả định thúc đẩy tất cả các kịch bản [dự báo nguy cơ] ở Trung Đông trong 20 năm qua là việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân được coi là điều không thể tránh khỏi, và việc tốt nhất có thể làm được là trì hoãn việc thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân của Tehran trong vài năm. Đó là mục tiêu đã được tuyên bố trong thỏa thuận Iran dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden.
Để chống lại chiếc ô hạt nhân sẽ bao phủ toàn bộ khu vực [Trung Đông] của Iran, Lầu Năm Góc, các nhà thầu quốc phòng, các nhà vận động hành lang và các chuyên gia trong ban tham mưu chính sách đối ngoại, đều đã hình dung ra sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Hoa Kỳ và phương Tây ở vùng Vịnh.
Đúng vậy, trong nhiều thập kỷ, người ta đã giả định rằng chỉ có liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu mới có khả năng trở thành đối thủ tương xứng đối với một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, bởi vì các quốc gia khác trong khu vực sẽ không có biện pháp hiệu quả thực sự nào đối với sự gây hấn của Iran. Như với Chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1990 và sau đó là Chiến tranh Iraq vào năm 2003, người ta đã ấn định rằng Hoa Kỳ phải luôn dẫn đầu hoặc không gì có thể hoàn thành được.
Nhưng giờ đây, bên cạnh việc TT Trump không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, còn có một thế lực đang nổi lên trong khu vực có thể đảm nhận vai trò chống lại Iran.
Lực lượng quân sự đa quốc gia của Liên minh Ả Rập
Thay vì dựa vào các lực lượng quân sự bên ngoài do Hoa Kỳ lãnh đạo để chống lại trục Iran/Nga/Trung Quốc, đột nhiên có một đối thủ mới trong khu vực, có thể trở thành đối trọng cần thiết ở Trung Đông. Đó là một lực lượng quân sự đa quốc gia bao gồm hơn 20 quốc gia Ả Rập và Hồi giáo.
Vào năm 2016, với cuộc tập trận Northern Thunder, các quốc gia đồng minh này đã đào tạo ước tính 350,000 quân lính để phối hợp và hoạt động cùng nhau trong các chiến dịch trên biển, trên không, và trên bộ. Họ đã thực hiện cuộc diễn tập đa phương phức tạp để chuẩn bị cho việc truy tìm và tiêu diệt chính quyền ISIS.
Một quan niệm sai lầm phổ biến khi cho rằng lực lượng quân sự Hoa Kỳ lãnh đạo trong việc tiêu diệt ISIS. Đó không phải là những gì thực sự đã xảy ra.
Tổng tư lệnh Trump đã giảm số lượng lính Hoa Kỳ ở Syria, Iraq và Afghanistan từ trước. Những người ở lại chỉ đóng vai trò hỗ trợ hoặc cố vấn. Các đặc nhiệm của Liên đoàn Ả Rập của lực lượng đa quốc gia được huấn luyện và vũ trang đầy đủ, và liên minh quân sự này đã chiến đấu trên từng ngôi nhà với ISIS ở những nơi như Raqqa và Mosul, chứ không phải quân đội Hoa Kỳ.
Đây là bài kiểm tra cam go đầu tiên đối với lực lượng mới này, và họ đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, hiện đã sẵn sàng đảm nhận vai trò đảm bảo an ninh cho chính quê hương của họ. Điều đó nghĩa là Hoa Kỳ và những nước khác có thể thu quân về.
Điều này có ý nghĩa gì đối với vũng lầy
Sự phát triển không dự đoán trước được của liên minh giữa lực lượng đa quốc gia Ả Rập và Israel trong việc bảo đảm an ninh khu vực Vịnh Ba Tư sẽ có những ảnh hưởng tài chính to lớn đối với rất nhiều người ở Washington và Lầu Năm Góc. Đó là bởi vì nhiều người trong tầng lớp tinh hoa về chính trị và quân sự, đã đầu tư toàn bộ sự nghiệp của họ vào mối đe dọa hạt nhân từ Iran, và việc chuẩn bị lực lượng của quân đội Hoa Kỳ cho kịch bản đó.
Những người này đã đầu tư thời gian qua nhiều năm, và hàng triệu USD, nếu không phải hàng tỷ USD, dựa trên việc gia tăng hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở khu vực Vùng Vịnh. Họ sẽ không hài lòng khi mọi thứ đột ngột thay đổi hướng đi.
Một sự thay đổi mô hình khổng lồ đang được tiến hành và những người đầu tư mạnh vào mô hình cũ — cả về mặt triết học và tài chính — đột nhiên bừng tỉnh và nhận ra rằng mô hình mà họ đã đầu tư vào, đang đi theo hướng mà họ không mong đợi hoặc dự định, và họ chắc chắn không thích việc này.
Hòa bình ở khu vực Trung Đông theo cách này sẽ là một thảm họa đối với một số người. Tôi chắc chắn rằng nếu họ có thể, giới tinh hoa tại Washington trong Quốc hội, những người vận động hành lang trong lĩnh vực quốc phòng, tại Lầu Năm Góc, và ngay cả tại chính Tòa Bạch Ốc, sẽ cố gắng hết sức để phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình, nếu như họ biết về chúng.
Và đó chính là chìa khóa. Không ai trong vũng lầy D.C. có thể ngăn cản những hiệp ước này được thực hiện, bởi vì không ai ngoài TT Trump và một số ít người khác biết về các cuộc đàm phán bí mật cho đến khi gần kết thúc.
Từ những cá nhân trong nhóm thân cận của TT Trump, không có thông tin nào bị rò rỉ, việc mà rất hiếm thấy. Đó là cách duy nhất mà TT Trump, và cánh tay phải đáng tin cậy của mình, con rể Jared Kushner, đạt được tất cả các thỏa thuận đã công bố công khai trong những tuần gần đây, chẳng hạn như thỏa thuận kinh tế Serbia-Kosovo hoặc thỏa thuận dầu mỏ với người Kurd.
Giới tinh hoa trong lĩnh vực chính trị và quân sự, thiết lập các phương án và kết quả riêng của mình, cũng không thể dừng các nỗ lực trên bởi vì đơn giản là họ không biết ông Trump sẽ làm gì cho đến khi quá muộn.
Và đó là một điều tuyệt vời.
Ông Brian Cates là một nhà văn sống ở Nam Texas và là tác giả của cuốn sách “Nobody Asked For My Opinion … But Here It Is Anyway!” (tạm dịch: “Không ai hỏi ý kiến của tôi… Nhưng dù sao đi nữa đây là ý kiến của tôi!”)
Có thể liên hệ với ông Brian trên Twitter @drawandstrike.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.