TT Trump đã áp dụng thành công cách tiếp cận đa phương đối với các thách thức của Trung Quốc
Chủ nghĩa đa phương là một chính sách đối ngoại nhiều mặt hoặc làm việc với nhiều quốc gia khác nhau. Trung tâm phương pháp tiếp cận đa phương của Tổng thống Trump là cách tổng thống giải quyết những thách thức của chính quyền Trung Quốc.
Ông Peter Berkowitz, giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao, gần đây đã bảo vệ chính sách đối ngoại của chính phủ Donald Trump, nói rằng những người cáo buộc Tổng thống là người theo chủ nghĩa đơn phương hoặc chủ nghĩa biệt lập đã hiểu sai về cách thức hoạt động của chủ nghĩa đa phương.
Trong một cuộc thảo luận hôm 30/11 được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, ông Berkowitz cho biết trung tâm phương pháp tiếp cận đa phương của Tổng thống Trump là cách tổng thống giải quyết những thách thức của chính quyền Trung Quốc.
Ông Berkowitz giải thích rằng đối với hầu hết mọi người, “khi nói đến chủ nghĩa đa phương, họ có ý nói đến quyền tối cao của Liên Hợp Quốc. Điều đó có nghĩa là phục tùng bất cứ điều gì được quyết định, bất cứ điều gì mà đa số Đại Hội Đồng [Liên Hợp Quốc] tin tưởng”.
Tổng thống Trump đã bị cáo buộc hành động đơn phương sau khi kéo Hoa Kỳ ra khỏi các hiệp định và các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Hồi tháng 10, Trung Quốc đã bị quốc tế chỉ trích sau khi giành được một ghế trong hội đồng bất chấp hồ sơ nhân quyền tồi tệ của nước này.
Sau đó, ông Berkowitz đã giải thích cặn kẽ những gì ông tin rằng khái niệm này thực sự có nghĩa là: “một chính sách đối ngoại nhiều mặt hoặc làm việc với nhiều quốc gia khác nhau”.
Vì vậy, chính sách Trung Quốc của TT Trump đã “chấp nhận những người bất đồng chính kiến. Ông đã kêu gọi sự chú ý đến những vi phạm nhân quyền quá mức ở Trung Quốc… Hoa Kỳ đã truy tố tội gián điệp và hành vi đánh cắp các bí mật thương mại của Trung Quốc. Chúng tôi đã có những lập trường cứng rắn ở Biển Đông và eo biển Đài Loan”, ông Berkowitz nói.
Khi làm việc với các quốc gia khác, ông Berkowitz nói rằng chính phủ Trump đã “hồi sinh những người bạn và các đối tác của Hoa Kỳ” ở châu Á, bằng chứng là quan hệ chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, và khuôn khổ Bộ tứ giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Cả bốn đối tác đều cam kết “thúc đẩy thương mại và bảo vệ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, ông nói.
Đối thoại An ninh Tứ giác, hay còn được gọi là Bộ Tứ (the Quad), được khởi xướng vào năm 2007 bởi Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là ông Shinzo Abe. Tháng trước, bốn thành viên Quad đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung thường niên, được gọi là Malabar, ở Vịnh Bengal.
Ông Berkowitz cũng đề cập đến một báo cáo gần đây của Bộ Ngoại giao do nhóm của ông tổng hợp, trong đó nêu ra các mối đe dọa của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế.
“Trung Quốc không đơn thuần tìm kiếm sự ưu việt trong trật tự quốc tế đã được thiết lập… Trung Quốc còn tìm cách biến đổi trật tự đó theo cách là đặt Bắc Kinh vào trung tâm và phục vụ những lợi ích độc tài của Trung Quốc”, ông nói.
Để thực hiện tham vọng thống trị toàn cầu của mình, chính quyền Trung Quốc đã tìm cách “tạo ra một kiểu phụ thuộc ở các quốc gia trên khắp thế giới”, theo ông Berkowitz.
Nhiều quốc gia đang phát triển phải gánh khoản nợ Trung Quốc sau khi họ nhận các khoản tiền cho vay theo dự án chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường). Chính quyền Trung Quốc đã triển khai BRI vào năm 2013, với mục đích xây dựng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh dọc theo các tuyến thương mại nối Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Phi, và châu Âu.
Năm 2017, Sri Lanka đã phải trao lại quyền kiểm soát cảng Hambantota quan trọng của họ cho Bắc Kinh thông qua hợp đồng thuê 99 năm, sau khi nước này không thể trả khoản nợ hơn 1 tỷ USD cho dự án cảng BRI.
“Chính quyền Trung Quốc là một kẻ săn mồi,” Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong một chuyến công du tới Sri Lanka hồi tháng trước, chỉ ra các giao dịch kinh doanh kém cỏi của Trung Quốc và “những vi phạm chủ quyền và vô luật pháp trên đất liền và trên biển”.
Theo ông Berkowitz, BRI cũng cho phép chính quyền Trung Quốc “làm hư hỏng giới tinh hoa, các lãnh đạo chính trị và trí thức” ở những quốc gia này. Các vụ bê bối gần đây trong quỹ đầu tư nhà nước 1MDB của Malaysia có liên quan đến các quan chức Trung Quốc.
Ông Berkowitz nói chính quyền Trung Quốc cũng đã tìm cách làm suy yếu “sự tự do và cởi mở” trong các hệ thống dân chủ, chẳng hạn như gây ảnh hưởng đến các khu trường sở của Hoa Kỳ thông qua các Viện Khổng Tử dưới vỏ bọc là các chương trình ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.
“Rốt cuộc thì các Viện Khổng Tử không hoạt động trên tinh thần của một trường đại học, mà theo tinh thần của một nhánh tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc ở quê nhà”, ông Berkowitz nói.
Trong những năm gần đây, các Viện Khổng Tử đã bị Hoa Kỳ giám sát vì đã hủy các sự kiện hoặc bịt miệng việc thảo luận các chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị đối với chính quyền Trung Quốc. Hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao đã chỉ định một trung tâm có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn quảng bá các Viện Khổng Tử ở Hoa Kỳ là một cơ quan đại diện nước ngoài.
Ông Berkowitz cũng đưa ra những gợi ý về những gì Hoa Kỳ nên làm để trật tự quốc tế sẽ không phản ánh “khuynh hướng độc tài của chính quyền Trung Quốc”.
“Chúng ta phải bảo tồn những truyền thống theo hiến pháp của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần một nền kinh tế vững mạnh để tìm ra những người chịu nhiều thiệt hại nhất từ những hậu quả của việc toàn cầu hóa”, ông nói, đồng thời thúc đẩy một xã hội dân sự nơi mà tự do tôn giáo được bảo vệ.
Tòa Bạch Ốc có thể đang lên kế hoạch hành động mới chống lại Bắc Kinh. Theo một báo cáo hôm 23/11 của Wall Street Journal, trong đó trích dẫn một quan chức cao cấp giấu tên, Tòa Bạch Ốc đang có kế hoạch thành lập một liên minh không chính thức các quốc gia phương Tây để cùng nhau trả đũa khi chế độ này gây sức ép về kinh tế đối với các nước.