Các nhóm vận động kiện TT Trump vì sắc lệnh cấm kiểm duyệt trực tuyến
Ngày 27/8, nhiều nhóm vận động đã kiện Tổng thống Donald Trump nhằm thách thức sắc lệnh từ hồi tháng 5, quy định việc bảo vệ người dùng khỏi các hành vi hạn chế nội dung một cách không công bằng hoặc dễ gây nhầm lẫn, vốn được sử dụng bởi các mạng xã hội.
Đơn kiện được đệ trình lên một tòa án liên bang ở California đã cáo buộc chính phủ TT Trump đang tìm cách trừng phạt các công ty mạng xã hội vì đã kiểm chứng các bài đăng của tổng thống. Đơn kiện cho rằng sắc lệnh của tổng thống “không tương thích một cách cơ bản” với Tu chính án thứ nhất vì nó “tước bỏ quyền của người dùng trong việc nhận thông tin đã được sàng lọc bởi các ứng dụng trực tuyến”.
Các nhóm này đã yêu cầu tòa án tuyên bố sắc lệnh trên là “vi hiến và không hợp lệ”, đồng thời phải ngăn chặn việc thi hành sắc lệnh.
Ông Trump đã ký sắc lệnh này vào ngày 28/5 nhằm chỉ đạo các cơ quan liên bang đưa ra các quy định bảo vệ người dùng khỏi các hành vi hạn chế nội dung một cách không công bằng hoặc gây nhầm lẫn được sử dụng bởi các ứng dụng trực tuyến. Sắc lệnh nhằm mục đích hủy bỏ các bảo vệ trách nhiệm pháp lý theo Mục 230 của Đạo luật về khuôn phép trong thông tin năm 1996 (1996 Communications Decency Act).
Mục 230 hầu như miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các ứng dụng trực tuyến đối với nội dung do người dùng đăng tải, mặc dù các công ty này có thể phải chịu trách nhiệm với các nội dung vi phạm luật chống buôn bán tình dục hoặc luật sở hữu trí tuệ.
Tổng chưởng lý William Barr cho biết trong một bài phát biểu vào tháng 5 rằng luật này cho phép các công ty chặn hoặc sàng lọc nội dung “một cách thiện chí” nếu họ coi nội dung đó là “tục tĩu, dâm ô, khiêu dâm, bẩn thỉu, bạo lực quá mức, quấy rối hoặc phản cảm”. Tuy nhiên, các biện pháp bảo vệ này không nhằm áp dụng cho các dịch vụ có hoạt động giống một nhà xuất bản hơn là một ứng dụng trực tuyến.
Sắc lệnh được ký vài ngày sau khi Twitter thêm nhãn “cần kiểm chứng” lên hai trong số các tweet của TT Trump, mà sau đó ông đã phản hồi bằng cách cáo buộc Twitter can thiệp vào bầu cử.
Đơn kiện được đệ trình bởi Common Cause, Free Press, Maplight, Rock the Vote và Vote Latino lập luận rằng các ứng dụng mạng xã hội “có quyền của Tu chính án thứ nhất để đảm bảo rằng những thông tin chính xác … sẽ không bị phá hoại bởi các thông tin sai lệch trên ứng dụng của họ”.
Họ lập luận trong đơn khiếu nại của mình rằng, “Các nguyên đơn có quyền lợi tương ứng trong việc nhận các thông tin đã được sàng lọc này mà không bị chính phủ can thiệp”.
“Sắc lệnh này vi phạm quyền đó bằng cách làm suy yếu khả năng kiểm duyệt và phát biểu của các ứng dụng trực tuyến, dẫn đến việc cản trở nỗ lực của những người như các nguyên đơn, vốn dựa vào và ủng hộ tính trung thực và chính xác của các thông tin trực tuyến, bao gồm cả về việc bầu cử.”
Tổng chưởng lý William Barr, người bị nêu tên là một trong những bị cáo trong vụ kiện, vào tháng 6 đã cảnh báo rằng Mục 230 đã không còn làm được những gì nó cần làm. Ông nói thêm rằng cần phải có một sự cập nhật đối với luật liên bang.
Ông cho biết ngành công nghiệp công nghệ và internet đã thay đổi kể từ khi Mục 230 được áp dụng cách đây 25 năm. Ông nói, vào thời điểm đó, nó được sử dụng để bảo vệ các trang web đóng vai trò như “bảng thông báo” cho các nội dung của bên thứ ba, đồng thời bảo vệ các công ty khỏi trách nhiệm pháp lý nếu họ xóa những nội dung như khiêu dâm trẻ em hoặc quảng cáo buôn người.
Nhưng giờ đây, ông nói, Mục 230 đã được hiểu theo một nghĩa rất rộng và giúp các ứng dụng trực tuyến “không phải chịu trách nhiệm đối với đủ loại tác hại đến từ nội dung trên nền tảng của họ và hầu như họ được hoàn toàn kiểm duyệt nội dung của bên thứ ba với rất ít tính minh bạch hoặc trách nhiệm phải giải trình”.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) đã đề xuất một loạt thay đổi trong luật để Quốc hội xem xét, nhằm giảm bớt bảo vệ pháp lý đối với các ứng dụng trực tuyến, trong một nỗ lực thúc đẩy các công ty công nghệ phải đối phó với các nội dung bất hợp pháp đồng thời kiểm duyệt một cách có trách nhiệm.
Bộ Tư Pháp đã từ chối bình luận về vụ kiện trên.
Bowen Xiao và Petr Svab đã đóng góp vào bài viết này.
Tác giả: Janita Kan