TT Putin: Nga đã thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, các đối thủ nên ‘suy nghĩ lại’
Hôm 20/04, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng đất nước ông đã thử nghiệm hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat vốn đã được phát triển trong nhiều năm. Tuy nhiên điều này xảy ra khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang tháng thứ hai.
Có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và được NATO cùng phương Tây mệnh danh là “Satan II”, Sarmat nằm trong số các vũ khí thế hệ mới của Moscow, bao gồm cả hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal (Dao Găm), được cho là đã được đưa vào sử dụng ở Ukraine.
Khi công bố vụ phóng thử ICBM này, ông Putin nói trong một bài diễn văn trên truyền hình rằng sự kiện này sẽ khiến các đối thủ của Nga phải “suy nghĩ lại”. Thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết vụ phóng thử thành công đã diễn ra tại phi trường vũ trụ Plesetsk ở miền bắc nước Nga và hỏa tiễn đã được bắn về phía Bán đảo Kamchatka, nằm ở vùng Viễn Đông của Nga.
“Loại vũ khí thực sự độc nhất vô nhị này sẽ tăng cường tiềm lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang của chúng ta, bảo đảm an ninh cho Nga khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài một cách đáng tin cậy và khiến những ai, trong các hành vi mất kiểm soát, có những luận điệu hung hăng, cố gắng đe dọa đất nước chúng ta — phải suy nghĩ lại,” ông Putin nói, theo một bản dịch.
Tổng thống Putin cho biết, được trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân, hỏa tiễn Sarmat có khả năng bắn trúng bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất. Bộ Quốc phòng Nga trước đó đã tuyên bố rằng ICBM này được thiết kế để né tránh các hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn và rất khó theo dõi.
Ông Putin nói, “Tổ hợp mới có tính năng chiến thuật và kỹ thuật cao nhất và có khả năng vượt qua mọi phương tiện phòng thủ chống hỏa tiễn hiện đại. Không có vũ khí nào tương tự trên thế giới và sẽ vẫn không có trong thời gian rất lâu nữa.”
Ngũ Giác Đài nói với Reuters hôm 20/04 rằng Nga đã thông báo cẩn thận cho Tòa Bạch Ốc trước khi nước này thực hiện vụ phóng ICBM. Các quan chức quốc phòng cho biết họ coi vụ phóng là thường lệ và không phải là mối đe dọa lớn đối với Hoa Kỳ.
Vài ngày sau khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu, Tổng thống Putin cho biết ông đã đặt các lực lượng hạt nhân của nước mình vào tình trạng báo động cao và viện dẫn các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề của Hoa Kỳ và phương Tây như là một lý do.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres hôm 14/03 cho biết: “Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, nay lại có khả năng xảy ra.”
Trước đó trong tuần (18-24/04), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với một đài truyền hình Ấn Độ rằng Nga không có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột Ukraine.
Một quan chức hàng đầu khác của Điện Kremlin, phát ngôn viên Dmitry Peskov, hồi cuối tháng trước đã nói với đài truyền hình PBS rằng “không ai nghĩ đến việc sử dụng — kể cả nghĩ đến ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: