TT Kazakhstan tuyên bố đất nước bị tấn công bởi ít nhất 20,000 khủng bố
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayevl đã nói rằng ít nhất 20,000 phần tử khủng bố đã tiến hành một chiến dịch có kế hoạch bài bản chống lại đất nước của ông khi các lực lượng chính phủ tiếp tục tham gia vào một chiến dịch chống khủng bố trước những gì được gọi là “kẻ khởi loạn” trong nước và ngoại quốc với sự hỗ trợ của các lực lượng được Nga hậu thuẫn.
Ông Tokayev cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình quốc gia rằng ông đã nói với lực lượng an ninh rằng họ có thể nổ súng mà không cần cảnh báo với những người biểu tình. Ông cũng cho biết ông đã ra lệnh cắt mọi hoạt động trao đổi liên lạc trên toàn quốc, hãng thông tấn Tengrinews của Kazakhstan đưa tin.
Ông Tokayev cho biết, “Chúng tôi đã phải đối phó với những tên cướp có vũ trang và được đào tạo bài bản, cả trong nước và ngoại quốc. Đó là với những kẻ khởi loạn và phần tử khủng bố. Do đó, những người này cần phải bị tiêu diệt. Và điều này sẽ được thực hiện trong thời gian ngắn.”
“Riêng thành phố Almaty đã bị tấn công bởi 20,000 kẻ khởi loạn.”
Theo các nhà chức trách, các lực lượng do Nga hậu thuẫn từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã không tham gia vào bất kỳ hoạt động an ninh nào của Kazakhstan.
Hiện tại, số nhân viên thực thi pháp luật chính thức thiệt mạng trong các vụ đụng độ là 18 người, với 748 cảnh sát và lính Vệ binh Quốc gia bị thương, hãng thông tấn Nga TASS đưa tin. Đồng thời, có thông tin cho rằng 3,000 người biểu tình cũng đã bị bắt giữ.
Các số liệu trên được đưa ra sau khi có các báo cáo chưa được xác nhận về hàng chục người biểu tình cũng đã bị thiệt mạng ở Kazakhstan khi họ đụng độ với lực lượng an ninh, mặc dù trước mắt chưa có xác nhận về số thương vong.
Các bài đăng trên mạng xã hội từ những người ở Kazakhstan cũng tiết lộ rằng thủ đô cũ Almaty đang hứng chịu nhiều tiếng súng và vụ nổ dữ dội khi người biểu tình đụng độ với quân đội CSTO và lực lượng cảnh sát địa phương.
Tuy nhiên, những người Kazakhstan đã đưa lên mạng xã hội trong suốt hôm thứ Sáu (07/01) để hiển thị những hình ảnh và video được gửi đến họ từ bên trong Kazakhstan về các cuộc biểu tình ôn hòa và đàn áp của chính phủ còn tiếp diễn. Điều này xảy ra bất chấp việc chính phủ Kazakhstan cố tình khép kín với các quốc gia, mạng liên lạc qua điện thoại di động và internet.
Sự cố cắt điện này, là điều mà mạng lưới giám sát internet toàn cầu Netblock gọi là một rủi ro an toàn công cộng, đã diễn ra trong hơn 36 giờ, buộc người Kazakhstan phải dựa vào các nền tảng nhắn tin như Telegram để liên lạc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng còn tiếp diễn.
Netblocks lưu ý rằng việc cắt đứt hoạt động liên lạc này có ảnh hưởng lớn đến các dịch vụ di động, trong đó các dịch vụ internet di động hàng đầu của Kazakhstan là Kcell, Beeline và Tele2 bị ảnh hưởng đáng kể. Họ cũng cho biết gần như toàn bộ kết nối internet trong nước này đã bị ngắt từ đêm thứ Tư (05/01).
Đây không phải là lần đầu tiên cư dân của quốc gia vùng Trung Á này phải đối mặt với vấn đề này bằng một vụ cắt điện tương tự từng được báo cáo bởi The Daily Swig, một cơ quan truyền thông an ninh mạng vào năm 2021 và 2019.
“Năm ngoái, việc ngắt internet ở Kazakhstan đã xảy ra trùng với các cuộc biểu tình chống chính phủ ở một số thành phố kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị sau một nghị quyết được Nghị viện Âu Châu thông qua về nhân quyền ở nước này,” cô Natalia Krapiva, cố vấn pháp lý công nghệ tại nhóm vận động tranh cử Access Now, nói với Daily Swig. “Các nhà chức trách đã đáp trả bằng bạo lực và bắt giữ khoảng 50 người biểu tình.”
Cô nói rằng, “Vào năm 2019, Kazakhstan đã kiểm soát và phong tỏa mạng xã hội khi các nhóm đối lập kêu gọi biểu tình trùng với lễ kỷ niệm chiến thắng trong Đệ nhị Thế chiến vào tháng đó, và vào năm 2018, Kazakhstan cũng đã kiểm soát mạng xã hội khi các nhà lãnh đạo phe đối lập phát trực tiếp các sự kiện.”
Hiện tại, chính phủ Kazakhstan đã đưa ra một cảnh báo khủng bố nghiêm trọng cấp độ đỏ trên toàn quốc.
Trong tình trạng báo động này, lực lượng an ninh có quyền thực hiện khám xét cá nhân và khám xét các phương tiện, hạn chế hoặc cấm các phương tiện và người di chuyển, tự do ra vào khu dân cư và các cơ sở khác, đồng thời kiểm soát thông tin truyền qua các kênh của hệ thống viễn thông.
Các cuộc biểu tình này, vốn đã bắt đầu vào hôm 02/01 ở phía tây đất nước tại thành phố Zhanaozen và vùng Mangistau, để phản ứng với việc tăng giá nhiên liệu lên 120 tenge (27 cents), từ 60 tenge của năm ngoái (14 cents). Tuy nhiên, cuộc biểu tình này nhanh chóng chuyển [từ bất bình giá xăng] thành bất bình trước việc cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev tiếp tục hiện diện trong lĩnh vực chính trị với nhiều người hô vang câu “Old Man Go” để ám chỉ ông Nazarbayev.
Tại các khu vực khác của đất nước này, những người biểu tình đã đăng lên Twitter hình ảnh các bức tượng ông Nazarbayev bị kéo đổ cũng như các cuộc đụng độ với lực lượng cảnh sát và quân đội.
Ông Nazarbayev đã từ chức tổng thống vào tháng 03/2019 sau 30 năm làm lãnh đạo nhưng vẫn tiếp tục duy trì quyền kiểm soát đối với đảng cai trị Nur Otan cho đến hôm 02/12/2021. Các con của ông đều là những nhân vật tầm cỡ trong cả đảng Nur Otan lẫn trong chính phủ này.
Cô Victoria Kelly-Clark là một phóng viên người Úc tập trung vào các vấn đề thuộc chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: