TT Biden ‘thất vọng’ khi ông Tập bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G20
Hôm Chủ Nhật (03/09), Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết ông “thất vọng” khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bỏ qua hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, trong bối cảnh có những tin tức chưa được xác nhận nói rằng Bắc Kinh sẽ có khả năng cử thủ tướng tới hội nghị thượng đỉnh thay mặt cho ông Tập.
Tuần trước (28/08-03/09), Reuters đưa tin, trong đó dẫn lời các quan chức Ấn Độ nói với điều kiện ẩn danh rằng, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có thể sẽ thay thế ông Tập tại hội nghị thượng đỉnh.
Khi được hỏi về khả năng ông Tập vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh, TT Biden đáp: “Tôi rất thất vọng, nhưng tôi sẽ đến gặp ông ấy.”
Đến chiều thứ Hai (04/09), Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức xác nhận ông Lý sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày thay mặt cho ông Tập.
TT Biden dự kiến sẽ tới Ấn Độ từ ngày 07 đến ngày 10/09 để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nơi các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ tụ hội để thảo luận về những nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Tại một hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản, và Nam Hàn tại Trại David vào hôm 18/08, TT Biden nói rằng ông dự đoán sẽ gặp ông Tập vào mùa thu này.
Ông nói với các phóng viên: “Tôi mong đợi và hy vọng sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng tôi ở Bali vào mùa thu này. Đó là kỳ vọng của tôi”.
Theo báo chí Ấn Độ, chính phủ Ấn Độ chưa nhận được thông tin gì từ phía Bắc Kinh về việc ông Tập vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng từ chối bình luận về vấn đề này.
Thủ tướng Ấn Độ chỉ trích ‘bẫy nợ’ của Trung Quốc
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như đã gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Business Today khi ông nói về các thế lực đang tìm cách lợi dụng cuộc khủng hoảng nợ của các nước khác.
Ông cho biết, “Mỗi quốc gia có nghĩa vụ phải tự bảo vệ mình khỏi hành động vô kỷ luật tài chính, nhưng đồng thời, có những thế lực tìm cách lợi dụng quá mức bằng cách gây ra các cuộc khủng hoảng nợ. Những thế lực này đã lợi dụng sự bất lực của những quốc gia khác và khiến họ rơi vào tình trạng bẫy nợ.”
Ông Modi cho biết thêm rằng kể từ năm 2021, các nước G20 đã bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó nhiều nước đang gặp khó khăn vì nợ không bền vững.
Bắc Kinh đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về hoạt động cho các quốc gia nhỏ hơn vay, đặc biệt là thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), vốn được coi là công cụ để Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền giành quyền kiểm soát tài sản chiến lược ở các nước mới nổi.
Theo ước tính của các tổ chức có thẩm quyền như Ngân hàng Thế giới, từ năm 2008 đến năm 2021, chính quyền Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay với tổng trị giá khoảng 240 tỷ USD cho 22 nước đang phát triển.
Nhưng trong những năm gần đây, một số quốc gia đã gặp khó khăn trong việc hoàn trả các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ngoài ra, khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp và 30% các nền kinh tế thị trường mới nổi đang gặp phải hoặc có nguy cơ gặp khó khăn trong việc trả nợ.
Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng kể từ cuộc đối đầu giữa quân đội của họ ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya năm 2020, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Bản tin có sự đóng góp của Justin Zhang và Olivia Li
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times