TT Biden sẽ chỉ định Kenya là đồng minh lớn ngoài NATO, trao hàng tỷ dollar cho Ngân hàng Thế giới trong ‘tầm nhìn’ về cải cách nợ
Kenya sẽ là quốc gia thứ 19 nhận danh hiệu đồng minh lớn ngoài NATO khi nước này chuẩn bị cử 1,000 cảnh sát tới Haiti.
HOA THỊNH ĐỐN— Hôm 23/05, sau khi bước ra khỏi cuộc họp với Tổng thống Kenya William Ruto, Tổng thống Joe (TT) Biden công bố một số sáng kiến chung. Những sáng kiến này gồm có việc nâng Kenya trở thành một đồng minh lớn ngoài NATO và “tầm nhìn” về cải cách nợ sẽ cung cấp khả năng cho vay hàng trăm tỷ dollar cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong số một vài sáng kiến được chính phủ của ông công bố trong một tuyên bố chung bằng văn bản, Tổng thống Biden đã xác nhận cụ thể tại cuộc họp báo sau cuộc họp rằng chính phủ của ông đang làm việc với Quốc hội để chỉ định Kenya là đồng minh lớn ngoài NATO và biến nước này trở thành quốc gia Phi Châu đầu tiên nhận được tài trợ thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học.
Tổng thống gọi việc thúc đẩy liên minh với Kenya là một sự hoàn thành các hoạt động chống khủng bố chung của hai quốc gia đối với ISIS và al-Shabab, cùng nhau trợ giúp Ukraine, và công việc sắp tới ở Haiti.
Ông Ruto còn chuẩn bị cử 1,000 cảnh sát tới dập tắt bạo lực băng đảng ở Haiti. Các lực lượng đó sẽ nhận được sự trợ giúp từ các lực lượng của Bahamas, Barbados, Benin, Chad, và Bangladesh, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp thiết bị và thông tin để tránh, như Tổng thống Biden đã nói, điều “có vẻ giống như Mỹ quốc, một lần nữa, đang bước ra và quyết định ‘đây là việc phải làm.’”
Tổng thống Biden cũng đã công bố điều mà chính phủ của ông gọi là “Tầm nhìn Nairobi-Hoa Thịnh Đốn.”
Ông cho biết đây là một sáng kiến sẽ “thu hút nhiều nguồn lực hơn cho các quốc gia đang phải gánh nặng nợ nần” và “thúc đẩy các hoạt động cho vay minh bạch, bền vững, và phải chăng” cho các nước đang phát triển.
Sáng kiến này kêu gọi các quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới và IMF cung cấp các nguồn lực sẵn có đó. Chính phủ TT Biden có vẻ sẽ đi đầu nêu gương, công bố hàng tỷ dollar trong các quỹ sẵn có cho các nước đang phát triển.
Tổng thống Biden cho biết Hoa Kỳ đang cung cấp 250 triệu USD cho chương trình Cơ hội Ứng phó Khủng hoảng (Crisis Response Window) của Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới, và, trong những tuần tới, khoản cho vay bổ sung lên tới 21 tỷ USD sẽ được cung cấp cho IMF để trợ giúp nhu cầu tài chính ở những quốc gia nghèo nhất.
Ông cũng công bố 250 tỷ USD “cho khả năng cho vay mới dành cho các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới để giúp các quốc gia có thu nhập thấp đầu tư vào sự phát triển của họ.”
“Có nợ và có tăng trưởng, và … quý vị phải giải quyết khoản nợ trước khi giải quyết vấn đề tăng trưởng,” Tổng thống Biden nói. “Và vì vậy, chúng tôi đang cố gắng sử dụng các tổ chức cho quốc gia vay để cung cấp khả năng đó để mọi người có thể phát triển.”
Ông Ruto cho biết điều “bắt buộc” là Hoa Kỳ phải đóng vai trò dẫn đầu trong khuôn khổ giải quyết nợ toàn diện bằng cách tăng gấp đôi khoản đóng góp của mình cho Ngân hàng Thế giới và IMF.
Theo Associated Press, thông báo này được đưa ra sau khi tỷ lệ nợ trên GDP của Kenya lên tới 70%, trong đó phần lớn là nợ Trung Quốc. Gần đây, Kenya đã tìm cách xây dựng một tuyến đường sắt mới nối thành phố cảng Mombasa với Thung lũng Rift qua thủ đô Nairobi. Đây là một dự án quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, và dự án trị giá 4.7 tỷ USD này được thanh toán chủ yếu bằng các khoản vay.
Trước chuyến thăm chính thức này, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cách họ có thể có “một hệ thống tài chính quốc tế công bằng hơn, nơi mà tất cả các quốc gia đều được đối xử bình đẳng.”
Tổng thống Biden nói rằng kế hoạch này được nhiều nước khác ủng hộ nhưng không đưa ra ví dụ cụ thể.
Chính phủ TT Biden cũng tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác trong các vấn đề thương mại và giáo dục. Cùng với các mục tiêu đầu tư vào “Silicon Savannah” của Kenya thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học, chính phủ này công bố “chương trình Hợp tác Kennedy–Mboya.” Đây là một chương trình trao đổi giáo dục mới tập trung vào STEM được đặt tên theo tình bạn giữa cựu Tổng thống John F. Kennedy và nhà hoạt động chính trị người Kenya Tom Mboya, vốn đã đưa hàng trăm người Kenya đến Hoa Kỳ để học đại học.
Cuộc họp cũng đánh dấu sự ra mắt của “Chương trình Ngưỡng Thay đổi và Tăng trưởng Đô thị Kenya,” vốn cung cấp 60 triệu USD để trợ giúp kinh tế thông qua cơ quan viện trợ ngoại quốc của chính phủ Hoa Kỳ “Hiệp hội Thách thức Thiên niên kỷ” (Millennium Challenge Corporation).
Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tăng danh mục đầu tư ở Kenya lên hơn 1 tỷ USD. Một vài thỏa thuận với khu vực tư nhân cũng đã được xác nhận, trong đó có cam kết của công ty Coca-Cola đầu tư 175 triệu USD vào quốc gia Đông Phi này.
Chính phủ cũng nhấn mạnh lại nghị trình năng lượng xanh của mình, ca ngợi Sáng kiến Công nghiệp hóa Xanh Phi Châu (AGII) của ông Ruto, và khởi động chương trình Hợp tác Khí hậu và Công nghiệp Năng lượng Sạch Hoa Kỳ-Kenya, nhằm “nâng cao hành động về khí hậu và công nghiệp hóa xanh thành một trụ cột quan trọng của mối quan hệ song phương.”
“Hoa Kỳ và Kenya có ý định tận dụng mô hình thành công của phương pháp “chính phủ trợ giúp, khu vực tư nhân lãnh đạo” của Tổng thống Biden để tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua Quan hệ đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGI) và điều động các nguồn tài chính, kỹ thuật, và trợ giúp pháp lý giữa các khu vực công vụ và tư nhân để hiện thực hóa tầm nhìn của AGII,” chính phủ cho biết trong tuyên bố của mình.
Cuộc họp cũng đi đến phần thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng Hạt nhân Hoa Kỳ-Châu Phi giữa Bộ Năng lượng với Kenya và Ghana. Dự kiến diễn ra vào tháng 08/2024 tại Nairobi, hội nghị này sẽ tập trung vào sự sẵn sàng của ngành, giải quyết các vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của năng lượng hạt nhân trên lục địa châu Phi, và nhấn mạnh các cách thức có thể sử dụng năng lượng hạt nhân để đạt được Phát thải Ròng (Net Zero) vào năm 2050.
Chuyến thăm của ông Ruto là chuyến thăm cấp nhà nước chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Phi Châu kể từ năm 2008, khi Tổng thống đương thời George W. Bush tiếp đón Tổng thống Ghana John Kufour.
Tổng thống Biden đã hứa sẽ đến thăm châu Phi cận Sahara trong năm ngoái nhưng chưa bao giờ thực hiện. Chuyến thăm Kenya vào tháng 02/2025 đã trở thành lời hứa tái tranh cử mới nhất của ông.
Bản tin có sự đóng góp của Samantha Flom và the Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times