TT Biden nói với ông Tập: Cả hai quốc gia không được ‘chuyển hướng sang xung đột’
Hôm thứ Năm (09/09), Tổng thống Joe Biden đã tiến hành cuộc điện đàm thứ hai với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ — cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này đã diễn ra bảy tháng trước (tức tháng 02/2021).
Trong một tuyên bố ngắn, Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 90 phút hai nhà lãnh đạo đã có “một cuộc thảo luận chiến lược, bao quát,” gồm “các lĩnh vực mà các lợi ích của chúng ta giống nhau, và các lĩnh vực mà các lợi ích, giá trị và quan điểm của chúng ta không đồng nhất.”
“Cuộc thảo luận này, như Tổng thống Biden đã nói rõ, là một phần trong nỗ lực không ngừng của Hoa Kỳ nhằm quản lý có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa],” tuyên bố này cho biết thêm. “Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về trách nhiệm của cả hai quốc gia để bảo đảm việc cạnh tranh không chuyển hướng sang xung đột.”
Theo nhiều báo cáo trích dẫn các quan chức cao cấp của chính phủ TT Biden, thì cuộc điện đàm này được TT Biden khởi xướng với mục đích thiết lập “các rào cản và giới hạn” trong mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố dài về cuộc điện đàm này, trái ngược với tuyên bố ngắn của Tòa Bạch Ốc. Theo Tân Hoa Xã, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói với ông Biden rằng chính các chính sách gần đây của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã “gây ra những trở ngại nghiêm trọng” cho mối liên kết song phương.
Tuyên bố của Trung Quốc cũng cho biết ông Biden nói với ông Tập rằng Hoa Kỳ “không có ý định thay đổi chính sách một Trung Quốc.”
Thời báo Hoàn Cầu, phương tiện truyền thông nhà nước hiếu chiến của Trung Quốc, đã bóp méo thêm tuyên bố của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tuyên truyền của Trung Cộng. Trong một dòng tweet, kênh thông tấn này đã viết ông Biden cho biết Hoa Kỳ “không có ý định thay đổi nguyên tắc một Trung Quốc.”
Hoa Kỳ từ lâu đã giữ “chính sách một Trung Quốc,” vốn khẳng định rằng chỉ có một quốc gia có chủ quyền với tên gọi “Trung Quốc,” nhưng điều đó khác với “nguyên tắc một Trung Quốc” mà theo đó Trung Cộng khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. Chính phủ Đài Loan cũng đã bác bỏ “nguyên tắc một Trung Quốc” của Trung Quốc.
The Epoch Times đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc để yêu cầu đưa ra bình luận.
Cuộc điện đàm này diễn ra tại thời điểm khi mà không thiếu những vấn đề gây bất hòa giữa hai quốc gia, bao gồm những cuộc xâm phạm an ninh mạng bắt nguồn từ Trung Quốc, việc Bắc Kinh giải quyết đại dịch virus Trung Cộng, và những gì Tòa Bạch Ốc cho là các hoạt động thương mại “cưỡng bức và không công bằng” của Bắc Kinh.
Tòa Bạch Ốc hy vọng hai bên có thể làm việc cùng nhau trong các vấn đề cùng quan tâm – bao gồm biến đổi khí hậu và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên – bất chấp những khác biệt ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đẩy lùi sức ép của Hoa Kỳ và ngày càng cho rằng họ có thể tiếp tục bất hợp tác trên diện rộng cho đến khi TT Biden giảm bớt lời chỉ trích về những gì họ cho là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Bản thông tin của Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc gọi hai nhà lãnh đạo này đã đồng ý cam kết “một cách công khai và thẳng thắn” đối với các vấn đề mà hai quốc gia đang xung đột và các vấn đề mà có sự thỏa thuận.
“Tổng thống Biden nhấn mạnh mối quan tâm lâu dài của Hoa Kỳ đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở [khu vực] Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết.
Những nhận xét của ông Biden về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rõ ràng là không thấy có trong tuyên bố của Trung Quốc. Thay vào đó, ông Biden được cho là đã nói với ông Tập rằng Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng có “các cuộc trao đổi thẳng thắn hơn và các đối thoại mang tính xây dựng” với Trung Quốc, và Hoa Kỳ sẽ đưa mối bang giao Trung-Mỹ “trở lại đúng hướng,” theo tuyên bố của Trung Quốc.
Ngoài ra, TT Biden cũng cho biết Hoa Kỳ “mong muốn tăng cường liên lạc và hợp tác với Trung Quốc” về biến đổi khí hậu,” theo tuyên bố của Trung Quốc.
Ông Biden ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của mình đã tìm cách tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc, tập hợp các đồng minh để nói lên tiếng nói thống nhất hơn về hồ sơ nhân quyền của Bắc Kinh, các hoạt động thương mại của họ, và hành vi ngày càng quyết đoán của quân đội Bắc Kinh đã làm mất nhuệ khí các đồng minh của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Ông coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh kinh tế quan trọng nhất đối với Hoa Kỳ và là mối lo ngại ngày càng tăng về an ninh quốc gia.
Cô Isabel van Brugen là một ký giả từng đạt giải thưởng, hiện đang là một phóng viên tin tức tại The Epoch Times. Cô tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Báo chí tại trường City, Đại học London.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang và The Associated Press
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: