TT Biden nhắc lại sự ủng hộ về quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Hamas
Hôm thứ Bảy (15/05), Tổng thống (TT) Joe Biden đã nói chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi xung đột giữa Israel và nhóm khủng bố Hồi giáo Hamas tiếp tục bước sang ngày thứ bảy. Làm dấy lên lo ngại cho các ký giả khi tòa nhà là trụ sở của các hãng thông tấn và được cho là căn cứ Hamas bị đánh bom ở Gaza.
Trong cuộc điện đàm, TT Biden đã nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công hỏa tiễn từ phía Hamas, [nhóm Hồi giáo] mà Tehran đã lên tiếng ủng hộ, và các nhóm khủng bố khác. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết Hamas, IS và các nhóm chiến binh khác đã bắn khoảng 2,300 hỏa tiễn từ Gaza vào Israel kể từ hôm thứ Hai (10/05). IDF cho hay khoảng 1,000 hỏa tiễn đã bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của họ nhưng 380 quả đã bị bắn nhầm và đi vào Dải Gaza, làm tăng thêm thương vong cho thường dân ở Gaza.
Israel đã tiến hành hơn 1,000 cuộc không kích và pháo binh chính xác nhằm vào Hamas và các mục tiêu dân quân khác, vốn thường được xây dựng gần các địa danh dân sự ở dải duyên hải đông dân cư này.
Các cuộc tấn công qua lại đã khiến ít nhất 149 người thiệt mạng ở Gaza, trong đó có 41 trẻ em, và 10 người [tử vong] ở Israel, trong đó có 2 trẻ em.
Theo bản tóm tắt nội dung cuộc điện đàm, TT Biden đã lên án “các cuộc tấn công bừa bãi” của các nhóm khủng bố vào Israel và bày tỏ lo ngại về “tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng” được báo cáo trong các cộng đồng Do Thái-Ả Rập của Israel.
Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết: “Tổng thống đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về các cuộc đối đầu bạo lực ở Bờ Tây. Ông bày tỏ sự ủng hộ đối với các bước để cho phép người dân Palestine được hưởng phẩm giá, an ninh, tự do và cơ hội kinh tế mà họ xứng đáng [được hưởng] và khẳng định sự ủng hộ của ông đối với giải pháp hai nhà nước.”
Ông cũng nêu những lo ngại về an ninh và an toàn của các ký giả khi đưa tin về tình hình trong khu vực. Bình luận [của tổng thống] diễn ra sau vụ phá hủy có mục tiêu tại một tòa nhà 12 tầng ở Thành phố Gaza hôm thứ Bảy (15/05) mà Israel cho là có “chứa các tài sản quân sự thuộc các văn phòng tình báo của tổ chức khủng bố Hamas.”
Tòa nhà trên cũng là trụ sở của các đơn vị dân sự, bao gồm cả hãng thông tấn AP của Hoa Kỳ, đài truyền hình Al Jazeera của Qatar, cũng như các văn phòng và căn hộ khác. Tất cả đều đã sơ tán sau khi chủ tòa nhà nhận được cảnh báo trước về cuộc tấn công từ Israel. IDF cho hay họ đã thông báo cho thường dân qua điện thoại, tin nhắn SMS và bằng cách thả bom “gõ mái nhà” [một loại bom không gây nổ] để cảnh báo họ về chiến dịch [quân sự] này.
Trong một loạt các tuyên bố, Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết chiến dịch này được tiến hành đối với một tòa nhà dân sự đã được Hamas biến thành một thành trì quân sự. Họ cho biết tòa nhà được sử dụng cho các mục đích quân sự như thu thập thông tin tình báo, lập kế hoạch tấn công, chỉ huy và kiểm soát, và thông tin liên lạc.
“Tòa nhà là nơi đặt văn phòng của các phương tiện truyền thông dân sự, mà Hamas ẩn tàng phía sau và cố tình sử dụng làm lá chắn con người,” IDF cho biết trong tuyên bố của mình.
Hãng thông tấn AP đã lên án vụ tấn công, yêu cầu Israel cung cấp thông tin tình báo của họ để làm bằng chứng cho thấy Hamas đang hoạt động bên trong tòa nhà.
Bà Lauren Easton, Giám đốc Quan hệ Truyền thông của AP, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Văn phòng của AP đã tọa lạc trong tòa nhà này được 15 năm. Chúng tôi không thấy có dấu hiệu nào cho thấy Hamas đang ở trong tòa nhà hoặc đang hoạt động trong tòa nhà. Đây là điều mà chúng tôi tích cực kiểm tra trong khả năng của mình. Chúng tôi sẽ không bao giờ cố ý khiến các ký giả của mình gặp rủi ro.”
Từ đó, các bình luận viên đã chỉ ra một bài báo năm 2014 của cựu phóng viên AP, ông Matti Friedman, người đã viết rằng các chiến binh Hamas trước đó từng “xông vào văn phòng của AP ở Gaza,” điều mà hãng thông tấn này sẽ không đưa tin do bị đe dọa. Nhân viên AP cũng đã chứng kiến Hamas “phóng hỏa tiễn từ ngay bên cạnh văn phòng [ở Gaza] của họ.”
Hamas cho biết cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của họ hôm thứ Hai (10/05) là để ứng phó với nhiều tuần căng thẳng về một vụ kiện nhằm trục xuất một số gia đình Palestine ở Đông Jerusalem, cũng như để trả đũa việc cảnh sát Israel đối phó với những kẻ bạo loạn người Palestine, những người mà văn phòng của ông Netanyahu cho biết đã lên kế hoạch cho tình trạng bất ổn gần khu vực Đền thờ Al-Aqsa của thành phố, địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi, vào ngày 10/05 trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Bảy (15/05), ông Netanyahu đã tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ các cuộc tấn công của Hamas vào Israel mà ông cho là “vô cớ.”
“Một số người Israel đã thiệt mạng. Nhiều người khác đã bị thương. Quý vị biết và tôi biết, không quốc gia nào có thể chịu đựng được điều này. Israel sẽ không dung thứ cho điều này,” ông nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả mạnh mẽ cho đến khi an ninh của người dân chúng tôi được khôi phục, thiết lập lại.”
[Giữa] Israel và Hamas đã xảy ra nhiều cuộc xung đột kể từ khi nhóm khủng bố này giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007. Các cuộc không kích của Israel nhằm đáp trả các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn từ các nhóm khủng bố ở Gaza không phải là điều hiếm gặp.
Theo Tòa Bạch Ốc, ông Biden cũng đã nói chuyện với Chủ tịch Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas “để truyền đạt cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Palestine.”
Tổng thống “đã thảo luận về những căng thẳng hiện tại ở Jerusalem và Bờ Tây và bày tỏ mong muốn chung của họ để Jerusalem trở thành một nơi chung sống hòa bình cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc,” theo một bản tóm tắt của cuộc gọi. Ông cũng nhấn mạnh rằng Hamas cần phải ngưng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Israel.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến nhóm họp vào Chủ nhật (16/05) để thảo luận về đợt bùng phát bạo lực giữa Israel và Palestine tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Do Janita Kan thực hiện
Với sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly và Reuters
Minh Ngọc biên dịch
Xem thêm: