TT Biden đồng ý gặp TT Putin nếu Nga không xâm lược Ukraine
Ukraine cho rằng ‘các đội quân Nga có vũ trang’ đã vi phạm lệnh ngừng bắn
Hôm 20/02, Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng thống (TT) Hoa Kỳ Joe Biden đã đồng ý gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin nếu Nga không xâm lược Ukraine.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 24/02 tới và TT Biden “nhìn chung đã đồng ý” về một cuộc gặp với TT Putin sau cuộc họp đó “nếu như không xảy ra xâm lược”.
Bà cho biết, “Chúng tôi luôn sẵn sàng ngoại giao. Chúng tôi cũng sẵn sàng áp đặt những hậu quả nhanh chóng và nghiêm khắc nếu Nga lựa chọn chiến tranh. Và hiện tại, Nga dường như đang tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc tấn công toàn diện rất sớm vào Ukraine.”
Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần cho biết Nga có kế hoạch xâm lược Ukraine nhưng cho đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra.
Ông Anatoly Antonov, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, cho biết trên chương trình “Face the Nation” của CBS: “Không có cuộc xâm lược nào và không có kế hoạch nào như vậy cả.”
Ông nói thêm, quân đội Nga gần biên giới với Ukraine “đang ở trên lãnh thổ có chủ quyền của Nga. Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai.”
Ví dụ về các hạng mục đang được đàm phán bao gồm thay đổi “phạm vi và quy mô của một số cuộc tập trận của chúng tôi ở Âu Châu”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ John Kirby cho biết trên chương trình “Fox News Sunday”. Ông nói thêm, vấn đề Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO không phải là hạng mục đàm phán vì “đó là vấn đề của Ukraine và NATO.”
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thực hiện nhiều cuộc gọi tới các nhà lãnh đạo phương Tây, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Anh Boris Johnson, để cố gắng đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraine.
‘Vi phạm lệnh ngừng bắn’
Trong một tuyên bố sau thỏa thuận với TT Macron về việc theo đuổi các nỗ lực ngoại giao hơn nữa, Điện Kremlin cho biết, “Trước tình hình cấp bách này, các tổng thống thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường tìm kiếm các giải pháp bằng các biện pháp ngoại giao thông qua các bộ ngoại giao và các nhà tham mưu chính trị cho các lãnh đạo trong khuôn khổ Thể thức Normandy. Họ nói thêm rằng các nỗ lực đó “sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục chế độ ngừng bắn và bảo đảm tiến độ trong việc giải quyết xung đột ở Donbas.”
Tuy nhiên, các báo cáo về bạo lực — mà Ukraine đổ lỗi cho các tác nhân thân Nga — đã tăng mạnh tại các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine trong tuần này, nơi những người ly khai thân Nga trong nhiều năm đã thách thức chính phủ Ukraine để giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
Theo Bộ Ngoại giao Ukraine, đã có 66 vụ vi phạm lệnh ngừng bắn [được thực hiện] bởi “các đội quân Nga có vũ trang”, nhiều vụ liên quan đến vũ khí bị cấm theo thỏa thuận Minsk, tất cả dọc theo biên giới dài 155 dặm (khoảng 250km) của Donbas hôm thứ Bảy (19/02). Quân đội Ukraine cũng nói rằng “vụ nổ súng mang tính khiêu khích” đã khiến 2 binh sĩ Ukraine thiệt mạng và 4 người bị thương.
Truyền thông Nga đổ lỗi cho các lực lượng Ukraine trong vụ pháo kích này. TT Zelensky gọi những lời buộc tội này là hành động khiêu khích và “những lời xảo ngôn thuần túy”.
Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi phản ứng cấp bách đối với các vi phạm ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế, nói rằng, “Việc không có phản ứng thích hợp hoặc lập trường trung lập sẽ chỉ làm leo thang tình hình hơn nữa.”
Tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo về việc Nga sử dụng các sự kiện “cờ giả” để biện minh cho hành động quân sự xâm lược lãnh thổ Ukraine.
Trước đó một ngày, ông Denis Pushilin, lãnh đạo chính phủ ly khai tự xưng ở Donetsk, đã ra lệnh di tản dân thường tại các vùng lãnh thổ do phiến quân kiểm soát ở miền đông Ukraine sang Nga và một cuộc tổng động viên quân sự. Ông biện minh cho việc di tản người dân bằng cách thúc đẩy tuyên bố rằng công dân Nga ở các khu vực do phiến quân kiểm soát đang bị đe dọa, mô tả chính phủ Ukraine là kẻ xâm lược sau khi cáo buộc trong một video rằng Ukraine sẽ ra lệnh một cuộc tấn công tức thời trong khu vực này.
Ukraine ngay lập tức bác bỏ các tuyên bố trên, nói rằng họ không ra lệnh sử dụng vũ lực ở các vùng lãnh thổ này. Ông Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết: “Đây là một nỗ lực nhằm khiêu khích các lực lượng vũ trang của chúng tôi.”
Đến sáng thứ Bảy, phe ly khai nói rằng hàng ngàn cư dân ở Luhansk và Donetsk đã được di tản sang Nga. Theo các bản tin, TT Putin đã cung cấp cho mỗi người di tản 10,000 rúp (khoảng 130 USD), tương đương với nửa tháng lương trung bình ở miền đông Ukraine.
Ông Antonov cũng đã tuyên bố hôm thứ Sáu rằng các hành động tàn bạo đang được thực hiện nhắm vào những người nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine và “nấm mồ tập thể” với 300 người đã được phát hiện ở Donbas. Ông tuyên bố, các cường quốc phương Tây đang phớt lờ một [tội ác] được cho là diệt chủng.
Truyền thông nhà nước Nga cũng đưa tin một số vụ nổ lớn ở Lugansk và Donetsk hôm thứ Sáu (18/02), một vụ liên quan đến đường ống Lugansk. Hãng thông tấn Sputnik News do nhà nước hậu thuẫn đã đổ lỗi vụ việc này cho quân đội Ukraine.
Tổng thống Estonia Alar Karis đã viết trên Twitter về tình hình này: “Chúng tôi đang chứng kiến một sự leo thang đã được lên kế hoạch và tính toán trước của Nga. Bất kể kết quả ra sao, thông điệp không thể rõ ràng hơn: thật đáng tiếc là không thể tin tưởng được điều gì mà nhà nước Nga đưa ra.”
Tập trận hạt nhân
Nga cũng tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân vào thứ Bảy (19/02), bao gồm các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa và hỏa tiễn hành trình, mà ông Putin đã mời Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đến giám sát.
Cuộc tập trận hạt nhân này diễn ra sau cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus liên quan đến việc bố trí 30,000 quân Nga gần biên giới phía bắc Ukraine.
Một đồng minh của Nga, Belarus cho biết cùng với Nga hôm Chủ nhật (20/02) rằng hai quốc gia sẽ kéo dài các cuộc tập trận chung, làm dấy lên thêm lo ngại về việc quân đội Nga đang tiếp tục tăng cường dọc biên giới Ukraine.
Cùng hôm đó, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Blinken cho hay: “Giờ đây họ đang biện minh cho việc tiếp tục các cuộc tập trận — ‘các cuộc tập trận’ trong ngoặc kép — mà họ nói rằng sẽ kết thúc ngay bây giờ, sự tiếp tục vô thời hạn của ‘các cuộc tập trận’ đó, giữa tình hình này ở miền Đông Ukraine, một tình hình mà họ đã tạo ra bằng cách tiếp tục gia tăng căng thẳng.”
Cô Melanie là một phóng viên và biên tập viên người Úc chuyên về tin tức thế giới. Cô có kiến thức chuyên môn về nghiên cứu môi trường.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: