TT Biden: Điều quân đến Ukraine ‘không phải là một lựa chọn’
Hôm thứ Tư (08/12), Tổng thống (TT) Joe Biden đã xác nhận rằng việc gửi quân đến Ukraine trong trường hợp Nga xâm lược “không phải là một lựa chọn”.
Tổng thống đã trả lời các câu hỏi hôm 08/12 trước khi khởi hành đến Thành phố Kansas, Missouri.
Khi được hỏi về việc bố trí quân đội tại thực địa ở Ukraine, TT Biden nói, “Điều đó không phải là một lựa chọn.”
“Theo Điều 5 của Hiệp ước, chúng tôi có nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý đối với các đồng minh NATO của mình nếu họ bị tấn công. Đó là một nghĩa vụ thiêng liêng. Nghĩa vụ đó không mở rộng đối với Ukraine.”
“Nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào những gì các nước NATO còn lại sẵn sàng thực hiện. Nhưng ý tưởng Hoa Kỳ sẽ đơn phương sử dụng vũ lực để đối đầu với Nga nếu nước này xâm chiếm Ukraine không phải là lựa chọn lúc này. Điều sẽ xảy ra là sẽ có hậu quả nghiêm trọng.”
Nhận xét trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Biden tham gia một cuộc gặp song phương trực tuyến qua video kéo dài hai giờ đồng hồ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm này, ông Biden đã nói với ông Putin rằng Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ đáp trả “bằng các biện pháp kinh tế mạnh mẽ và các biện pháp khác” trong trường hợp Nga leo thang quân sự chống lại Ukraine.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết “các biện pháp khác” cũng có thể bao gồm vật tư phòng thủ bổ sung cho phía Ukraine và củng cố các đồng minh NATO ở sườn phía đông của Nga với các năng lực bổ sung nếu Nga quyết định xâm lược.
“Trong cuộc gặp với ông Putin, tôi đã rất thẳng thắn, không có lời nào [quanh co], chúng tôi lịch sự nhưng tôi đã nói rất rõ ràng, nếu thực tế ông ấy xâm lược Ukraine thì sẽ có hậu quả nghiêm trọng, hậu quả nghiêm trọng,” TT Biden nói với các phóng viên hôm thứ Tư. “Những hậu quả kinh tế chẳng giống một thứ gì mà ông ấy sẽ chứng kiến hoặc từng chứng kiến trong việc áp đặt.”
“Tôi tin tưởng tuyệt đối [rằng ông Putin] đã nhận được thông điệp này,” TT Biden sau đó nói thêm.
Các quan chức Ukraine ước tính hơn 90,000 binh sĩ Nga đang ở gần biên giới của nước này và ở Crimea do Nga chiếm đóng.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết việc xây dựng quân đội, cùng với sự gia tăng đột biến trong hoạt động chống Ukraine trên mạng xã hội, làm người ta liên tưởng đến một “sách lược tương tự” được ông Putin sử dụng vào năm 2014 khi Nga chiếm Crimea.
Điện Kremlin cho biết trong một bản công bố nội dung sau cuộc điện đàm: “Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng thật sai lầm khi quy trách nhiệm cho Nga, vì chính NATO mới đang thực hiện những nỗ lực nguy hiểm để mở rộng sự hiện diện của mình trên lãnh thổ Ukraine và mở rộng tiềm lực quân sự của mình gần biên giới Nga.”
Phó Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một cuộc nói chuyện không được ghi hình chính thức trên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One) hôm thứ Tư rằng, ông Biden đã nói với ông Putin trong cuộc điện đàm “một quốc gia không thể buộc quốc gia khác thay đổi biên giới của mình, một quốc gia không thể bảo quốc gia khác thay đổi nền chính trị của mình, và các quốc gia không thể nói cho các quốc gia khác biết họ có thể làm việc cùng ai.”
Sau cuộc điện đàm hôm thứ Ba, TT Biden đã họp để trao đổi tình hình với các đồng minh Âu Châu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Thủ tướng Ý Mario Draghi.
Trong khi đó, cố vấn ngoại giao của TT Putin là ông Yuri Ushakov đã bác bỏ lời đe dọa trừng phạt này trong một cuộc gọi hội nghị với các phóng viên.
“Trong khi Tổng thống Mỹ nói về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra, Tổng thống của chúng tôi nhấn mạnh những gì Nga cần,” ông Ushakov nói. “Các biện pháp trừng phạt không phải là điều gì đó mới mẻ, chúng đã có từ lâu và sẽ không có bất kỳ tác động nào.”
Tổng thống của hai nước đã giao nhiệm vụ cho các đội ngũ tương ứng của họ bám sát tình hình sau cuộc họp trực tuyến này, theo bản công bố nội dung điện đàm của Tòa Bạch Ốc.
Ông Nick Ciolino đưa tin về Tòa Bạch Ốc.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: