TT Biden cho biết vẫn đang quyết định về thuế quan, sẽ sớm nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc
Hôm 18/06, Tổng thống (TT) Joe Biden cho biết ông sẽ “sớm” nói chuyện với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, và ông đang trong quá trình quyết định xem phải làm gì với các mức thuế quan thương mại từ thời cựu TT Trump hiện đang áp lên Trung Quốc.
Bình luận của TT Biden được đưa ra trong bối cảnh chính phủ của ông đang thảo luận về việc liệu có nên dỡ bỏ một số thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD của Trung Quốc như một phần của nỗ lực kiềm chế tình trạng lạm phát cao lịch sử. Các loại thuế đã được cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt nằm trong nỗ lực của chính phủ của ông nhằm chống lại các hành vi thương mại không công bằng của chính quyền [Bắc Kinh] đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ hàng tỷ dollar.
“Tôi đang trong quá trình đưa ra quyết định,” TT Biden nói với các phóng viên gần căn nhà cạnh bãi biển của ông ở tiểu bang Delaware sáng hôm thứ Bảy (18/06).
Hồi tháng trước, TT Biden thừa nhận rằng ông đang “cân nhắc” việc nới lỏng một số loại thuế đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng bản thân ông không áp đặt bất kỳ mức thuế nào.
Năm 2018, chính phủ cựu TT Trump đã áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc sau khi một cuộc điều tra kết luận chính quyền Trung Quốc thực hiện các khoản trợ cấp quá mức của chính phủ, đánh cắp tài sản trí tuệ và các hành vi thương mại không công bằng khác. Để trả đũa, chính quyền Trung Quốc cũng đánh thuế hàng nhập cảng trị giá hàng chục tỷ dollar của Hoa Kỳ.
Hôm 20/06, Bộ trưởng Bộ Ngân khố Janet Yellen nói với ABC News, “Tất cả chúng ta đều nhận ra rằng Trung Quốc thực hiện một loạt các hành vi thương mại không công bằng cần được giải quyết”. Nhưng bà cho biết thêm, “những thuế quan mà chúng tôi thừa hưởng từ chính phủ tiền nhiệm, một vài trong số đó không phục vụ mục đích chiến lược và tăng các chi phí cho người tiêu dùng.”
Trong khi bà Yellen ủng hộ việc loại bỏ một số thuế quan để giảm giá cả tiêu dùng, bà nói với các nhà lập pháp hôm 08/06 rằng việc cắt giảm thuế quan sẽ không phải là một “liều thuốc chữa bách bệnh” để giảm lạm phát của Hoa Kỳ, vốn đã đạt mức cao nhất trong 40 năm qua.
“Tôi muốn nói rõ rằng tôi thực sự không nghĩ chính sách thuế quan là một liều thuốc chữa bách bệnh đối với lạm phát,” bà Yellen nói khi trả lời câu hỏi về thuế quan. “Hàng hóa chỉ chiếm một phần ba lượng tiêu dùng và chính xác thì không rõ sự tác động là gì và phần tác động lên giá cả sẽ là bao nhiêu” từ việc cắt giảm thuế quan đối với người tiêu dùng.
Trong khi đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã bày tỏ những lo ngại về việc dỡ bỏ thuế quan khi Trung Quốc không thực hiện được các nghĩa vụ thương mại “giai đoạn một” của họ.
Thỏa thuận giai đoạn một được Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh ký vào ngày 15/01/2020, yêu cầu Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trên số tiền mua hàng năm của năm 2017 là 151.2 tỷ USD.
Hai năm sau khi ký kết thỏa thuận này, Trung Quốc thậm chí còn không đạt được mức mua hàng đã định. Theo một phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), Trung Quốc bắt buộc phải mua hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ trị giá 227.9 tỷ USD vào năm 2020 và 274.5 tỷ USD vào năm 2021 với tổng số tiền là 502.4 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong hai năm Trung Quốc chỉ mua 286.6 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ, bằng 57% so với cam kết 502.4 tỷ USD.
Theo Reuters, một quan chức chính phủ cho biết hôm 16/06, TT Biden không cho biết khi nào ông sẽ nói chuyện với ông Tập, nhưng các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã chuẩn bị cho một cuộc điện đàm có khả năng diễn ra vào mùa hè này.
Bình luận từ TT Biden được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), có cuộc họp kéo dài 4 tiếng rưỡi tại Luxembourg.
Theo một thông báo vắn tắt từ Tòa Bạch Ốc, cuộc họp hôm 14/06 giữa ông Sullivan và ông Dương liên quan đến “cuộc thảo luận thẳng thắn, thực chất, và hiệu quả về một số vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, cũng như các vấn đề chính trong quan hệ Mỹ-Trung.”
Bản tin có sự đóng góp của Naveen Athrappully và Reuters.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.