TT Biden cho biết ông không lo lắng về khả năng xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden đã phủ nhận lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra với Trung Quốc, cho biết ông đã nói rõ với lãnh đạo Trung Quốc rằng mối bang giao của họ là cạnh tranh hơn là xung đột.
Ông Biden nói trong một cuộc họp báo hôm 02/11 ở Glasgow, Scotland rằng, “Có phải là tôi đang lo lắng về một cuộc xung đột vũ trang hay thứ gì đó tương tự vậy—vô tình xảy ra với Trung Quốc hay không? Không, tôi không lo.”
Tổng thống Biden cho biết ông đã truyền tải thông điệp này trong các cuộc điện đàm trước đây với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình rằng “đây là sự cạnh tranh, đó không nhất thiết phải là xung đột,” và sẽ tiếp tục làm như vậy trong một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến sắp tới với ông Tập vào cuối năm nay, ngày cụ thể vẫn chưa được ấn định.
“Không có lý do gì mà phải có xung đột cả,” tổng thống nói. “Nhưng tôi cũng đã nói rõ với ông ấy rồi, và … tôi không cảm thấy miễn cưỡng khi nói công khai — rằng chúng tôi mong ông ấy chơi đúng luật.”
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sẽ không “thay đổi thái độ của chúng ta” trong một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như “những gì tạo thành không phận quốc tế, các tuyến đường biển quốc tế,” ông cho biết.
Tổng thống Biden nói, “Tôi không tìm kiếm, tôi không mong đợi sẽ có một sự cần thiết về … xung đột vật lý.”
“Cha tôi từng có một lối diễn đạt. Ông nói rằng, “Cuộc xung đột duy nhất trở nên tồi tệ hơn cái được trù tính chính là cái không được dự liệu trước,” Tổng thống cho biết và nói thêm rằng ông sẽ sử dụng hội nghị thượng đỉnh trực tuyến này để bảo đảm không có sự hiểu lầm nào.
Ông Tập đã không tham dự Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26), nhưng thay vào đó, ông đã gửi một tuyên bố bằng văn bản, trong đó ông kêu gọi “các nước phát triển” cần “làm nhiều hơn nữa” và “cung cấp sự hỗ trợ để giúp đỡ các quốc gia đang phát triển” trong việc giảm phát thải, mà không đưa ra lời đề nghị về các cam kết mới nào.
Hôm 02/11, ông Biden đã bày tỏ sự thất vọng về các mục tiêu khí hậu mờ nhạt của ông Tập.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng đó là một sai lầm lớn, khá thẳng thắn [mà nói], đối với Trung Quốc — liên quan đến việc Trung Quốc đã không xuất hiện,” ông nói. “Phần còn lại của thế giới sẽ nhìn vào Trung Quốc và nói rằng, ‘Họ đang cung cấp giá trị gia tăng nào vậy?’ Và họ đã đánh mất khả năng ảnh hưởng đến mọi người trên khắp thế giới này và tất cả những người có mặt tại COP.”
Hôm 21/10, tại một sự kiện ở tòa thị chính, ông Biden đã phản hồi một câu hỏi về việc Trung Quốc có vụ thử nghiệm hỏa tiễn siêu thanh được đưa tin bằng cách nói rằng Bắc Kinh “biết chúng ta sở hữu một quân đội quyền lực nhất trong lịch sử thế giới này.”
“Tôi không muốn một cuộc chiến tranh lạnh nào với Trung Quốc cả, tôi chỉ muốn Trung Quốc hiểu rằng chúng ta sẽ không lùi bước và chúng ta cũng sẽ không thay đổi bất kỳ quan điểm nào của mình,” ông nói.
Một số nhà phân tích nói rằng việc ông Tập không tham dự cuộc họp về khí hậu này là một lựa chọn có tính toán.
Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng đã lan rộng đến hơn một nửa số tỉnh trong nước và đe dọa làm suy yếu lĩnh vực sản xuất của nước này đồng thời làm gián đoạn cuộc sống của hàng triệu người trong mùa đông này. Việc phân phối điện hạn chế đã góp phần vào các vụ mất điện của Trung Quốc gần đây, và để ứng phó với điều đó, mới đây nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đã ra lệnh cho các mỏ than mở rộng sản xuất.
Ông Lâm Tường Nghĩa (Lin Xiangyi), giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc lập Đài Loan, tin rằng hiện vẫn không có giải pháp ngắn hạn nào cho các vấn đề năng lượng của Trung Quốc.
“Bất kỳ kế hoạch ngắn hạn nào để giải quyết những vấn đề môi trường nội địa đều sẽ rất tốn kém và mất thời gian,” ông Lâm nói với The Epoch Times. “Nếu tôi không đi, tôi sẽ không cần phải đưa ra bất kỳ lời hứa nào trong ngắn hạn, và có thể dành một chút thời gian để tìm kiếm một đề nghị mà mọi người thấy có thể chấp nhận được,” ông nói, khi đang phân tích về quyết định bỏ qua sự kiện này của ông Tập.
Trong khi ông Biden đang muốn Bắc Kinh “chơi đúng luật”, thì Bắc Kinh rõ ràng lại có sách lược riêng.
Khi hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra ở Glasgow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) hôm 02/11 đã xuất hiện để yêu cầu Hoa Thịnh Đốn làm dịu các chính sách của họ đối với Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc về khí hậu.
Ông cũng nói trong một cuộc họp hàng ngày rằng: “Các ông không thể yêu cầu Trung Quốc cắt giảm sản lượng than, trong khi vẫn đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp quang điện của Trung Quốc.”
Vào tháng Sáu (06/2021), Bộ Lao động Hoa Kỳ đã bổ sung polysilicon do Trung Quốc sản xuất, một vật liệu chính cho các tấm quang năng, vào “Danh sách Hàng hóa được Sản xuất bởi Lao động Trẻ em hoặc Lao động Cưỡng bức” vì các vi phạm nhân quyền bị cáo buộc liên quan đến khu vực Tân Cương, nơi mà Bắc Kinh đang gây ra một chiến dịch đàn áp rộng lớn nhắm vào các nhóm sắc dân theo đạo Hồi của họ. Công ty TNHH Công nghiệp Hoshine Silicon và một số công ty thiết bị năng lượng khác cũng đã được thêm vào danh sách đen thương mại của Hoa Kỳ vào cùng ngày hôm đó.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: