TT Biden, các nhà lãnh đạo G-7 cam kết hỗ trợ 4.5 tỷ USD cho an ninh lương thực toàn cầu
Hôm thứ Ba (28/06), Tổng thống (TT) Joe Biden và các nhà lãnh đạo từ các quốc gia G-7 đã cam kết đóng góp hàng tỷ dollar viện trợ để giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu do cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra.
Trong một tuyên bố, Tòa Bạch Ốc cho biết hơn một nửa trong số 4.5 tỷ USD đóng góp sẽ đến từ Hoa Kỳ.
Theo tuyên bố trên, ông Biden cũng sẽ công bố khoản hỗ trợ nhân đạo và kinh tế bổ sung 2.76 tỷ USD cho 47 quốc gia là nơi sinh sống của những nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, và để “giảm thiểu tác động của cuộc chiến vô cớ và phi lý của Nga ở Ukraine đối với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng ngày càng trầm trọng.”
Trong số 2.76 tỷ USD hỗ trợ bổ sung của chính phủ, 2 tỷ USD sẽ dành cho các hoạt động can thiệp cứu người ở những khu vực đang phải đối mặt với nạn đói hoặc khan hiếm.
760 triệu USD khác sẽ được đầu tư vào “hỗ trợ lương thực bền vững trong ngắn hạn” để giúp ngăn chặn sự gia tăng nghèo đói ở các quốc gia dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng nặng nề do sự gia tăng giá lương thực, phân bón và nhiên liệu.
Theo Tòa Bạch Ốc, sẽ có tới 40 triệu người nữa có thể bị đẩy vào cảnh đói nghèo vào năm 2022 do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine.
Tuyên bố viết: “Trong khi toàn bộ thế giới sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các hành động của Nga, những nhu cầu cấp thiết nhất sẽ xuất hiện ở vùng Sừng Phi Châu, vì nơi này trải qua mùa hạn hán thứ tư liên tiếp lập kỷ lục, có thể dẫn đến nạn đói. Khoảng 20 triệu người có thể đối mặt với nguy cơ chết đói vào cuối năm nay. Hạn hán kéo dài cũng tác động nghiêm trọng đến dinh dưỡng, khiến trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng nặng và cần được điều trị.”
‘Cuộc chiến phi nghĩa nhằm vào Ukraine’
Ngoài hàng tỷ USD tài trợ từ chính phủ ông Biden, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cũng cam kết 2 tỷ USD trong quỹ hỗ trợ thiên tai quốc tế sẽ dành cho các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp trong 3 tháng tới.
Ông Biden đã đưa ra cam kết chung để tài trợ 4.5 tỷ USD này sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo từ các quốc gia G-7 khác gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Vương quốc Anh từ hôm 26/06 đến 28/06 tại Elmau, Đức.
Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G-7 đổ lỗi cho cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng đói ngày càng trầm trọng này. Cuộc chiến này đã ngăn chặn hoạt động xuất cảng ngũ cốc từ Ukraine, khiến sản xuất nông nghiệp bị gián đoạn và tiếp tục làm suy yếu chuỗi cung ứng vốn bị siết chặt, trong khi làm tăng chi phí thực phẩm, phân bón và nhiên liệu trên toàn thế giới.
Các nhà lãnh đạo G-7 cho biết trong một tuyên bố chung: “Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh sự lên án của chúng tôi đối với cuộc chiến tranh xâm lược phi pháp và phi lý của Nga vào Ukraine. Chúng tôi sẽ sát cánh với Ukraine cho tới chừng nào cần thiết, cung cấp sự hỗ trợ về tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao để nước này can đảm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”
Các nhà lãnh đạo G-7 đã cam kết viện trợ nhân đạo hơn 2.8 tỷ USD, đồng thời nói thêm rằng họ sẵn sàng cấp hoặc đã “cam kết và cung cấp 29.5 tỷ USD viện trợ ngân sách. ”
Cam kết của ông Biden trong việc giúp chống lại tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu được đưa ra khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong 40 năm ở Hoa Kỳ và lãi suất tăng, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về một cuộc suy thoái sắp đến gần.
Tổng thống Hoa Kỳ đổ lỗi phần lớn cho sự “tăng giá do ông Putin” là nguyên nhân gây gia tăng lạm phát, trong khi một số nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa chỉ ra các chính sách của tổng thống mà họ cho là đã làm trầm trọng thêm tình trạng giá cả và góp phần vào thị trường dầu biến động.
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.