TSN Cruz: Cần phải có nghĩa vụ đối với cử tri, khẩn cấp điều tra gian lận
Thượng nghị sỹ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã giải thích chi tiết về thách thức Đại cử tri đoàn của ông trong phiên họp chung của Quốc hội vào ngày 06/01, cho rằng việc đó sẽ phụ thuộc vào vấn đề có thực hiện được một cuộc thanh tra khẩn cấp để xác định xem các cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hôm 03/11/2020 có thực sự tồn tại hay không.
Ông Cruz và 11 thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa khác tuyên bố họ sẽ tranh chấp các kết quả bầu cử của Đại cử tri, cùng hàng chục thành viên Hạ viện khác. Trước đó, Thượng nghị sỹ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đã thông báo rằng ông sẽ tham gia với các dân biểu của Đảng Cộng Hòa, trở thành thượng nghị sỹ đầu tiên công khai phản đối các kết quả bầu cử của đại cử tri.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta, các thành viên Quốc hội có nghĩa vụ làm điều gì đó về việc này; chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ tính liêm chính của hệ thống dân chủ,” ông nói với Fox Business hôm Chủ Nhật (03/01/2021), đề cập đến nhiều cáo buộc về gian lận bầu cử và các bất thường bầu cử. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa này cũng lưu ý rằng nhiều người dân Hoa Kỳ không tin các kết quả của cuộc bầu cử tổng thống hôm 03/11/2020 là hợp lệ, vì Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đã kêu gọi các tòa án và các cơ quan lập pháp tiểu bang lật ngược các kết quả của đại cử tri của các tiểu bang chiến địa.
Ông Cruz lưu ý rằng nỗ lực phản đối việc chứng nhận các kết quả của đại cử tri có mục đích để “buộc sự chỉ định một ủy ban bầu cử khẩn cấp thực hiện thanh tra khẩn cấp các kết quả bầu cử để đánh giá những tuyên bố về gian lận này… chúng ta có thể làm điều đó trong 10 ngày trước lễ nhậm chức.”
“Chúng ta có nghĩa vụ đối với cử tri,” ông nói hôm Chủ Nhật (03/01), và nói thêm rằng các thượng nghị sỹ “có nghĩa vụ với Hiến pháp để bảo đảm rằng cuộc bầu cử này là hợp pháp.”
Cần phải có một Thượng nghị sỹ và một dân biểu để thách thức các phiếu đại cử tri của các tiểu bang. Sau đó, một cuộc tranh luận kéo dài hai giờ về mỗi tiểu bang sẽ được tổ chức trước khi một cuộc bỏ phiếu đa số đơn giản sẽ được tổ chức về việc có giữ hay lật ngược phiếu đại cử tri của các tiểu bang, mặc dù một số chuyên gia pháp lý đã suy đoán rằng Phó Tổng thống Mike Pence, người là chủ tịch của Thượng viện trong phiên họp chung, có thể từ chối các nhóm đại cử tri.
Dân biểu Mo Brooks (Cộng Hòa-Alabama) đã trở thành nhà lập pháp đầu tiên tại lưỡng viện tuyên bố rằng ông sẽ thách thức các phiếu đại cử tri của các tiểu bang chiến trường. Hồi tháng 11/2020, ông nói với The Epoch Times rằng Hiến pháp cho Quốc hội “quyền quyết định cuối cùng về việc chấp nhận hay từ chối” các phiếu đại cử tri của một tiểu bang.
Nhưng hành động này không được tất cả các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ủng hộ. Đảng viên Đảng Cộng Hòa số hai của Thượng viện, Phó Lãnh đạo Đa số John Thune (Cộng Hòa-South Dakota), nói với các phóng viên vào tháng 12/2020 rằng nỗ lực của họ rất có thể sẽ thất bại, trong khi Thượng nghị sỹ Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah) hồi cuối tuần qua cho biết sự phản đối này là một “thủ đoạn ghê tởm.”
Các thượng nghị sỹ Đảng Dân Chủ và thành viên ở Hạ viện của Đảng Dân Chủ cũng chỉ trích kế hoạch này, trong khi một số người cho rằng nó tương đương với nổi loạn hoặc phản quốc—mặc dù việc thách thức trong phiên họp chung được Hiến pháp ủng hộ. Các nhà lập pháp của Đảng Dân Chủ trước đây đã phản đối các phiếu đại cử tri của các tiểu bang trong những cuộc bầu cử trước đó, bao gồm cả cuộc tranh cử năm 2004 giữa ông John Kerry và cựu Tổng thống George W. Bush.
Ngoài ông Romney, các thượng nghị sỹ Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska) và Pat Toomey (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã thông báo vào hôm thứ Bảy (02/01) rằng họ sẽ bỏ phiếu chống lại những nỗ lực thách thức các kết quả bầu cử của các tiểu bang.
Jack Phillips
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: