Truyền thông và Đảng Dân Chủ: Tạo ra sự khác biệt
Máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden có vẻ như là một thứ khá tầm thường để ngẫm nghĩ tới hoặc viết về trước cái bóng của cuộc chiến tranh ở Đông Âu và có thể là thế giới rộng lớn hơn cũng như sự bất ổn kinh tế ở quê nhà.
Sự việc này khiến người ta nhớ lại những lời không thể quên của bà Hillary Clinton trong các phiên điều trần của Quốc hội về vụ những kẻ khủng bố sát hại bốn người dân Mỹ, bao gồm cả vị đại sứ, tại lãnh sự quán của chúng ta ở Benghazi, Libya, hồi tháng 09/2012: “Điều đó tạo ra sự khác biệt gì ở thời điểm này vậy?”
Cần nhớ lại những gì bà ấy nói vào thời điểm đó. Từ “điều đó” trong câu trên đề cập đến nghi vấn về động cơ của những kẻ khủng bố. Đây là câu ngay trước đó trong chứng ngôn của bà ấy: “Đó là do một cuộc biểu tình hoặc là do mấy gã đi dạo vào một đêm đã quyết định rằng họ sẽ lấy mạng một số người Mỹ?”
Điều đó hợp lý, phải không? Trước thực tế đáng thương của 4 người Mỹ đã thiệt mạng, tại sao chúng ta phải quan tâm đến động cơ của những kẻ tấn công hèn hạ đó?
Như vậy “nhìn ngược lại,” theo bà Clinton, là Ngoại trưởng vào thời điểm xảy ra các vụ sát nhân và, theo một số người, gánh một phần trách nhiệm cho những vụ việc này vì [quản lý] an ninh lỏng lẻo tại lãnh sự quán, ít quan trọng hơn là nhìn về phía trước để ngăn chặn những điều như vậy xảy ra trong tương lai. Nhà Clinton luôn là những người ủng hộ việc “bước tiếp.”
Những người khiển trách bà vì một phần lỗi của bà trong vụ sát nhân ngay lập tức coi những lời của bà như một nỗ lực cố gắng trốn tránh trách nhiệm mà họ nghĩ rõ ràng là thuộc về bà, nhưng điều này là không công bằng.
Bà ấy đang trả lời loạt câu hỏi từ Thượng nghị sĩ Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin không phải về việc liệu bà ấy hay Bộ Ngoại giao phải chịu trách nhiệm cho các vụ sát nhân này hay không mà tại sao bà Susan Rice, vào thời điểm đó là Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, lại tham gia chương trình trên truyền hình hôm Chủ Nhật sau vụ tấn công vào lãnh sự quán để khẳng định rằng nó chắc chắn là “do một cuộc biểu tình” — vì một video chống Hồi giáo do một người Mỹ thực hiện — và do đó không phải là tác phẩm của những kẻ khủng bố chuyên nghiệp.
Vào thời điểm diễn ra phiên điều trần, tất cả mọi người đều biết rõ rằng Đại sứ Rice đã không thành thật khi nói điều này, và ông Johnson đưa ra quan điểm rằng, ngay cả khi bà ấy không biết điều này khi bà ấy nói, thì lẽ ra bà ấy đã có thể biết được điều đó trong một thời gian ngắn với một vài cuộc điện thoại.
Bà Clinton kiên quyết phản đối gợi ý này bằng cách phớt lờ nó, cũng như việc bà ấy diễn tả khả năng khác là “cuộc biểu tình” như một lời giải thích cho các vụ sát nhân – cụ thể là “những gã đi dạo vào một đêm đã quyết định rằng họ sẽ lấy mạng một số người Mỹ” – đều cho thấy bà không thành thật khi trả lời, hay đúng hơn là không trả lời, câu hỏi của ông ấy.
Sự không thành thật của người nhà Clinton không phải lúc nào cũng cần lời giải thích, vì nó dường như đến một cách tự nhiên đối với cả bà và ông Clinton. “Điều đó phụ thuộc vào ý nghĩa của từ ‘là’ là gì” (*). Nhưng trường hợp này có một lời giải thích.
Quý vị sẽ nhớ rằng vụ tấn công ở Benghazi diễn ra ở đỉnh cao của chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2012. Rõ ràng là bà Rice đã ở trong chế độ kiểm soát thiệt hại khi đưa ra ý tưởng về cuộc biểu tình vì một video, không giống như vụ tấn công khủng bố có chủ ý, những người chịu trách nhiệm vấn đề an ninh của lãnh sự quán, bao gồm cả bà Clinton, không thể lường trước được.
Hơn nữa, nỗ lực quy trách nhiệm cho những người được cho là thuộc cánh hữu phản đối Đạo hồi đã thực hiện video đó có thể coi là gây tổn hại nhiều hơn cho Đảng Cộng Hòa và ông Mitt Romney, ứng cử viên tổng thống của họ, hơn là Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Ngoại giao của ông ấy khi đó.
Do đó, khi bà Clinton nói, “Điều đó tạo ra sự khác biệt gì ở thời điểm này vậy?” bà ấy đang đề cập đến thực tế rằng, hồi năm 2013, khi các phiên điều trần về Benghazi được tổ chức (“tại thời điểm này”), cuộc bầu cử đã xong xuôi và Đảng Dân Chủ đã thắng và vì vậy bà ấy hoặc bà Rice không còn cần thiết phải bảo vệ sự giả dối của bà Rice nữa, cho dù hành động đó có chủ ý và có động cơ chính trị (như ông Johnson đang ngụ ý) hay không.
Đó là một phiên bản khác của câu trả lời được Cố lãnh đạo Đa số Thượng viện Harry Reid đưa ra về cáo buộc đã nói dối, trong cùng một chiến dịch bầu cử, bằng cách gợi ý rằng ông Romney đã không đóng thuế trong 10 năm: “ông Romney đã không giành chiến thắng, phải không?”
Cả hai câu trả lời này đều tiết lộ về những gì đã trở nên rõ ràng hơn kể từ đó, đó là bất kỳ sự giả dối nào, bất kỳ lời vu khống nào, bất kỳ lời vu oan bịa đặt nào nhằm vào “kẻ thù” chính trị của họ (như bà Clinton đôi khi ám chỉ Đảng Cộng Hòa) đều là hợp lý nếu điều đó giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Điều này đưa chúng ta quay trở lại, bằng một con đường rất vòng vo, đến ông Hunter Biden. Giờ đây, ngay cả The New York Times cũng thừa nhận, mặc dù chỉ trong đoạn thứ 24 của một câu chuyện về cuộc điều tra liên bang về “các vấn đề thuế” của ông Biden trẻ (Hunter Biden), rằng chiếc máy điện toán xách tay và bằng chứng có thể kết tội trong chiếc máy này về việc gia đình Biden bị cáo buộc đã tham nhũng là thật.
Khi chiếc máy điện toán xách tay bị phát hiện, bị bỏ rơi trong một cửa hàng sửa chữa máy điện toán ở Delaware và được ông Rudy Giuliani và The New York Post đưa ra công chúng hồi tháng 10/2020, tờ New York Times, cùng với phần còn lại của các hãng thông tấn, đã phớt lờ câu chuyện đó. Đề cập đến bản tin của New York Post đã bị cấm trên phương tiện truyền thông xã hội. Tổng cộng 51 quan chức tình báo và chống khủng bố tiền nhiệm hoặc đương nhiệm đã đưa ra một tuyên bố nói rằng câu chuyện về máy điện toán xách tay có “tất cả những dấu hiệu điển hình của một chiến dịch tình báo của Nga.”
Phản ứng trước việc tờ New York Times xác thực chiếc máy điện toán xách tay, tờ The Washington Times đã liên lạc với 51 người nổi tiếng trên, bao gồm cả ông Leon Panetta và ông John Brennan, các cựu giám đốc CIA dưới thời các Tổng thống Dân chủ, và ông James Clapper, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, Không một ai có thể sẵn lòng bày tỏ sự hối tiếc vì đã lạm dụng chính trị một cách trắng trợn như vậy đối với các văn phòng và uy tín của họ.
Giống như những người cùng Đảng Dân Chủ của họ, bà Clinton và ông Reid quá cố, chắc hẳn họ đã nghĩ rằng, vì ông Joe Biden đã thắng cử với sự giúp đỡ của họ, nên “Điều đó tạo nên sự khác biệt gì ở thời điểm này vậy?”
Đối với tất cả bọn họ, câu trả lời mang ngụ ý, mục đích của lời xảo ngôn đạt được từ đó là không [có sự khác biệt nào]. Hoàn toàn không.
Nhưng phần còn lại của chúng ta, những người đang sống trong thời kỳ lạm phát và chiến tranh tàn phá mới này có thể tự hỏi lẽ nào điều đó sẽ không tạo ra một sự khác biệt đáng kể, vì quả thực nếu như không có sự giúp đỡ kịp thời của họ và của giới truyền thông cũng như những đại công ty công nghệ của Thung lũng Silicon, thì ngày hôm nay ông Joe Biden không phải là tổng thống rồi.
Khá nhiều người Afghanistan và Ukraine chắc hẳn cũng đang thắc mắc điều tương tự.
Ông James Bowman là một học giả thường trú tại Ethics and Public Policy Center. Tác giả của cuốn sách “Honor: A History” (tạm dịch: Danh dự: Một Lịch sử), ông là nhà phê bình phim cho The American Spectator và là nhà phê bình truyền thông cho The New Criterion.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
(*) Chú thích của dịch giả: “It depends on what the meaning of the word ‘is’ is” (“Điều đó phụ thuộc vào ý nghĩa của từ ‘là’ là gì”). Đây là câu nói được nhiều người biết đến của cựu Tổng thống Bill Clinton trong lời khai bồi thẩm đoàn năm 1998 của ông về vụ bê bối với thực tập sinh Monica Lewinsky. Sau đó luật sư độc lập Ken Starr kết luận rằng ông Clinton phạm tội khai man. Ngày 19/12/1998 ông bị Hạ viện bỏ phiếu luận tội do khai man và ngăn cản công lý, tuy nhiên, đến ngày 12/02/1999, ông được Thượng viện Hoa Kỳ tha bổng.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: