Truyền thông Trung Quốc phát hình ảnh tuyên truyền Tân Cương tại Quảng trường Thời Đại của Hoa Kỳ
NEW YORK – Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đang chạy các bảng quảng cáo kỹ thuật số tại một trong những không gian quảng cáo được ao ước nhất trên thế giới để quảng bá hàng hóa từ vùng Tân Cương trong bối cảnh toàn cầu đang gia tăng phản đối chiến dịch đàn áp của chính quyền Trung Quốc tại khu vực này.
Tại Quảng trường Thời Đại của thành phố New York ngay trước Lễ Giáng Sinh, một màn hình khổng lồ, cao khoảng 64 feet (19.5 mét) và rộng 40 feet (12.2 mét), liên tục phát một video của Tân Hoa Xã, mô tả về Thạch Hà Tử, một trong những thành phố lớn nhất ở Tân Cương, là một thành phố “xanh” đang thịnh vượng.
Đoạn video dài 30 giây đã giới thiệu Thạch Hà Tử như một “hình ảnh thu nhỏ” cho những nỗ lực phát triển xanh của Trung Quốc, với “trái ngọt, rượu say, hình ảnh thành phố xanh, và cuộc sống hạnh phúc của con người,” theo một mô tả từ một thông cáo báo chí hôm 04/01 từ Công ty Screen Media của Tân Hoa Xã.
“Thành phố Thạch Hà Tử của Trung Quốc đang thu hút Quảng trường Thời Đại với thành quả của sự phát triển xanh,” Tân Hoa xã nêu trong thông cáo báo chí này.
Mô tả như vậy hoàn toàn trái ngược với các hành vi vi phạm nhân quyền của chế độ này trong khu vực đó, bao gồm việc giam giữ ước tính khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam, nơi họ bị tra tấn, lao động cưỡng bức, và tuyên truyền chính trị.
Những lo ngại đó đã khiến Hoa Kỳ và các đồng minh tiến hành một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022. Chính phủ Hoa Kỳ, cùng với một số quốc hội phương Tây, và một tòa án nhân dân độc lập đã xếp chiến dịch của Bắc Kinh là một tội ác diệt chủng.
Theo ông Ilshat H. Kokbore, phó chủ tịch ủy ban điều hành của nhóm vận động Đại hội Người Duy Ngô Nhĩ Thế giới, việc giới thiệu Thạch Hà Tử như là một “thành phố xanh” trong bối cảnh này thật là mỉa mai. Ông Kokbore đã từng là một giáo viên đại học ở Thạch Hà Tử trong suốt 15 năm từ 1988 đến 2003.
Ông nói với The Epoch Times rằng chính quyền này đang cố gắng “minh oan cho cáo buộc diệt chủng này.” Ông cho biết, với việc Thế vận hội đó sẽ diễn ra trong 4 tuần nữa, bất kỳ sự công nhận hoặc khen ngợi ngoại giao nào từ phương Tây sẽ tương đương với một “thành công” mà Bắc Kinh có thể sử dụng để tăng cường tính hợp pháp của mình.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, đằng sau mặt tiền “xanh,” Thạch Hà Tử là một thành phố mang phong cách quân sự do Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC) điều hành. XPCC là một nhóm bán quân sự thuộc khu vực mà Hoa Kỳ đã trừng phạt vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
“Thành phố này không hề thân thiện với bất kỳ ai, thậm chí không thân thiện với người Hán sống ở đó,” ông Kokboore cho biết, khi đề cập đến nhóm dân tộc đa số này ở Trung Quốc.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Thạch Hà Tử là một thành phố lớn để xuất cảng các sản phẩm bông và cà chua.
Khi ông Kokbore còn là một giáo viên ở đó, hàng năm vào mùa thu hoạch bông, thường bắt đầu vào khoảng giữa tháng Chín, ông sẽ dẫn khoảng 50 đến 70 học sinh người Duy Ngô Nhĩ đi hái bông. Những người lao động này không hề được trả công. Để đạt được hạn ngạch, đôi khi họ phải ở lại cánh đồng bông từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối.
Ông nói rằng, “Nó được gọi là giáo dục lao động cho học sinh.”
Hoa Thịnh Đốn đã cấm tất cả việc nhập cảng bông và cà chua từ khu vực này vào tháng Một năm ngoái do lo ngại về lao động cưỡng bức. Tháng 12/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật một dự luật cấm tất cả hàng hóa nhập cảng từ vùng Tân Cương.
Ông Kokbore cho biết các biện pháp trừng phạt này đã ảnh hưởng nặng nề đến vùng Tân Cương, nơi mà ông tin rằng đó là một lý do chính đằng sau chiến dịch quảng cáo của Bắc Kinh. Với việc xuất cảng sang Hoa Kỳ bị hạn chế, các mối liên hệ của ông từ Thạch Hà Tử đã cho ông biết, chính quyền thành phố này đang gặp khó khăn về tài chính và thậm chí đang gặp phải một số khó khăn trong việc trả lương đầy đủ cho các công chức.
Ông nói rằng chiến dịch tuyên truyền này khó có được kết quả, dựa trên những gì thế giới biết về những hành vi ngược đãi của chính quyền Trung Quốc đối với công dân của họ ở Tân Cương và những nơi khác. Ông Kokbore đã chỉ ra ví dụ gần đây về việc phong tỏa khắc nghiệt của thành phố Tây An trong một nỗ lực giảm thiểu số lượng các ca nhiễm COVID-19, khiến người dân địa phương phải vật lộn để có được thực phẩm và dịch vụ chăm sóc y tế căn bản.
“Làm thế nào để mọi người có thể tin tưởng vào chính quyền này đây?” ông nói. “Chính công dân của họ không được hưởng bất kỳ tự do nào … [và] không thể, khi họ cần, ngay cả việc đi khám bác sĩ.”
Tân Hoa Xã đã ra mắt lần đầu tiên tại Quảng trường Thời Đại vào năm 2011 trong một nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu, sử dụng màn hình [quảng cáo] điện tử để phát các video mô tả chế độ này theo một khía cạnh tích cực.
Đầu năm ngoái, trong bối cảnh gia tăng sự giám sát đối với việc Trung Quốc bị cáo buộc che đậy nguồn gốc đại dịch COVID-19, một quảng cáo từ Tân Hoa Xã đã tuyên bố rằng Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong việc chống lại đại dịch này và kêu gọi sự đoàn kết. Vào khoảng thời gian đó, Bắc Kinh đã từ chối giao dữ liệu thô về bệnh nhân cho cuộc thăm dò nguồn gốc virus của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tuy nhiên, hãng thông tấn này và các cơ quan truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng ở phương Tây. Cơ quan này đã đăng ký một đại diện ngoại quốc hồi năm ngoái theo lệnh của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Đây cũng là một trong 15 hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc được Hoa Kỳ chỉ định là cơ quan đại diện ngoại quốc, cùng với China Daily và đài truyền hình Anh ngữ CGTN.
Ông Kokbore nói rằng người Mỹ cần phải “nói không” với chính quyền Trung Quốc.
Cho rằng Bắc Kinh hạn chế nghiêm ngặt rất nhiều hoạt động của các cơ quan truyền thông của Mỹ và các hãng thông tấn ngoại quốc khác ở Trung Quốc, ông Kokbore đã đặt câu hỏi tại sao Hoa Thịnh Đốn lại trao nhiều quyền tự do cho các cơ quan truyền thông của chế độ này ở Hoa Kỳ.
“Tại sao chúng ta phải để các phương tiện truyền thông Trung Quốc tự do tuyên truyền tư tưởng cộng sản? Điều này không nên xảy ra.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: