Truyền thông phương Tây phớt lờ những điểm yếu trong hệ thống kinh tế tập trung của Trung Quốc
Truyền thông phương Tây thường phớt lờ những điểm yếu tiềm ẩn trong hệ thống kinh tế tập trung từ trên xuống dưới của Trung Quốc. Các nhà báo và các nhà bình luận thường mô tả những điểm yếu này là điểm mạnh. Họ mô tả các dự án của Trung Cộng với sự kinh ngạc. Ví dụ, một đường sắt cao tốc dài hàng dặm, một đầu máy hỏa xa sáng bóng, hoặc một cuộc diễu hành quân sự chỉnh tề, thành phố dường như phát triển chỉ trong một đêm, khắp mọi nơi đều là những dãy nhà chung cư cao tầng và tàu điện ngầm.
Những ví dụ như vậy nhiều không kể xiết. Các nhà quan sát so sánh những dự án xây dựng khổng lồ này với hệ thống thị trường dường như hỗn loạn và thiếu tập trung ở Hoa Kỳ, gợi ý rằng Hoa Kỳ nên bắt chước cách làm của Trung Cộng, hoặc dự đoán với nỗi lo sợ rằng Trung Cộng cuối cùng sẽ giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Thực tế là, những dự án lớn của Trung Cộng, mặc dù nhìn thì khiến người ta rất ấn tượng, nhưng nó cho thấy xu hướng lãng phí của hệ thống kinh tế tập trung, và là dấu hiệu cho sự thất bại cuối cùng của hệ thống này, chứ không phải là chiến thắng.
Điều mỉa mai nhất với những tin tức nể sợ và tâng bốc Trung Cộng là, loại tình huống đó đã từng xảy ra trước đây đối với hệ thống này. Về số phận của hệ thống kinh tế tập trung, lịch sử luôn kể cho chúng ta những câu chuyện khác với [câu chuyện] của các phóng viên, trong đó có hai ví dụ nổi bật. Vào những năm 1950 và 1960, rất nhiều nhà báo và nhà bình luận của châu Âu và Hoa Kỳ mặc dù phản đối chính quyền Liên Xô đàn áp chính trị và xã hội, nhưng lại ngưỡng mộ và nể sợ hệ thống kinh tế kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô.
Cũng giống như thái độ của thế hệ phóng viên mới đối với mô hình Trung Quốc, thế hệ phóng viên cũ trước đây tin rằng, mô hình của Liên Xô chu toàn và hiệu quả hơn so với nền kinh tế thị trường phi tập trung mà Hoa Kỳ đang dựa vào. Hơn nữa nó đã làm tốt hơn trong việc huy động các nguồn lực quốc gia, và đạt được các mục tiêu kinh tế quan trọng. Vào năm 1960, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã nói tại Liên Hiệp Quốc rằng: “Chúng tôi sẽ chôn vùi các ông” (Nguyên ý tiếng Nga là, chủ nghĩa xã hội cuối cùng sẽ chiến thắng chủ nghĩa tư bản). Những phóng viên biết rằng ông ta đang nói về sản xuất kinh tế chứ không phải đe dọa hạt nhân, và rất nhiều người trong số họ có xu hướng đồng ý với quan điểm của Khrushchev. Sau khi đọc phần giới thiệu về nền kinh tế Liên Xô, những người bình thường cũng cảm thấy như vậy.
Vào những năm 1980, sự thất bại của chế độ Liên Xô càng ngày càng rõ, thế hệ phóng viên mới không hề nản lòng trước những bằng chứng thất bại từ Moscow, họ bắt đầu ngưỡng mộ kế hoạch và sự kiểm soát tập trung của Nhật Bản. Mặc dù mô hình Nhật Bản khác xa với chủ nghĩa cộng sản, nhưng nền kinh tế Nhật Bản là được vận hành dưới sự chỉ đạo từ trên xuống của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI).
Cũng giống như nhận thức của những người tiền nhiệm về Liên Xô, thế hệ phóng viên mới rất cân nhắc về tính hiệu quả của hệ thống do METI lãnh đạo. Khả năng phi thường của nó trong việc huy động nguồn lực lao động, vốn, trí tuệ và chọn lựa các mục tiêu dường như chủ chốt khiến các phóng viên kinh ngạc và nể sợ. Rất nhiều nhà tư tưởng Mỹ đã bị ấn tượng bởi hệ thống của Nhật Bản, đến nỗi ngay khi Tổng thống Bill Clinton nhậm chức, ông đã thúc giục lựa chọn cách tiếp cận của Nhật Bản, dùng cái mà ông gọi là “hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp” để thay thế định hướng thị trường của doanh nghiệp, cũng tương đương với hệ thống vận hành từ trên xuống dưới.
Tuy nhiên, các hệ thống này đều đã thất bại, vì các kế hoạch đòi hỏi sự hiểu biết về tương lai, mà tương lai hầu như luôn khác với khi kế hoạch được lập. Trong nỗ lực “mai táng” Mỹ và các nước phương Tây khác, Liên Xô đã tổ chức sản xuất thép và thiết bị hạng nặng. Tại thời điểm đó, sau Đệ Nhị Thế chiến, việc tập trung vào loại hình sản xuất này dường như là hoàn toàn hợp lý.
Đây đều là những hàng hóa ưa chuộng vào thời điểm đó và liên tục nằm trên đề mục tin tức. Các phóng viên phương Tây hầu như không phản đối mục tiêu mà các nhà hoạch định kinh tế tập trung đã chọn. Nhưng khi Liên Xô thành công vượt qua Mỹ trong sản xuất thép và máy móc hạng nặng, thế giới đã chuyển sang chất dẻo và cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ. Các nhà quy hoạch Nhật Bản thì làm tốt hơn một chút, sự chú trọng của họ vào ngành ôtô đã được đền đáp.
Nhưng [người Nhật] cũng đã chọn một sản phẩm phổ biến khác của thời đại đó. Họ dự định rằng, việc thống trị lĩnh vực vi mạch còn tương đối đơn giản, và đã nỗ lực rất nhiều, họ đã làm được, nhưng ý nghĩa của thành công là không lớn. Vào thời điểm đó, thế giới đã chuyển sang dùng bộ vi xử lý. Những nỗ lực của Liên Xô và Nhật Bản đều không đạt được mục tiêu, gây lãng phí lượng lớn nhân lực, thời gian, tiền bạc và tài nguyên.
Đương nhiên, hệ thống dựa trên thị trường làm cơ sở không có khả năng dự đoán tốt hơn chính phủ hoặc cánh phóng viên. Các nhà hoạch định kinh doanh thường sai lầm, dẫn đến lãng phí kinh tế rất lớn. Lợi thế của thị trường không nằm ở khả năng dự đoán cao hơn, mà nằm ở xu hướng tự nhiên nỗ lực đa dạng hóa của nó. Một số công ty chú ý đến các đề mục tin tức của ngày hôm nay; những công ty khác thì từ chối làm như vậy và kiên trì với quá khứ; còn có một số công ty tuân theo những hiểu biết nhất định, theo đuổi những điều hoàn toàn khác. Các công ty kiên trì với quá khứ cuối cùng sẽ bị đào thải, các công ty chú ý đến các tiêu đề có thể sẽ giành chiến thắng, nhưng chỉ khi họ có thể nắm bắt được xu thế phát triển trong tương lai từ trong những tiêu đề tin tức. Các công ty đi theo con đường riêng của họ có thể sẽ thất bại, nhưng nếu họ tình cờ đáp ứng được nhu cầu trong tương lai, họ sẽ chiến thắng cuộc chơi, cho bản thân họ và cho cả toàn bộ nền kinh tế.
Nền kinh tế thị trường hỗn hợp chưa bao giờ tạo ra cảnh tượng ngoạn mục là huy động mọi nguồn lực của đất nước cho một, hai hay sáu mục tiêu. Nhưng những nỗ lực đa dạng hóa tự nhiên này đã giải phóng nền kinh tế khỏi sự lãng phí khổng lồ do một quyết định tập trung sai lầm gây ra, để lại nhiều không gian hơn cho việc thử nghiệm, và làm cho nó có nhiều khả năng hơn rằng một nơi nào đó trong tổ hợp thương nghiệp, sẽ có một người thực sự nắm được tương lai.
Trung Quốc dường như bỏ qua những lợi thế của hệ thống dựa trên thị trường. Họ tập trung nỗ lực vào các vấn đề lớn và nhắm vào các mục tiêu nóng bỏng trước mắt. Kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh tìm cách thống trị các lĩnh vực như công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ và xe điện – tất cả đều là trọng tâm của các tiêu đề [tin tức] kinh tế ngày nay. Vì sự nổi bật này, các phóng viên đồng ý với hệ thống tập trung, và lo lắng về hậu quả sẽ đến dưới sự lãnh đạo của Trung Cộng.
Trung Cộng có thể gặp may mắn, tốc độ thay đổi của thời trang và công nghệ có thể sẽ chậm lại. Vì vậy chủ nghĩa tập trung ngày nay và tất cả những nguồn lực dùng để theo đuổi nó đều sẽ được đền đáp. Đến thời điểm đó, Trung Cộng có thể sẽ vượt qua Hoa Kỳ, vượt qua thị trường phi tập trung, [vốn] thiếu tính mục tiêu. Tuy nhiên, nếu thế giới chuyển hướng sang các sản phẩm khác trong vài năm cuối của thập kỷ này, nỗ lực cuồng nhiệt cho những sản phẩm đó sẽ tạo thành một sự lãng phí to lớn.
Một số người có thể cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá khứ, và chính phủ Trung Cộng đã làm công việc hoạch định tốt hơn Liên Xô, Nhật Bản hoặc vô số nền kinh tế kém nổi bật hơn từng đi theo con đường này. Tất nhiên, mọi thứ đều có thể xảy ra, nhưng những thành công hiện tại có thể không áp dụng được như họ tưởng. Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng kinh tế trong hàng thập kỷ, nhưng nền kinh tế của nước này vẫn còn rất kém phát triển. Các nhà hoạch định kinh tế có thể dễ dàng xác định những gì cần thiết để phát triển kinh tế Trung Quốc, như đường xá, cảng, đường sắt, nhà ở và những nhu cầu thiết yếu rõ ràng khác.
Nhưng thuận theo sự phát triển và phức tạp hóa của nền kinh tế Trung Quốc, hướng phát triển trong tương lai ngày càng trở nên khó xác định. Kết quả là, các nhà hoạch định Trung Quốc ngày càng mắc nhiều sai lầm, xuất hiện những thành phố ma và những chuyến tàu cao tốc dẫn đến vùng đất không người, sự lãng phí do những quyết định này gây ra đang càng ngày càng rõ ràng hơn.
Những thất bại này thể hiện rất rõ trong khoản nợ di lưu lại của nền kinh tế Trung Quốc. Những nỗ lực lớn mà lại thường sai lầm đòi hỏi mỗi một dự án đều phải đầu tư, do đó đã tạo ra gánh nặng nợ nần. Các dự án thành công có đủ lợi nhuận để bồi thường các khoản nợ. Đối với các dự án thất bại, gánh nặng nợ nần vẫn tồn tại. Chính gánh nặng nợ nần này cho thấy sự lãng phí trong thời gian gần đây.
Một điều có thể khẳng định là, Bắc Kinh đã hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ – tốt hơn nhiều so với Washington. Nhưng nợ chính phủ không đủ để thể hiện ra ảnh hưởng này. Vấn đề tài chính do các dự án thất bại mang tới treo lủng lẳng ở chính quyền địa phương, chính quyền cấp tỉnh, và các doanh nghiệp nhà nước kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp ở Trung Quốc.
Để thấy được những sai lầm của chế độ Trung Cộng, và so sánh hiệu quả với Hoa Kỳ, khoản nợ cần được theo dõi là sự kết hợp giữa nợ của chính quyền trung ương, nợ của tỉnh (hoặc châu) và địa phương, và nợ của các doanh nghiệp.
Kết quả tính toán cho thấy: Trong mười năm từ 2009 đến 2019, tổng nợ của Trung Quốc đã tăng với tốc độ hàng năm là 23%, vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế trên danh nghĩa là 8%. Sự khác biệt này cung cấp một con số sơ bộ về sự lãng phí do lỗi của người lập kế hoạch từ trên xuống dưới gây ra.
Ở Hoa Kỳ trong cùng 10 năm, chỉ số nợ này tăng khoảng 5.6% mỗi năm, chắc chắn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên danh nghĩa là 4%, nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
Gánh nặng của vấn đề này rõ ràng là về mức nợ so với tổng thể nền kinh tế. Tại Hoa Kỳ, tổng số nợ tồn đọng này gần bằng 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ở Trung Quốc, con số này là gần 220%.
Bất chấp tất cả những sai lầm và lãng phí, Trung Quốc đã phát triển thịnh vượng. Hầu hết những thành tựu này đạt được là do phương hướng trong những ngày đầu đã quá rõ ràng, hiện nay những phương hướng này đã không còn rõ ràng nữa. Hệ thống tập trung sẽ càng ngày càng dễ mắc lỗi, và ngày càng mang lại nhiều gánh nặng cho nền kinh tế. Những phóng viên và nhà bình luận cho rằng thành công của Trung Quốc là do khả năng tích hợp các nguồn lực, họ không nắm được điểm chính, giống như Nhật Bản và Liên Xô vậy, mô hình này là điểm yếu của Trung Quốc chứ không phải lợi thế của nó.
Bài viết ban đầu: When It Comes to China, Western Media Often Sees Economic Strength When There Is Weakness được đăng trên The Epoch Times.
Giới thiệu giản lược tác giả:
Milton Ezrati, cộng tác viên biên tập của tạp chí The National Interest, học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Nguồn vốn Con người của Đại học Bang New York tại Buffalo, và là trưởng ban kinh tế của Vested, một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Tác phẩm mới nhất của ông là “Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live”.
Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, và không nhất định thể hiện quan điểm của The Epoch Times.
Do Gao Jing biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: