Truyền thông nhà nước Trung Quốc nhắm vào các quan chức cố gắng ‘nhảy tàu’ trốn khỏi Trung Quốc
Cách đây 8 năm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ trích các quan chức đảng vì để cho niềm tin của họ dao động và gửi gia đình cùng tiền bạc của họ ra hải ngoại. Những người này đang cố gắng “tạo cho mình một lối thoát và chuẩn bị ‘nhảy tàu’ bất cứ lúc nào.”
Gần đây, tờ Study Times, một tờ báo do Trường Đảng Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, hay Trung Cộng) – cơ quan chuyên đào tạo các quan chức Trung Cộng – điều hành, đã nhắc lại những lời này, nói rằng một số quan chức đảng đang ở Trung Quốc về mặt thể chất, nhưng về mặt tinh thần thì lại ở hải ngoại.
“Việc này cho thấy sự mất lý tưởng và thiếu niềm tin đối với Đảng và dân tộc,” bài báo viết, cho biết thêm rằng những cán bộ như vậy dễ bị “mất phương hướng” và “đi xa trên con đường sai lầm”.
Những quan chức như vậy được gọi là các “quan chức khỏa thân” (nguyên văn Hoa ngữ là lõa quan), một thuật ngữ tượng trưng ý nói rằng họ không để bất cứ thứ gì ngoài bản thân mình ở quê nhà.
Honesty Outlook, một tờ nguyệt san chống tham nhũng do nhà nước điều hành ở tỉnh Tứ Xuyên, năm 2016 đã mô tả các chiến lược thoát thân mà các quan chức tham nhũng của Trung Cộng sử dụng là kế “ve sầu thoát xác”. Nếu vì bất kỳ lý do gì họ cần nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc, họ sẽ bí mật thu xếp cuộc sống ở hải ngoại, bao gồm cả việc mua nhà đứng tên các thành viên trong gia đình và để họ định cư ở đó, sau đó quan chức này sẽ đào tẩu.
Bài báo của Study Times nêu rõ rằng mặc dù ban đầu các quan chức khỏa thân có thể không tham nhũng, nhưng họ có xu hướng tham nhũng cao hơn. Bài báo đã nêu tên ba quan chức như vậy để minh chứng quan điểm này.
Ông Tào Giám Liệu (Cao Jianliao), cựu phó thị trưởng thành phố Quảng Châu, đã lợi dụng chức vụ của mình để nhận hối lộ hơn 70 triệu nhân dân tệ (khoảng 11 triệu USD) và lấy thẻ cư trú Hồng Kông và Ma Cao cho bản thân và gia đình.
Ông Văn Dân (Wen Min), cựu giám đốc Văn phòng Khoa học Quốc phòng và Công nghiệp ở Mông Cổ, đã tìm cách mua nhà ở cho con gái mình ở Melbourne, Úc, sau khi chuyển tiền qua một thị trường tiền tệ ngầm. Ông đã có 36 bất động sản tại nhiều nơi khác nhau ở Trung Quốc, theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng đứng đầu của Trung Quốc. Cơ quan này đã công bố kết quả điều tra ông Văn hồi tháng Bảy năm ngoái.
Người thứ ba, ông Trương Thự Quang (Zhang Shuguang), là cựu giám đốc Cục Vận tải thuộc Bộ Đường sắt Trung Quốc. Ông đã thu xếp để vợ con mình di cư ra hải ngoại.
Hiện cả ba đều bị buộc tội tham ô, chịu mức án từ 18 năm đến tù chung thân.
Bài báo cho biết, cần thường xuyên tự công khai thông tin, giám sát công khai sát sao hơn, và hợp tác quốc tế để ngăn cản những quan chức này thực hiện các hành vi tham nhũng.
Các quan chức phải “đặt mình trong ‘lồng’ của hệ thống từ đầu đến cuối,” bài báo nói khi kêu gọi một thái độ “không khoan nhượng” đối với những kẻ tham nhũng đào tẩu.
Cuộc khảo sát nội bộ của Trung Cộng năm 2012 phát hiện có ít nhất 85% quan chức trong ban lãnh đạo cao nhất của nhà cầm quyền này đã chuẩn bị các chiến lược thoát thân cho gia đình và tài chính của họ, ông Tân Tử Lăng (Xin Ziling), một quan chức quốc phòng Trung Quốc đã về hưu, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
Theo dữ liệu do Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc công bố vào năm 2016, Trung Quốc có khoảng 7 triệu công chức vào năm 2015. Bộ này đã không công bố dữ liệu mới hơn kể từ đó.
Hiện không rõ có bao nhiêu “quan chức khỏa thân” trong số đó. Năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã kỷ luật hơn 3,200 quan chức khỏa thân. Khoảng 1,000 người trong số họ đã bị giáng chức vì không đưa được người thân đang sống ở nước ngoài về nước.
Vào đêm trước của Phiên họp Toàn thể lần thứ Sáu của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19, tờ Study Times đã chỉ trích mạnh mẽ “các quan chức khỏa thân” vì những hành vi đáng nghi vấn của họ. Vì phiên họp này là một tiền đề để xác định nhân sự cao cấp nhất cho Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20, bài báo đã thúc đẩy một cuộc điều tra xem liệu có nên thay thế hay không đề bạt một số quan chức hay không.
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một chuyên gia về các vấn đề thời sự của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times, “các phương tiện truyền thông của Đảng đã tiết lộ rằng các quan chức Trung Cộng không tin tưởng vào Đảng, và ông Tập biết rằng họ có thể bỏ trốn bất cứ lúc nào. Điều đó cho thấy một niềm tin chung trong giới viên chức Trung Quốc rằng Đảng này sắp kết thúc.”
Ông lưu ý rằng hơn 380 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi các tổ chức liên kết với Đảng bằng cách sử dụng bí danh, bao gồm cả một số quan chức Trung Cộng.
“Rõ ràng là ĐCSTQ đã trở nên tuyệt vọng,” ông nói.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc Lan Thuật (Lan Shu) nói với The Epoch Times rằng, ông Tập đang cố gắng điều chỉnh suy nghĩ ương ngạnh của các đảng viên và thống nhất họ trước Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 vào năm tới, khi ông tìm cách đạt được nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba.
Ông Triệu Viễn Minh (Zhao Yuanming), một chuyên gia pháp lý cao cấp trước đây từng giảng dạy tại Đại học Công an Nhân dân có trụ sở tại Bắc Kinh, một cơ sở giáo dục cao cấp của nhà nước chuyên đào tạo các sĩ quan cảnh sát ưu tú cho Trung Quốc, nhận thấy ông Tập đang nhấn mạnh vào niềm tin vào Đảng.
Ông nói với The Epoch Times, “Có một câu nói trong dân gian rằng nếu anh bắn hạ tất cả những quan chức này từng người một, thì ai đó có thể sẽ bị xử sai, nhưng nếu anh bắn hạ theo từng tốp, thì sẽ có những kẻ lọt lưới. Đây là mức độ thối nát bên trong chế độ Trung Cộng.”
Bà Winnie Han đưa tin về Trung Quốc cho The Epoch Times.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: