Truyện cổ Trung Hoa: Tu tâm sửa tính, chuyển họa thành phúc
Vào triều đại nhà Minh, ông Du Lương Thần cùng các bạn đồng học đã lập một hội nhóm, nơi mọi người làm việc thiện, cấm sát sinh, bỏ tà dâm, ngôn hành có chừng mực, không buông lời thị phi sau lưng người khác.
Cứ như vậy, ông Du đã vận hành hội nhóm này trong nhiều năm, tuy nhiên hết lần này đến lần khác ông lại gặp phải những điều bất hạnh. Ông Du đã tham dự bảy kỳ khoa thi nhưng không lần nào đỗ đạt.
Hai vợ chồng ông Du có chín người con — năm người con trai và bốn người con gái — tuy nhiên bốn người con trai và ba người con gái đều đoản mệnh. Chỉ còn lại người con trai cuối cùng tư chất rất thông minh, có hai vết bớt ở gót chân trái, vì thế hai ông bà hết mực yêu thương cậu. Nhưng đáng buồn thay, năm cậu lên 6 tuổi đã mất tích trong một lần đi rong chơi ở ngoài thôn. Trước nỗi đau mất con, vợ ông Du đau buồn khóc thương đến mức trở nên mù lòa.
Hơn nữa, gia cảnh của nhà ông Du lúc bấy giờ rất nghèo khó.
Ông Du tự hỏi, bản thân ông chưa từng làm điều sai trái, cớ sao số phận lại bị trừng phạt đến thê thảm như vậy.
Vị khách không mời mà đến
Năm ông Du 47 tuổi, vào một buổi tối nọ, ông nghe thấy có tiếng gõ cửa. Ông Du nhìn thấy có một ông lão đang đứng ngoài cửa. Sau khi ông Du mời ông lão vào nhà, ông lão cho hay ông ghé qua vì biết gia đình ông Du đang có chuyện buồn phiền.
Ông Du để ý thấy phong thái nói chuyện của ông lão này không giống như một người tầm thường, do đó ông đã tiếp đãi ông lão hết sức kính cẩn. Ông Du nói với ông lão rằng mình cả đời chăm chỉ đèn sách và chuyên hành thiện sự nhưng vẫn gặp phải bất hạnh trong cuộc sống.
“Từ lâu, ta đã biết về gia đình của anh,” ông lão nói. “Anh có quá nhiều suy nghĩ xấu xa, anh hay oán trách và truy cầu danh lợi, và anh đã bất kính với Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ta e rằng còn có nhiều sự trừng phạt nữa đang chờ anh.”
Ông Du kinh ngạc nói: “Tôi biết rằng những việc làm thiện và ác của một người đều được ghi chép tường tận. Tôi đã phát lời thề làm việc thiện cho người khác và ước thúc hành vi của bản thân. Sao tôi có thể truy cầu danh lợi chứ?”
Ông lão trả lời: “Anh nói anh không sát sinh, nhưng anh liên tục nấu món cua và tôm hùm trong bếp. Anh nói anh cẩn trọng lời nói, nhưng anh luôn châm biếm mỉa mai, chọc giận rất nhiều thần linh. Anh nói anh không làm chuyện tà dâm, nhưng anh động tâm mỗi khi nhìn thấy mỹ nữ.”
“Điều tệ hơn nữa là, anh còn tuyên bố anh chuyên tâm hành thiện. Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phái một sứ giả đi kiểm tra những điều ghi chép về anh, và anh không làm một việc thiện nào trong rất nhiều năm.”
Ông lão nói tiếp: “Ngược lại, những suy nghĩ của anh toàn là tham lam, dục vọng, và đố kỵ. Anh đề cao bản thân mình bằng cách xem thường những người khác. Anh mong muốn trả thù mỗi khi nhớ về quá khứ. Với tâm ý hiểm độc nhường này, anh không thể thoát khỏi tai họa. Vậy mà anh còn dám cầu xin sự bảo hộ sao?”
Ông Du hốt hoảng nói: “Thưa thầy, ngài biết rõ mọi chuyện về tôi. Chắc hẳn ngài là một Thánh nhân! Xin ngài hãy cứu tôi!”
Ông lão bèn khuyên nhủ: “Ta hy vọng anh có thể buông bỏ tâm tham, sắc tâm, đố kỵ, và nhiều dục vọng khác. Anh chớ truy cầu danh lợi. Nếu làm được thì anh sẽ đắc phúc báo.” Nói xong, ông lão liền biến mất.
Thiện hữu thiện báo
Ngày hôm sau, ông Du cầu xin thiên thượng và phát lời thề sẽ thay đổi bản thân. Ông hạ quyết tâm trừ bỏ tất cả những suy nghĩ bất chính, và tự đặt cho mình một tên gọi bên Đạo gia: “Tĩnh Ý Đạo nhân.” (净意道人)
Từ đó trở đi, ông đã chú ý từng tư từng niệm và hành vi của bản thân. Ông đối đãi với hết thảy những việc ông làm, dù là việc lớn hay việc nhỏ, đều mang đến lợi ích cho người khác. Hễ có cơ hội thì ông chia sẻ với mọi người về luật nhân quả báo ứng.
Lúc 50 tuổi, ông Du được mời làm gia sư cho con trai của Trương Cư Chính, là Tể tướng của Hoàng đế Vạn Lịch. Ông Dư cùng gia đình đã chuyển chỗ ở lên kinh đô, và ông cũng thi đỗ khoa cử vào năm tiếp theo.
Một ngày nọ, ông Du đã ghé thăm thái giám Dương Công và gặp gỡ năm người con trai nuôi của ông Dương. Một người con trai của vị thái giám này — năm đó tròn 16 tuổi — trông rất quen thuộc với ông Du. Ông Du được biết cậu bé này sinh cùng quê với mình, là người Giang Hữu, nhưng sau khi bị thất lạc gia đình từ nhỏ, cậu bé tình cờ đã lên một con thuyền vận chuyển lương thực.
Ông Du bảo cậu bé cởi chiếc giày bên trái cho ông xem. Khi ông Du nhìn thấy hai vết bớt bên dưới gót chân của cậu bé, ông mừng rỡ thốt lên: “Con chính là con trai của ta!”
Vị thái giám hết sức kinh ngạc, cảm thấy vui mừng thay cho hai cha con, ngay sau đó ông đã đưa cậu bé về nhà họ Du. Ông Du vội chạy về nhà báo tin tốt lành cho thê tử biết. Thê tử ông khóc nức nở, đến nỗi đôi mắt của bà rỉ máu. Cậu con trai nâng niu gương mặt và hôn nhẹ lên đôi mắt của mẫu thân. Bỗng nhiên, mẫu thân của cậu đã nhìn thấy trở lại.
Ông Du đã vượt qua hết thảy cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Ông cũng không còn ham muốn làm quan to và đã xin cáo lão hồi hương. Để tôn vinh nhân cách cao đẹp của ông Du, Tể tướng họ Trương đã chấp thuận yêu cầu của ông và ban tặng lễ vật hậu hĩnh cho ông.
Sau khi trở về quê nhà, ông Du đã cố gắng làm việc chăm chỉ hơn nữa vì lợi ích của mọi người. Cậu con trai của ông cũng lập gia đình và có bảy người con, những người cháu này đã tiếp nối truyền thống của ông nội. Thông qua câu chuyện của nhà họ Du, mọi người thực sự tin rằng luật nhân quả là điều có thật.
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times