Truy vết “gợn sóng âm”
“Tôi nghe thấy các tần số. Tôi nghe thấy âm thanh của lực năng lượng không đổi của phóng tĩnh điện. Tôi còn nghe thấy các âm thanh khác xen lẫn trong những âm thanh đó. Cao độ và âm sắc có thay đổi, nhưng bản chất của âm thanh mà tôi buộc phải chịu đựng 24/7 được phân biệt khá rõ và nó… ngày càng trở nên rõ nét hơn”, cô Demetria Hardin ở San Joaquin Valley, California cho biết.
“Các tần số này có vẻ như đã tác động lên cơ thể tôi, dường như chúng làm cho tim tôi đập nhanh lên, điều đó tạo nên các tác động khác lên cơ thể tôi,” cô tiếp tục: “Tùy thuộc vào cao độ, cơ thể tôi có thể bị các triệu chứng như bị mất ngủ kinh niên hoặc mệt mỏi mãn tính. Cả hai triệu chứng này dường như đều có tác động khiến tôi không thể ngủ ngon. Tôi không bao giờ cảm thấy mình ngủ đủ giấc. Chưa bao giờ. Bản năng cho tôi biết nó liên quan đến những tần số mà tôi đang nghe thấy.” Miêu tả này là một ví dụ về những gì hàng ngàn người ngày này qua ngày khác (đêm này qua đêm khác) dường như đang buộc phải chịu đựng, sống trong cái bóng vô hình của một sự khó chịu ít được biết đến với tên gọi “Hum” (gợn sóng âm).
“Tiếng động cơ diesel nghe từ đằng xa” là một trong những định nghĩa theo lời mô tả của một lượng đáng kể những người khốn khổ vì Hum. Nó thường được gọi là “Taos Hum”, theo lời kể của nhiều người đến từ thành phố New Mexico đang phải chịu đựng âm thanh liên tục này. Đó là những âm thanh liên tục và đơn điệu, với tần số thấp và buồn tẻ, dường như nó đang dồn dập tác động đến cư dân trên khắp hành tinh.
Ngày càng có nhiều báo cáo về hiện tượng Hum này, bắt đầu từ những năm 1990, khi phương tiện truyền thông địa phương đưa tin về một làn sóng những người bị Taos Hum. Tuy nhiên, ngay từ những năm 70 và 80, những người nghe thấy Hum từ New Zealand cho đến Vương quốc Anh đã kể về một loại âm thanh liên tục không dứt. Có người cho biết rằng họ bắt đầu nghe thấy âm thanh này từ những năm 1960.
“Tôi đã khốn khổ bởi Hum trong suốt 15 năm qua, nhưng điều đó không có gì bất thường; vấn đề này đã gây rắc rối trong ít nhất 40 năm,” John Dawes cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua email. Trang web của Dawes dành riêng cho những người đang khổ sở vì Hum trên khắp thế giới, để họ biết rằng họ không đơn độc.
Những người nghe thấy Hum ở các địa phương nhắc đến âm thanh đặc trưng của thành phố nơi họ sống — ví dụ họ gọi là “Bristol Hum” hoặc “Kokomo Hum”. Tuy nhiên, Hum không chỉ là một hiện tượng đơn độc xảy ra tại một vài địa điểm cơ bản như một số người vẫn tin; Dawes cho rằng Hum có mặt trên toàn cầu nhưng vì lý do nào đó chỉ làm xáo trộn sự bình yên của một số người nhất định, vào những giờ nhất định trong ngày. Theo Dawes, 1~2% dân số thế giới đang phải chịu đựng tiếng ồn bí ẩn này.
Xác định nguyên nhân
“Đây không phải đơn giản chỉ là ảo giác thính giác hay chứng ù tai chứ?” câu hỏi được đặt ra bởi một số người đang cố lý giải hiện tượng mà họ chưa từng trải nghiệm. Điều này không chắc lắm vì trong nhiều trường hợp có vài thành viên trong gia đình có thể nghe thấy tiếng ồn.
Nhiều cuộc điều tra đã cố gắng xác định hoặc đưa ra lời giải thích phù hợp cho nguồn gốc bí ẩn của Hum, nhưng vẫn chưa thể thuyết phục được mọi người. Tuy nhiên, hậu quả đối với những người phải chịu đựng âm thanh này rất rõ ràng: Sự can nhiễu của “động cơ diesel” trong đầu họ biến đổi từ một sự phiền phức đơn giản trở thành một cuộc tra tấn thực sự ngăn trở cuộc sống bình thường của họ.
Khi nào thì Hum tấn công người ta? Phạm vi nghe thấy Hum dường như khác nhau tùy thuộc mỗi người. Một số nghe thấy nó vào ban ngày, số khác chỉ nghe thấy nó vào một thời điểm cụ thể, và nhóm khác nữa lại nói rằng Hum có thể đến và đi không theo khuôn mẫu nào. Tuy nhiên, phần lớn những người mắc chứng Hum đều thấy rằng “âm thanh” là phiền toái lớn nhất trong đêm, khiến giấc ngủ trở nên vô cùng khó khăn.
Những lời giải thích cho hiện tượng Hum kỳ lạ được tìm thấy ở các vùng như Kokomo, Indiana, được cho là do các nhân tố có nguồn gốc liên quan đến ngành công nghiệp. Ví dụ: các tháp làm lạnh ở bến cảng thành phố hoặc các máy nén khí lớn có khả năng tạo ra tiếng ồn ở tần số thấp, đêxiben cao, có thể truyền âm thanh một cách tinh vi trên trái đất, tấn công các tòa nhà dân cư.
Ở các khu vực khác, giả thuyết Hum đề cập đến các yếu tố tự nhiên của trái đất, chẳng hạn như chuyển động của các mảng kiến tạo, lực điện từ do thiên thạch gây ra và sóng điện từ được tạo bởi sự tương tác giữa từ trường hành tinh với các tia sáng mặt trời.
Mặc dù vậy, nguồn gốc của Hum khó có thể phát hiện nếu không có những micro nhạy cảm nhất, đây là một bí ẩn thực sự đối với các nhà khoa học và hàng loạt khả năng cho các nhà điều tra.
Vào tháng 11/2006, Tiến sĩ Tom Moir, một giáo sư kỹ thuật tại Viện Khoa học Thông tin và Toán học của Đại học Massey ở New Zealand đã thực hiện một bản ghi âm Hum. Bằng cách sử dụng thiết bị ghi âm kỹ thuật số với độ nhạy cao, Tiến sĩ Moir và đồng nghiệp của ông, Tiến sĩ Fakhrul Alam, đã ghi lại âm thanh phiền phức này tại nhà một sinh viên — một người bị Hum quấy nhiễu.
Khi tin tức về đoạn ghi âm này được công bố, mọi người ở phía bắc của Auckland cũng xác nhận rằng họ bị ám ảnh bởi cùng một âm thanh đơn điệu như vậy. Giống như ở Taos và các địa điểm khác, phản hồi này đáng chú ý đến mức tiếng ồn bí ẩn nhanh chóng được đặt tên là “Auckland Hum.”
Ông Dawes mô tả lý thuyết của mình rằng, “Bất cứ nơi nào có hệ thống lưới điện cao áp, nhiều khả năng bạn sẽ tìm thấy những người mắc chứng Hum. Sự thật đơn giản là thông qua việc sử dụng điện, chúng ta đang thay đổi môi trường của hành tinh, điều này khiến cho mọi người ốm – không chỉ đối với những người nghe thấy tiếng ồn này. Chúng ta có thể không thích nó nhưng nó vẫn diễn ra, và khi ngày càng nhiều quốc gia tham gia vào cuộc đua để trở nên tiên tiến hơn, tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Đây không phải là vấn đề mà cá nhân có thể giải quyết; nó là một vấn đề chỉ có chính phủ mới có thể giải quyết.” Dawes thậm chí còn cho rằng âm thanh Hum không chỉ gây phiền phức cho nhiều người, mà nó còn phải chịu trách nhiệm cho một số trường hợp tử vong.
Một trong những lời giải thích khả dĩ ban đầu về Hum đó là do liên lạc của các tàu ngầm quân sự, chẳng hạn như ELF (Tần số cực thấp). ELF bao gồm một dải tần số có khả năng vượt qua đất liền và biển theo bất kỳ hướng nào.
Một lời giải thích khác đó là do các hệ thống tầng điện ly tần số cao được xây dựng trên khắp Hoa Kỳ, Nga hoặc Na Uy, chẳng hạn như HAARP (Chương Trình Nghiên Cứu Cực Quang Hoạt Động Tần Số Cao), được phát triển lần đầu tiên ở Alaska vào năm 1993. Trong khi nhiều người cho biết đã nghe thấy Hum từ rất lâu trước khi dự án HAARP được xây dựng, có lẽ tín hiệu của nó cùng tạp âm của các tần số đã xâm nhập vào thế giới của chúng ta trong vài thập kỷ qua chỉ là một mảnh ghép khác trong một ẩn đố âm thanh phức tạp — ẩn đố đã gây ra một hậu quả vô tình ảnh hưởng ngày một nhiều ở mọi thời điểm.
“Có hàng triệu người phải chịu đựng Hum trên khắp thế giới, và nếu họ muốn vấn đề này được giải quyết, họ cần phải đứng lên bày tỏ quan điểm của mình. Cách duy nhất để xúc tiến nó là thông qua các đại diện dân cử của họ,” Dawes nói. “Thật không may là, dân chúng có cảm giác rằng nếu một chủ đề được giới truyền thông phát sóng thì ‘một cái gì đó sẽ được thực hiện’ nhưng chẳng có gì xảy ra; với các phương tiện truyền thông liên quan thì nó chỉ là thêm một câu chuyện mà thôi.”
Tìm kiếm giải pháp
Đối với những người bị Hum, kẻ quấy rối dai dẳng này có thể khiến cuộc sống của họ trở nên khốn khổ. Những giải pháp hiển nhiên như nút tai thậm chí có thể làm cho âm thanh trở nên tồi tệ hơn. “Cần phải hiểu rõ rằng Hum KHÔNG phải là tiếng ồn theo nghĩa thông thường của từ này; nó là một âm thanh được tạo ra trong đầu của người bị bệnh,” Dawes nhận xét trên trang web của mình. “Chỉ một tỷ lệ nhỏ người dân có thể thực sự nghe thấy Hum nhưng chắc chắn nguyên nhân gây ra tiếng ồn này sẽ ảnh hưởng đến một số lượng lớn dân chúng. Hầu hết những người mắc bệnh này bắt đầu nghe thấy Hum từ khoảng 50 tuổi và hơn 2/3 trong số họ là phụ nữ.”
Để tăng thêm sự bí ẩn về nguồn gốc của Hum, những người mắc bệnh này thường nói rằng tại một số địa điểm nhất định trong thị trấn hoặc trong nhà của họ, dường như phát ra âm thanh sâu hơn — bên trong một số tòa nhà nhất định, ở ngoài trời hoặc trong các phòng phía xa hơn của cùng một ngôi nhà. Những người bị Hum thường phải chọn nơi ít bị ảnh hưởng nhất trong nhà để có được một giấc ngủ quý giá trong vài giờ.
“Các tòa nhà và nền móng của nó tác động lớn đến cường độ của Hum. Những tòa nhà có tường đá dày với mái nhọn và cao thì tồi tệ nhất; những ngôi nhà mái bằng thì tốt hơn nhiều. Tầng hầm của một khu nhà nhiều tầng tốt hơn một ngôi nhà nhỏ kiểu nông thôn biệt lập. Các tòa nhà nền thấp làm bằng đất sét đỡ hơn so với các tòa nhà làm bằng đá tảng nằm trên đồi cao”, Dawes giải thích và đưa ra lời khuyên hữu ích về chế độ ăn uống cho những người bị Hum, những người đang tuyệt vọng muốn thoát khỏi tiếng o o liên tục này.
Dawes nói: “Tốt nhất là dành thời gian ở ngoài trời càng nhiều càng tốt, và nếu được, hãy ngủ ở ngoài trời.”
Do Leonardo Vintini thực hiện
Ngọc Anh biên dịch
Qúy vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: