‘Trường Xuân’: 18 người dũng cảm chèn sóng truyền hình để nói lên sự thật ở Trung Quốc
Bộ phim tài liệu hoạt hình do một nghệ sĩ người Canada sản xuất lên sóng tại Hot Docs tuần này
Một bộ phim mới do Canada sản xuất kể câu chuyện về hành động dũng cảm phi thường của một nhóm công dân Trung Quốc, những người đã chèn sóng truyền hình để phát đi những thông tin chưa qua kiểm duyệt ở Trung Quốc, và kể về kết cục theo sau hành động này. Phim tài liệu này đã dệt nên những câu chuyện cá nhân về lòng dũng cảm đồng thời truyền cảm hứng về sự hy sinh và đức tin. Bộ phim đã dẫn đầu trong cuộc bình chọn giải thưởng của khán giả kể từ khi công chiếu tại Toronto vào ngày 03/05.
Bộ phim “Trường Xuân”, do ông Jason Loftus người Toronto đạo diễn, là một bộ phim tài liệu hoạt hình khắc họa lại sự kiện chèn sóng đài truyền hình nhà nước Trung Quốc vào năm 2002. Câu chuyện và hình ảnh động được nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc Quách Cạnh Hùng (Guo Jingxiong, nghệ danh Đại Hùng-Daxiong) thiết kế, người đã cố gắng chắp nối lại các sự kiện xảy ra 20 năm trước tại quê hương mình, nơi ông và các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công trở thành mục tiêu của một cuộc bức hại tàn bạo do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ thị vào cuối những năm 1990.
Hôm 04/05, “Trường Xuân” đã đứng đầu danh sách các tác phẩm được khán giả yêu thích nhất cho Giải thưởng do Khán giả Bình chọn của Hot Docs, được trao bởi Liên hoan Phim Tài liệu Quốc tế Canada Hot Docs, một trong những liên hoan phim tài liệu lớn nhất ở Bắc Mỹ.
Phim tài liệu này dựa trên câu chuyện của 18 học viên Pháp Luân Công, những người đã chèn tín hiệu vào một mạng lưới các kênh truyền hình cáp của nhà nước vào ngày 05/03/2002, tại thành phố Trường Xuân, thuộc tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. Sau khi chèn sóng thành công, họ đã cho phát sóng liên tiếp hai chương trình có tên là “Tự thiêu hay là vở kịch?” và “Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền khắp thế giới” đồng thời trên tám kênh truyền hình [ở Trường Xuân] trong khoảng 45 phút.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định khoan thai và các bài giảng dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, được giới thiệu ra công chúng lần đầu tiên vào năm 1992 tại Trung Quốc. Rất nhanh chóng, môn tập này đã trở nên phổ biến trong quần chúng nhân dân do những lợi ích sức khỏe cả về tâm lẫn thân mà pháp môn này đem đến cho mọi người. Theo ước tính chính thức của Trung Quốc, đến năm 1999, môn tập này đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người theo học.
Tuy nhiên, lãnh đạo đương thời của ĐCSTQ là Giang Trạch Dân coi sự phổ truyền rộng rãi đó là một mối đe dọa đối với sự cai trị toàn trị của nhà cầm quyền, và vào ngày 20/07/1999, đã tiến hành một chiến dịch thù hận và đàn áp bạo lực đến các học viên [Pháp Luân Công] trong một nỗ lực nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Vào ngày 23/01/2001, Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ đã phát một đoạn phim ngắn quay cảnh năm người tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Tân Hoa Xã ngay lập tức cáo buộc rằng năm người này là học viên Pháp Luân Công, rằng họ đã tự thiêu trong một nỗ lực tự sát với động cơ tôn giáo, trong khi môn tập này lại cấm chỉ sát sinh và tự sát. ĐCSTQ đã lợi dụng cái gọi là màn tự thiêu này để cho thế giới thấy rằng Pháp Luân Công là “tà giáo” đáng bị xóa sổ.
Dẫu cho đoạn phim này để lộ rất nhiều những sơ hở, mà sau đó đã bị các nhà nghiên cứu và truyền thông quốc tế phản đối, nhưng bản phóng sự về vụ tự thiêu được dàn dựng này của Tân Hoa Xã đã làm nên một thắng lợi lớn trong hoạt động tuyên truyền của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Công. Nhiều người dân Trung Quốc bắt đầu chủ động quay lưng lại với đồng nghiệp, hàng xóm, và thậm chí cả người thân trong gia đình — những người tập Pháp Luân Công, tin rằng môn tập này thực sự nguy hiểm.
18 học viên Pháp Luân Công đã chèn sóng truyền hình nhà nước để phát sóng thông tin lật tẩy phóng sự tường thuật [giả dối] của Tân Hoa Xã. Chương trình đưa những thông tin chân thật về chiến dịch bức hại Pháp Luân Công này đã được phát sóng đồng thời trên tám kênh cho 300,000 thuê bao truyền hình cáp ở Trường Xuân.
Trong vòng vài ngày sau nỗ lực chèn sóng ở Trường Xuân — tên tiếng Trung của bộ phim tài liệu — hơn 5,000 học viên Pháp Luân Công trong thành phố và khu vực lân cận đã bị chính quyền bắt giữ trong một cuộc truy quét lớn. Ít nhất bảy người trong số họ bị đánh đập đến tử vong vài ngày sau đó.
Mối đe dọa từ Bắc Kinh
Ông Loftus cho biết chính quyền Trung Quốc đã đe dọa các thành viên trong gia đình ông ở Trung Quốc, đồng thời làm gián đoạn công việc của ông trong quá trình sản xuất bộ phim này.
Ông Loftus và họa sĩ Quách Cạnh Hùng — người từng vẽ truyện tranh Justice League và Star Wars — đã làm việc cùng nhau để phát triển một trò chơi điện tử nhiều năm trước, và đại công ty công nghệ Trung Quốc Tencent đã xuất bản trò chơi này.
“Nhưng trong quá trình làm bộ phim này, … chính quyền Trung Quốc đã liên lạc với các đối tác kinh doanh của tôi tại Tencent, buộc họ phải dừng làm ăn với công ty của tôi, và họ đã hủy bỏ hợp đồng xuất bản của chúng tôi, ngay khi chúng tôi ra mắt trò chơi điện tử của mình,” ông Loftus nói The Epoch Times tại buổi công chiếu bộ phim vào ngày 03/05.
“Cùng lúc đó, các thành viên trong gia đình vợ tôi vẫn sống ở Trung Quốc đã được Sở cảnh sát gọi tới, họ bị đe dọa với giọng điệu, ‘Này, chúng tôi biết mấy người định làm gì ở hải ngoại.’ Vì vậy, khi mọi người nói chuyện mà nói về Trung Quốc hay nói về các câu chuyện nhân quyền ở Trung Quốc thì không hề đơn giản, đó là sự thật. Chắc chắn phải đối mặt với hậu quả.”
Tuy nhiên, ông Loftus cho biết ông được truyền cảm hứng từ những người đã hy sinh rất nhiều để lên tiếng bảo vệ sự thật, và điều quan trọng là phải dám nói ra những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Ông giãi bày, “Tôi được truyền cảm hứng bởi những nhân vật mà chúng tôi gặp gỡ trong bộ phim này, trong câu chuyện này, đó là điều thực sự khiến tôi xúc động. Quý vị thấy họ đã hy sinh nhiều đến mức nào và những gì họ đã trải qua để có thể lên tiếng và có thể nói ra sự thật. Và vì vậy tôi cảm thấy như chúng ta phải sử dụng sự tự do mà chúng ta có để nói thay lời của họ, để có thể lan tỏa câu chuyện đó đến với nhiều người hơn.”
“Chúng tôi làm điều này để có thể chia sẻ câu chuyện đó với mọi người, để mọi người có thể nói về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, về những gì các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng, về những gì đang tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc, trong đó một số các nhóm bên trong Trung Quốc vẫn đang bị Đảng Cộng sản đàn áp, và chúng tôi chỉ muốn có thể chia sẻ điều đó theo một cách thực sự độc đáo và mang tính nghệ thuật, và hy vọng rằng đây sẽ là một bộ phim cảm động và chinh phục [được khán giả].”
Anh Andrew Chen là phóng viên của The Epoch Times tại Toronto.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: