Trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga tuyên bố công dân Hoa Kỳ sẽ cảm nhận được ‘hậu quả’
Ông Anatoly Antonov, đại sứ của Nga tại Hoa Kỳ, tuyên bố rằng người Mỹ sẽ “cảm nhận được hậu quả” của các lệnh trừng phạt của Tòa Bạch Ốc đối với Nga vì quyết định của Moscow công nhận độc lập cho hai khu vực miền đông của Ukraine.
Trong một bài diễn văn hôm 22/02, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ trừng phạt hai ngân hàng quốc doanh, trong đó có một ngân hàng phục vụ quân đội Nga cũng như giới tinh hoa thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin và khoản nợ công của đất nước này. Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Sholz cho biết nước này sẽ đình chỉ thỏa thuận với Nga về việc sử dụng đường ống Nord Stream 2.
Ông Antonov, trong một bài đăng trên mạng xã hội, cho biết các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ “không thể giải quyết được vấn đề gì.”
“Thật khó để tưởng tượng rằng có một người ở Hoa Thịnh Đốn lại mong đợi Nga xem xét lại chính sách ngoại giao của mình dưới sự đe dọa về các hạn chế,” ông viết. “Tôi không nhớ một ngày nào khi đất nước chúng tôi sống mà không có bất kỳ hạn chế nào từ thế giới phương Tây. Chúng tôi đã học cách làm việc trong điều kiện như vậy. Và không chỉ để tồn tại, mà còn để phát triển đất nước của chúng tôi.”
Trong các bình luận trước các hãng thông tấn nhà nước của Nga, ông Antonov tuyên bố các lệnh trừng phạt này sẽ “tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính và năng lượng toàn cầu” và “các công dân bình thường sẽ cảm nhận được hậu quả.”
Trong khi ông Biden lưu ý về các tổn thất liên quan đến việc trừng phạt Nga, một trong những quốc gia hàng đầu về xuất cảng dầu sang Hoa Kỳ, ông nói rằng “chính phủ của tôi đang sử dụng mọi công cụ theo ý của chúng tôi để bảo vệ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ khỏi việc việc tăng giá xăng dầu.”
“Nhưng như chúng tôi sẽ làm — nhưng khi chúng tôi làm điều này, tôi sẽ đưa ra những hành động mạnh mẽ và bảo đảm rằng những thiệt hại của các lệnh trừng phạt của chúng ta là nhằm vào nền kinh tế của Nga, chứ không phải của chúng ta,” ông nói. “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ nguồn cung cấp năng lượng xem có bị gián đoạn hay không. Chúng tôi đang thực hiện một kế hoạch phối hợp với các nhà tiêu dùng và nhà sản xuất dầu lớn hướng tới một khoản đầu tư tập thể để bảo đảm sự ổn định và nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.”
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, ông Biden đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đóng cửa đường ống Keystone XL và không gia hạn hợp đồng thuê khoan dầu ở Hoa Kỳ, điều mà Đảng Cộng Hòa cho rằng đã khiến giá khí đốt và năng lượng tăng đột biến trong những tháng gần đây. Đồng thời, Tòa Bạch Ốc đã thúc đẩy việc sử dụng xe điện cũng như năng lượng mặt trời và năng lượng gió như là những lựa chọn thay thế.
Tuyên bố trừng phạt Nga của ông Biden được đưa ra một ngày sau khi ông Putin, trong một bài diễn văn dài, cho biết ông sẽ công nhận các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk do Moscow hậu thuẫn là các quốc gia có chủ quyền. Sau đó, ông đã ký một sắc lệnh cho phép điều động quân đội “gìn giữ hòa bình” của Nga tới các khu vực này.
Hôm 23/02, Đại sứ quán Nga tại thủ đô Kiev của Ukraine đã thông báo rằng họ sẽ rút nhân viên của họ và đóng cửa đại sứ quán, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xâm lược rộng lớn hơn của Nga.
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: