Trung tướng Kellogg: Nga yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự cho cuộc xung đột ở Ukraine
Cả Nga và Trung Quốc đều phủ nhận cáo buộc này
Trung tướng Lục quân Hoa Kỳ đã về hưu Keith Kellogg nói với Fox News rằng Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự trong bối cảnh nước này đang thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine, xác nhận một loạt các bản tin trích nguồn ẩn danh của giới truyền thông liên quan đến vấn đề đó, trong khi các quan chức Trung Quốc và Nga bác bỏ cáo buộc này.
“Có một câu chuyện thật ở đây, và đây là câu chuyện đó. Ông ấy sẽ đến Trung Quốc để nhận được hỗ trợ quân sự và hỗ trợ kinh tế,” ông Kellogg nói trong một cuộc phỏng vấn trên Fox Business phát sóng hôm 14/03, đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Ông ấy sẽ không nhờ tới Trung Quốc để được viện trợ hoặc hỗ trợ quân sự nếu ông ta không gặp phải một số vấn đề thực sự với quân đội của mình,” ông Kellogg nói và cho biết thêm rằng ông tin là chiến trường sẽ được mở rộng với diễn biến này.
“Hãy mở rộng nó bằng cách hỗ trợ cho người Ukraine nhiều nhất có thể,” ông nói và cho biết thêm rằng “chắc chắn phải có những cách để chúng ta có thể giúp họ có được những chiếc phản lực cơ đó,” ý nói về các chiến đấu cơ MiG-29 của Ba Lan mà việc chuyển giao cho Ukraine đã bị đình trệ.
Ukraine đã đề nghị được cấp các phi cơ MiG để tăng cường khả năng phòng không của mình. Các nhà chức trách Ba Lan đã đề nghị cung cấp các phản lực cơ này thông qua NATO, một đề nghị bị Ngũ Giác Đài bác bỏ vì quá rủi ro do phía Nga có thể coi đó là một hành động leo thang.
“Các vị phải sáng tạo trong cách các vị thực hiện việc này, tôi hiểu điều đó. Nhưng chúng ta nên cung cấp cho họ tất cả mọi thứ. Tôi không quan tâm nếu đó là một tảng đá, một khẩu BB, hay là một chiếc MiG-29,” ông Kellogg nói.
“Chúng ta chỉ cần giúp họ và tiếp tục gây áp lực lên ông Putin. Chúng ta biết ông ta đang căng thẳng và đó là lý do tại sao tôi đưa ra nhận xét về câu chuyện này. Ông ta sẽ không đến với người Trung Quốc nếu ông ta không gặp vấn đề trong trận chiến ngày hôm nay.”
‘Chưa từng nghe về điều đó’
Trung Quốc đã phủ nhận bất kỳ yêu cầu viện trợ quân sự nào từ Nga.
“Tôi chưa từng nghe về điều đó,” ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với CNN trong một tuyên bố khi được hỏi về các tin tức về một yêu cầu như vậy từ Moscow.
Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo hôm 14/03 rằng “những cáo buộc về vấn đề này do Hoa Kỳ phổ biến là thông tin sai lệch.”
Trong khi đó, ông Lưu gọi tình hình ở Ukraine là “đáng lo ngại” và kêu gọi “sự kiềm chế tối đa và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn”.
Liên Hiệp Quốc cho biết kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, khoảng 2.5 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, và các quan chức phương Tây gọi cuộc di cư này là một trong những cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bác bỏ các tuyên bố trên, nói với Reuters hôm 14/03 rằng Nga có thể kiểm soát hoàn toàn các thành phố lớn của Ukraine mà không cần sự trợ giúp từ Trung Quốc.
Ông nói: “Nga có tiềm lực độc lập của riêng mình để tiếp tục chiến dịch này. Như chúng tôi đã nói, chiến dịch này đang diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ được hoàn thành đầy đủ và đúng hạn.”
‘Lo ngại’ về viện trợ quân sự tiềm tàng của Trung Quốc cho Nga
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với chương trình “State of the Union” của CNN hôm 13/03 rằng Hoa Kỳ đang “theo dõi sát sao” để xem liệu Trung Quốc có cung cấp hỗ trợ cho Nga, dù là “hỗ trợ vật tư hay hỗ trợ kinh tế”.
“Đó là mối lo ngại của chúng tôi,” ông Sullivan nói với hãng thông tấn này. “Và chúng tôi đã thông báo với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ không đứng nhìn và cho phép bất kỳ quốc gia nào bù đắp cho Nga những tổn thất đến từ các lệnh trừng phạt kinh tế.”
Các biện pháp trừng phạt gây tổn thất nặng nề đã được áp đặt đối với Nga sau hành động quân sự của nước này ở Ukraine. Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói với CBS hôm 13/03 rằng tác động của các lệnh trừng phạt là “khá nghiêm trọng” và IMF dự đoán một “cuộc suy thoái sâu” ở Nga.
Bà Georgieva cho biết IMF không còn coi khả năng vỡ nợ công của Nga là “không thể xảy ra”. Bà cảnh báo về những ảnh hưởng liên tiếp của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với Nga và các nước láng giềng gần kề của Ukraine, vì mối quan hệ thương mại chặt chẽ của họ với Moscow và kết quả của làn sóng tị nạn.
Trong khi đó, Hội Chữ Thập Đỏ đã kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn khẩn cấp tại thành phố Mariupol đang bị bao vây để ngăn chặn một “kịch bản xấu nhất”.
ICRC cho biết trong một tuyên bố hôm 13/03 rằng “một kịch bản xấu nhất đang chờ đợi hàng trăm ngàn dân thường bị mắc kẹt do giao tranh ác liệt ở Mariupol trừ khi các bên đạt được một thỏa thuận nhân đạo cụ thể một cách khẩn cấp.”
Các quan chức Ukraine cho biết hơn 2,500 người đã thiệt mạng ở Mariupol trong cuộc tấn công của Nga.
Một số nhà phân tích quân sự cho biết, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gặp phải một số thất bại khi đối diện với việc lập kế hoạch tồi và sự kháng cự kiên quyết bất ngờ của Ukraine.
Ông Michael Kofman, giám đốc bộ phận nghiên cứu về Nga tại CNA, gọi chiến dịch ban đầu của Nga là một “nỗ lực lộn xộn trong việc thay đổi chế độ, với ít có kế hoạch hoặc sự tổ chức,” lưu ý những nỗ lực “nhanh trí” của Ukraine trong việc tự vệ khi đối diện với một “kế hoạch không mấy ấn tượng của Nga nhằm điều chỉnh và theo đuổi cuộc chiến bi thảm này.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: