Trung tâm kinh tế của Ấn Độ tạm dừng đầu tư 600 triệu USD vào Trung Quốc
Trong những ngày gần đây, biên giới Trung – Ấn đã chứng kiến cuộc xung đột lớn nhất giữa hai nước trong 45 năm qua. Trong tuần này, trung tâm kinh tế và văn hóa của Ấn Độ – Maharashtra, đã quyết định tạm dừng thỏa thuận hợp tác với ba công ty Trung Quốc có tổng giá trị giao dịch khoảng 600 triệu USD.
Hôm 22/6, Subhash Desai, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp bang Maharashtra, cho biết rằng ông đang đợi các chỉ thị của chính phủ trung ương để quyết định có nên hủy bỏ thỏa thuận hay không. Hiện tại, các dự án đầu tư từ Trung Quốc đang bị trì hoãn.
Bang Maharashtra là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa của Ấn Độ, là khu vực thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất ở Ấn Độ. Thủ phủ của bang là thành phố Mumbai, đây là khu vực đô thị lớn nhất của Ấn Độ và cũng là nơi tọa lạc của cảng Nehru – cảng container lớn nhất Ấn Độ.
Thỏa thuận bị tạm đình nói trên đã được ký kết vào ngày 15/6 năm nay. Ba công ty Trung Quốc có liên quan đến thỏa thuận là Công ty Great Wall Motor với giao dịch trị giá 500 triệu USD, Công ty máy móc xây dựng Hengli và Công ty Foton Motor.
Ông Subhash Desai cho biết Bộ Ngoại giao Ấn Độ kiến nghị các doanh nghiệp không nên ký thêm thỏa thuận với các công ty Trung Quốc.
The MoUs signed with three Chinese companies have been placed on hold, clears @Subhash_Desai. GoM signed MoUs with Hengli, PMI Electro Mobility Solutions (JV with Foton) and Great Wall Motors on 15 June. pic.twitter.com/PykKqdWZu4
— MAHARASHTRA DGIPR (@MahaDGIPR) June 22, 2020
Trước khi tạm đình chỉ thỏa thuận 600 triệu USD, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các công ty Ấn Độ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, yêu cầu hai công ty viễn thông lớn của nhà nước là BSNL và MTNL, và các công ty tư nhân khác sử dụng thiết bị mạng 4G trong nước, đồng thời nghiêm cấm mua các thiết bị và công nghệ liên quan đến Trung Quốc.
Reuters dẫn tin nói rằng, hành động này có thể là nhắm vào Huawei và ZTE. Đến lúc đó, hai công ty Trung Quốc này sẽ phải đối mặt với tổn thất rất lớn, riêng ZTE có khả năng sẽ mất hàng chục triệu USD các đơn đặt hàng.
Hiệp hội các thương nhân Ấn Độ (CAIT) yêu cầu chính phủ liên bang và chính quyền địa phương hỗ trợ việc tẩy chay hàng hóa Trung Quốc và hủy bỏ các hợp đồng đã được trao cho các công ty Trung Quốc. Ông Praveen Khandelwal, Tổng thư ký của Hiệp hội bày tỏ: “Trên phương diện kinh tế cũng phải có phản ứng mạnh mẽ”.
Đông Phương