Trung Quốc: Xuất cảng vaccine COVID-19 giảm mạnh cản trở ‘chính sách ngoại giao vaccine’
Hoạt động xuất cảng các loại vaccine COVID-19 do Trung Quốc sản xuất đã giảm đáng kể trong năm nay vì mức độ hiệu quả của các loại vaccine này thấp, đặc biệt là hiệu quả trong việc chống lại các đột biến mới của virus, gây cản trở đến chiến dịch “ngoại giao vaccine” của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Cuối năm 2020, khi mà thế giới cần gấp vaccine COVID-19, Trung Quốc đã khởi động chính sách ngoại giao vaccine bằng cách cung cấp một số lượng lớn vaccine Trung Quốc cho các nước có thu nhập thấp và trung bình ở Á Châu, Mỹ Latinh, Phi Châu và Đông Âu.
Tuy nhiên, theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hoạt động xuất cảng vaccine COVID-19 do ba công ty Trung Quốc là Sinopharm, Sinovac và CanSino phát triển và sản xuất đã giảm xuống còn 6.78 triệu liều vào tháng Tư năm 2022, giảm 97% so với mức đỉnh vào tháng Chín năm 2021.
Tính đến tháng Mười Hai, tổng lượng vaccine xuất cảng của Trung Quốc vẫn ở mức cao là 199 triệu liều. Điều này được thúc đẩy bởi các giao dịch gia tăng theo cơ chế COVAX, một cơ chế bảo đảm việc tiếp cận vaccine COVID-19 toàn cầu một cách nhanh chóng và bình đẳng. Năm nay, hoạt động xuất cảng vaccine của Trung Quốc đã giảm sút, thu hẹp mạnh trong ba tháng đầu năm. Trung Quốc không còn là nhà cung cấp chính trên COVAX.
Theo Airfinity, một công ty phân tích dữ liệu của Anh, nhiều người được chích vaccine Trung Quốc hai liều đầu tiên ở một số quốc gia đã chọn Pfizer, AstraZeneca hoặc Moderna như mũi bổ sung. Trong số những người nhận vaccine Trung Quốc liều đầu tiên ở Pakistan, Indonesia, Bangladesh và Brazil, tỷ lệ họ dùng vaccine Trung Quốc ở liều thứ ba giảm lần lượt là 98%, 93%, 92%, và 74%.
Theo một báo cáo nghiên cứu hồi tháng Tư của một nhóm chuyên gia từ Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Singapore (NCID), đối với những người được chích hai liều vaccine Trung Quốc, tỷ lệ mắc các triệu chứng nghiêm trọng sau khi nhiễm COVID-19 của họ cao gấp năm lần so với những người đã nhận vaccine Pfizer-BioNTech. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm trùng đột phá ở những người được chích vaccine Trung Quốc cao gấp sáu lần so với những người được chích vaccine Moderna.
Ông Walid Kassem, một nhà nghiên cứu người Lebanon, nói với Đài Á Châu Tự Do: “Là một công cụ ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước Phi Châu và Trung Đông, vaccine Trung Quốc đã được người dân ở những quốc gia này chào đón ngay từ đầu, nhưng tình hình đã thay đổi.”
“Thứ nhất, hiệu quả của vaccine Trung Quốc thấp hơn nhiều so với 92%- 97% hiệu quả của vaccine phương Tây, điều này đã khiến nhiều quốc gia từ chối [nguyên văn] chấp thuận vaccine của Trung Quốc. Thứ hai, vaccine phương Tây đã có sẵn trên thị trường và trên nền tảng COVAX, nên các nước đang phát triển hiện đã có đủ vaccine.”
Ông Kassem cho biết thêm, “Ở Lebanon và các nước Ả Rập khác, nhiều người từ chối chích vaccine của Trung Quốc vì họ tin tưởng vào vaccine của phương Tây hơn. Đợt bùng phát gần đây ở Thượng Hải càng khiến cho người dân mất lòng tin vào vaccine Trung Quốc.”
Anh Alex Wu là một cây bút của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền và quan hệ quốc tế.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: