Trung Quốc: Xuất cảng tháng 7 giảm mạnh; nhập cảng bị thu hẹp
Do đại dịch virus Trung Cộng khiến nhu cầu hàng hóa sụt giảm, xuất cảng của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm sâu trong tháng 7, trong khi tăng trưởng nhập cảng dường như bị thu hẹp lại, theo một cuộc thăm dò của Reuters vào hôm 5/8.
Sự suy yếu trong thương mại sẽ làm gia tăng mối lo ngại về sự bền vững của đà phục hồi đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngay cả khi nhu cầu nội địa tại Trung Quốc tiếp tục được cải thiện thông qua sự hỗ trợ của các chương trình kích thích kinh tế của chính phủ.
Theo ước tính trung bình của 28 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, xuất cảng trong tháng 7 dự kiến giảm 0.2% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tăng 0.5% trong tháng 6.
Kết quả thăm dò cho thấy, theo các nhà phân tích, nhập cảng có khả năng tăng 1.0% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức tăng 2.7% của tháng trước, do chỉ số cơ sở năm ngoái cao và việc thực thi các biện pháp phong tỏa ở một số nền kinh tế nước ngoài đã làm tắc nghẽn dòng hàng hóa.
Cả hai cuộc khảo sát chính thức và riêng tư về hoạt động sản xuất đều cho thấy các đơn hàng xuất cảng mới cho các nhà máy Trung Quốc trong tháng 7 vẫn đang tồn đọng sau đại dịch, khiến nhu cầu toàn cầu sụt giảm, mặc dù các hoạt động mở rộng nói chung vẫn diễn ra với tốc độ nhanh hơn do nhu cầu trong nước được cải thiện.
Kết quả hoạt động xuất cảng của Trung Quốc được cải thiện nhờ các đơn hàng kỷ lục về vật tư y tế cũng như các sản phẩm điện tử. Đây là các mặt hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự suy thoái toàn cầu như một số nhà phân tích đã lo ngại. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại tin rằng sự suy giảm các đơn đặt hàng sẽ khiến các nhà sản xuất tại Trung Quốc gặp nhiều áp lực trong những quý tới.
Các nhà phân tích của tập đoàn dịch vụ tài chính Nhật Bản Nomura cho biết, sự suy yếu của giá giao ngay trong tháng 7 đối với bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (dynamic random access memory – DRAM, còn gọi là RAM động), một loại bộ nhớ bán dẫn truy cập ngẫu nhiên, phản ánh tình trạng tăng trưởng xuất cảng yếu hơn đối với các thiết bị và linh kiện xử lý dữ liệu tự động, chủ yếu sử dụng cho máy tính hoặc máy tính xách tay.
Tập đoàn Nomura chỉ ra rằng: “Điều này cho thấy nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm điện tử dành cho làm việc tại nhà, bao gồm cả máy tính, có thể đã bắt đầu giảm nhẹ”.
Trong một tuyên bố hôm 4/8, Hiệp hội Cảng & Bến cảng Trung Quốc cho biết thực chất sản lượng hàng hóa thông qua hoạt động ngoại thương tại các cảng lớn của Trung Quốc đã giảm 1.2% so với cùng kỳ năm ngoái vào khoảng 10 ngày cuối của tháng 7, trái ngược hoàn toàn với mức tăng tích cực được ghi nhận trong 20 ngày đầu tháng đó.
Hiệp hội cũng cho biết những căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ cũng có thể gây tổn hại đến giao dịch song phương, và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục áp thuế quan bổ sung 25% đối với 55 mặt hàng Trung Quốc từ ngày 31/7.
Trong nửa đầu năm 2020, Trung Quốc chỉ mua 5% tổng lượng sản phẩm năng lượng theo mục tiêu đã định từ Hoa Kỳ, một con số rất thấp so các cam kết thương mại với Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng cần phải đẩy mạnh việc mua hàng hóa nông sản của Hoa Kỳ nếu muốn đạt được mục tiêu tham vọng là 36.5 tỷ USD đối với hoạt động này trong năm nay.
Các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ đánh giá lại việc thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 trong một hội nghị truyền hình trực tuyến dự kiến diễn ra vào ngày 15/8.
Theo Reuters