Trung Quốc xây thêm nhiều xe trượt tên lửa ở Nội Mông để thử vũ khí siêu thanh
Theo các tài liệu nội bộ của chính quyền Trung Quốc mà The Epoch Times có được gần đây, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều xe trượt tên lửa – thường được dùng để thử tên lửa, pháo và các thiết bị hàng không vũ trụ – tại một căn cứ quân sự ở Nội Mông.
Được gọi là Căn cứ 051, địa điểm này do công ty quốc phòng nhà nước lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Quân dụng Trung Quốc (NORINCO) (China Ordnance Industries Group Corp.) điều hành. Căn cứ này đã tiến hành thử nghiệm vũ khí từ năm 1965.
Rất ít chi tiết được biết đến về căn cứ bí mật này.
Các tài liệu tiết lộ loại vũ khí đang được thử nghiệm tại Căn cứ 051, cũng như các kế hoạch phát triển căn cứ này của chính quyền Trung Quốc cho đến năm 2025, trong đó bao gồm một “trung tâm xe trượt tên lửa” có khả năng thử nghiệm vũ khí siêu thanh.
Các dự án sẽ có tổng kinh phí là 23 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.39 nghìn tỷ USD).
“Việc NORINCO đang đầu tư vào xe trượt tên lửa tốc độ siêu thanh có thể cho thấy rằng họ hiện đang phát triển vũ khí siêu thanh cho các loại tên lửa pháo binh mới, nhanh hơn nhiều hoặc thậm chí là các tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBMs) lớn hơn so với những gì họ đã phát triển gần đây”, theo Rick Fisher – một thành viên cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế có trụ sở tại Virginia và là một cộng tác viên của The Epoch Times.
“Những vũ khí siêu thanh như vậy sẽ khó đối phó hơn nhiều so với pháo binh và các SRBM hiện tại, do đó Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ rất mong muốn có được.”
Bối cảnh
Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, hầu hết các báo cáo chỉ đề cập đến một chiếc xe trượt tên lửa ở thành phố Tương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, trong khi có ít thông tin được biết về Căn cứ 051.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, thị trưởng của minh A Lạp Thiện (minh Alxa) ở Nội Mông khi đó đã đề cập trong một báo cáo hành chính rằng Căn cứ 051 có một xe trượt tên lửa. Minh A Lạp Thiện, nằm ở phía tây xa xôi của khu vực Nội Mông, cũng là nơi có một trung tâm phóng vệ tinh và một cơ sở thử nghiệm và sản xuất khinh khí cầu.
Thử nghiệm vũ khí
Trong một tài liệu nội bộ mà chính phủ minh A Lạp Thiện gửi tới Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của chính quyền trung ương hồi tháng 5, minh này đã báo cáo “các thành tích” của cơ sở đó từ năm 2016 đến năm 2020.
“[Căn cứ 051] đã xây dựng các bãi phóng tầm trung và tầm xa, các bãi phóng phòng không, các bãi phóng chống tên lửa, và các bãi thử sát thương năng lượng cao ở kỳ A Lạp Thiện Tả (kỳ Alxa Tả),” tài liệu này viết.
Căn cứ này cũng có các khu vực thử nghiệm máy bay trực thăng và máy bay không người lái, thử nghiệm vụ nổ tĩnh và các cuộc tập trận quân sự, trong khi từ năm 2016 đến năm 2019 có khoảng 600,000 chuyên gia đã sử dụng địa điểm này để thử nghiệm vũ khí, tài liệu này cho biết.
Kế hoạch
Tài liệu cũng nêu chi tiết Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của căn cứ này, từ năm 2021 đến năm 2025.
Căn cứ này sẽ phát triển khả năng thử nghiệm các vũ khí trên bộ và trên không, chẳng hạn như các tên lửa và các bệ phóng tên lửa có thể đạt tầm siêu xa, chính phủ A Lạp Thiện tuyên bố.
Tầm siêu xa có các tiêu chuẩn khác nhau tùy thuộc vào loại vũ khí. Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi một bệ phóng mà có thể đạt đến các mục tiêu ở cách xa hơn 400 km (249 dặm) là một bệ phóng tên lửa tầm siêu xa. Trong khi đó, một tên lửa tầm siêu xa có thể đạt đến một mục tiêu ở cách đó 3,400 dặm (khoảng 5,471 km).
Tài liệu cũng đề cập đến các kế hoạch chi tiết cho các xe trượt tên lửa của họ.
Nền đường ray xe trượt tên lửa của Căn cứ này dài 16 km (9.94 dặm). Nhưng để “tăng cường phát triển công nghệ và ứng dụng của các xe trượt tên lửa”, tài liệu nêu rõ, chính quyền này sẽ xây thêm nhiều xe trượt, bao gồm một xe trượt tên lửa siêu thanh và một xe trượt tên lửa đệm từ trường (magnetic levitation) với các bộ khuếch đại điện từ.
Đệm từ trường, hay viết tắt là maglev, cho phép một phương tiện di chuyển ở tốc độ cao mà ít gặp hoặc không có ma sát.
Việc chế tạo một chiếc xe trượt maglev khá là “kỳ lạ”, ông Fisher nói, vì nó có thể có nghĩa là Trung Quốc đang phát triển “một phi cơ không gian bay theo Quỹ đạo Gần Trái Đất chạy bằng động cơ phản lực dòng thẳng tốc độ siêu thanh mà có thể ném bom Nhật Bản hoặc Đài Loan rồi sau đó hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Chu Hải rất rộng mà hiếm khi được sử dụng.” Sân bay Chu Hải nằm ở miền nam Trung Quốc.
Phi cơ không gian là một phương tiện có thể bay giống như phi cơ trong bầu khí quyển của Trái Đất và cũng có thể điều hướng ra ngoài không gian giống như một tàu vũ trụ.
Chế độ Trung Quốc coi nhà nước tự trị của Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và thường đe dọa sử dụng vũ lực quân sự để đưa hòn đảo này vào quyền kiểm soát của mình, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang tranh chấp lãnh thổ thuộc quần đảo Senkaku nằm ở Biển Hoa Đông.
“Với các tốc độ lớn và ở tại độ cao cao như vậy, một máy bay ném bom như thế sẽ rất khó bị bắn hạ, và không giống như tên lửa, nó có thể được tái sử dụng cho nhiều nhiệm vụ”, ông Fisher lưu ý.
Ngân sách
Ngân sách dành cho các dự án mới là 23 nghìn tỷ nhân dân tệ, do chính quyền trung ương tài trợ.
Tài liệu này cũng tóm tắt ngân sách cho năm 2020 là 1.25 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 184 triệu USD). Bởi vì các dự án này là bí mật và tất cả các hợp đồng được coi là tối mật, nên chỉ có chi phí xây dựng đường xá sẽ được ghi trên giấy tờ là “các tài sản cố định”, được phân bổ cho năm 2020 là 19 triệu nhân dân tệ (2.8 triệu USD). Điều đó có nghĩa là chỉ khoảng 1.52 phần trăm ngân sách thực tế của các dự án này sẽ được tính vào ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.
Trung Quốc công bố chính thức tổng chi tiêu quốc phòng của họ là khoảng 266 tỷ USD. Nhưng chi tiêu quốc phòng thực sự của họ từ lâu đã bị nghi vấn, vì chế độ này nổi tiếng là thiếu minh bạch. Các chi tiết về các dự án nói trên cho thấy ngân sách quốc phòng của họ được báo cáo thiếu nghiêm trọng như thế nào.