Trung Quốc xây dựng cây cầu thứ hai ở khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ
Công trình mới đang trong giai đoạn gần hoàn thiện này được cho là sẽ hỗ trợ cho hoạt động di chuyển hạng nặng
Hôm thứ Sáu (20/05), một quan chức chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đã nhận được báo cáo về việc chính quyền Trung Quốc xây dựng cây cầu thứ hai bắc qua Hồ Pangong, một khu vực biên giới tranh chấp ở Đông Ladakh mà Trung Quốc đã “chiếm đóng bất hợp pháp” từ những năm 1960.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Arindam Bagchi, cho biết trong một tuyên bố rằng, “Chúng tôi không bao giờ chấp nhận việc chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ của mình như vậy, cũng như không chấp nhận yêu sách phi lý của Trung Quốc hay các hoạt động xây dựng như vậy.”
Ông Bagchi nói thêm: “Chúng tôi khẳng định rõ quan điểm trong nhiều dịp rằng Phiên quốc Jammu [và] Kashmir cũng như vùng Ladakh là một phần không thể tách rời của Ấn Độ, và chúng tôi mong muốn các quốc gia khác tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.”
Điều này diễn ra trong bối cảnh có các báo cáo cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một cây cầu mới, ngay bên cạnh cây cầu đầu tiên mà nước này xây hồi đầu năm nay, trong khu vực mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã không phản hồi ngay lập tức tuyên bố của Ấn Độ.
Ông Damien Symon, một nhà phân tích tại The Intel Lab, cho biết trên Twitter rằng các hình ảnh vệ tinh cho thấy “một cây cầu lớn” đang được xây dựng trên Hồ Pangong, làm dấy lên khả năng rằng công trình mới này sẽ “hỗ trợ cho hoạt động di chuyển lớn hơn/nặng hơn” của quân đội Trung Quốc qua hồ này.
Tờ báo địa phương Hindustan Times đưa tin cây cầu đầu tiên mà ông Symon gọi là “cầu dịch vụ”, đã được hoàn thành vào tháng Tư, trong khi cây cầu thứ hai đang trong “giai đoạn gần hoàn thiện.”
Ông Symon cho biết: “Đánh giá hiện tại cho thấy có thể còn một không gian hoặc một chỗ trống để cho phép tàu thuyền di chuyển dưới cây cầu thứ hai.” Cây cầu mới ước tính rộng 10 mét và dài 450 mét.
Theo các bản tin địa phương, hai cây cầu này sẽ tạo điều kiện cho quân đội Trung Quốc tiết kiệm thời gian di chuyển từ bờ bắc đến Rutrog, căn cứ quân sự chủ chốt của họ ở điểm cận đông của hồ, rút ngắn [được quãng đường] là 150 km (93 dặm).
Ấn Độ đã tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng biên giới trong các khu vực này kể từ năm 2014, trong đó có hệ thống cầu đường, để bảo vệ các lợi ích an ninh của mình. Chính phủ nước này cho biết họ sẽ theo dõi tình hình diễn biến trong những khu vực trên và thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ chủ quyền của Ấn Độ.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đã khai triển hàng ngàn binh sĩ ở vùng biên giới trên cao này kể từ khi các cuộc giao tranh tay đôi được cho là đã làm thiệt mạng ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc ở vùng Ladakh phía bắc dãy Himalaya hồi tháng 06/2020.
Mặc dù hai nước đã thực hiện 15 vòng đàm phán giữa các chỉ huy cao cấp trong quân đội, nhưng hầu như không đạt được tiến triển nào.
Bắc Kinh đã nhiều lần nói rằng xung đột biên giới không đại diện cho toàn bộ mối bang giao Trung Quốc-Ấn Độ, trong khi New Delhi luôn giữ quan điểm rằng hòa bình dọc biên giới là điều kiện căn bản để hai nước hợp tác cùng nhau.
Đầu tháng Ba, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tại Delhi và bày tỏ ý định của Bắc Kinh trong việc bình thường hóa bang giao với Ấn Độ.
Nhưng ông Jaishankar nói rằng việc bình thường hóa bang giao là điều bất khả thi nếu như tình hình biên giới vẫn còn “bất ổn”, với việc khai triển quy mô lớn quân đội Trung Quốc ở các khu vực biên giới.
Ông nói với các phóng viên: “Nếu cả hai nước chúng ta đều cam kết cải thiện mối bang giao của mình, thì cam kết này phải được thể hiện đầy đủ trong các cuộc đàm phán rút quân.”
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: