Trung Quốc xây 200 ‘làng xã hội sung túc’ dọc biên giới tranh chấp với Ấn Độ
NEW DELHI — Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang củng cố một hình thức hiện diện mới ở khu vực biên giới đang tranh chấp gay gắt với Ấn Độ thông qua một chiến lược tái định cư dân sự, theo các chuyên gia Ấn Độ.
Chiến lược “xã hội sung túc” của ĐCSTQ (hay Trung Cộng) liên quan đến việc xây dựng những ngôi làng khá giả với danh nghĩa đưa người dân thoát khỏi đói nghèo và hồi sinh các cộng đồng nông thôn. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng những ngôi làng này đóng một vai trò bổ sung trong Khu Tự trị Tây Tạng, nơi có chung hàng ngàn dặm biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
Họ nói rằng những ngôi làng này đóng vai trò là các công cụ giám sát, phòng thủ biên giới, và thống trị biên giới của ĐCSTQ. Và cùng với luật biên giới đất liền mới của chính quyền này, chúng là các nỗ lực hợp pháp hóa yêu sách của ĐCSTQ đối với biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
Hồi năm 2017, ĐCSTQ tuyên bố sẽ thành lập 628 “làng xã hội sung túc”. Năm ngoái, Trung Cộng tuyên bố rằng họ đã hoàn thành việc xây dựng 602 trong số đó, 200 trong số đó được xây dựng trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) hay biên giới với Ấn Độ trên thực tế.
Ấn Độ, với 5 tiểu bang của mình, có chung đường biên giới dài 2,167 dặm với Trung Quốc. Biên giới này chưa được phân định hoàn toàn và đang trong “quá trình” được xác nhận, theo chính phủ Ấn Độ.
Tình hình biên giới vẫn căng thẳng sau cuộc xung đột đẫm máu năm ngoái ở Galwan. Các vòng đàm phán quân sự tiếp theo bất phân thắng bại trong khi việc điều động quân đội của cả hai bên tiếp tục gia tăng.
Ông Abhishek Darbey, một nhân viên nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times rằng trong khi “các làng xã hội sung túc” hay “xã hội tiểu khang” (Xiaokang) bề ngoài là một phần trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo trên toàn quốc của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình được đề cập tới trong Đại hội Đảng 19 của ĐCSTQ, nhưng các ngôi làng này “cũng nhằm mục đích tạo ra một vùng đệm cho những người trung thành với ĐCSTQ sinh sống”, sẽ hoạt động như “các chốt canh gác dọc theo biên giới, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của ‘các phần tử ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma’ và ‘các lực lượng chống đối.’”
Theo ông Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 16, chiến lược quốc gia này là xây dựng một xã hội khá giả vào năm 2021.
Trong bối cảnh của Trung Quốc, “một xã hội khá giả gần tương đương với tiêu chuẩn Âu Châu về thu nhập bình quân đầu người hoặc các chỉ số [phát triển nguồn nhân lực] khác,” ông nói.
Ông Kondapalli cho biết luật biên giới đất liền mới của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, và cũng là việc đã châm ngòi cho một cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc, có các điều khoản về việc xây dựng các làng xã hội khá giả.
“Thật ngẫu nhiên, trong việc này, Ủy ban Đối ngoại đã thông qua luật biên giới trên bộ. Và Phó chủ tịch ủy ban đối ngoại của [Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc] là Tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), người chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng Doklam, chịu trách nhiệm về Cuộc khủng hoảng ở Galwan. Ông ấy là người đã thông qua luật biên giới đất liền này,” ông Kondapalli cho hay.
Doklam, hay Động Lãng trong tiếng Trung Quốc, là địa điểm xảy ra cuộc giao tranh quân sự giữa PLA và quân đội Ấn Độ trong hai tháng hồi năm 2017.
Ép buộc hợp pháp hóa biên giới
Theo ông Kondapalli, trong những năm 1960, Ấn Độ và Trung Quốc, trong nỗ lực giải quyết tranh chấp biên giới, đã bắt đầu thiết lập “các cột mốc biên giới”, nhưng Trung Quốc đã bắt đầu đơn phương dỡ bỏ chúng cách đây hai năm khi nước này khởi công xây dựng các làng xã hội khá giả ở một số vùng nhất định.
“Vì vậy, tất cả những gì họ thấy là biên giới của họ, những gì họ cho là có lợi cho họ,” ông Kondapalli nói. “Ở những vùng này, họ mở doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở ngân hàng.”
Ông nói: “Bằng cách xây những ngôi làng xã hội khá giả này tại khu vực biên giới, họ đang cố gắng nói rằng những điều này đã được cố định, quý vị không thể làm phiền họ trong việc giải quyết biên giới trong tương lai.” Ông cho biết thêm rằng Ấn Độ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về các giới hạn chính trị vào năm 2005, với một trong các giới hạn chính trị là không làm xáo trộn “các nhóm dân cư định cư ở các khu vực biên giới”.
Ông Darbey cho biết Trung Quốc cũng đã khởi công xây dựng 206 dự án công nghiệp ở khu vực biên giới và đường bộ của các làng hành chính trên tuyến đầu tiên và tuyến thứ hai của biên giới đều thông suốt.
Ông Darbey nói: “Mạng lưới điện chính được mở rộng đến tất cả các thị trấn biên giới để thực hiện các dịch vụ bưu chính giữa các làng mạc, phủ sóng hoàn chỉnh mạng thông tin di động và bảo đảm nước uống cho người dân nông thôn.”
Ông Kondapalli cho biết ông đã xem một video tiếp thị cho các tòa nhà dân cư nơi tầng trệt dành cho động vật, tầng một là khu chợ, trong khi tầng hai là nơi gia đình sinh sống.
“Đó là một căn nhà điển hình trong một ngôi làng xã hội khá giả. Đây là điều đã xảy ra ở các vùng khác nhau.”
Bằng cách xây dựng những ngôi làng này, chính quyền Trung Quốc đang tăng giá trị bất động sản của những khu vực này và các thành viên ĐCSTQ được ưu đãi về những ngôi nhà “nổi bật hơn, có vị trí tốt hơn” trong làng, ông Kondapalli nói.
Giám sát nội bộ
Theo Kondapalli, chính quyền Trung Quốc đang định cư người Tây Tạng và các dân tộc thiểu số khác ở những ngôi làng nằm rải rác trong khu vực.
“Nhà nước yêu cầu họ rời khỏi [các ngôi nhà truyền thống] để đến những ngôi làng xã hội khá giả đã định cư này, vì vậy ý định của họ về căn bản là giám sát nội bộ. Những người này về căn bản là người bản địa, họ có phong tục, tôn giáo riêng, v.v. Vì vậy, bằng cách đưa họ từ môi trường sống tự nhiên đến những nơi định cư này, chính quyền sẽ giám sát họ hiệu quả hơn,” ông Kondapalli nói, và cho biết thêm rằng đây là “mục đích chính”.
Ông chỉ ra rằng hầu hết 200 ngôi làng được xây dựng gần LAC đều “gần như nằm trên con đường” trốn thoát của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Ấn Độ, vì hầu hết trong số này đều nằm trên các tuyến đường xuyên Himalaya truyền thống đã tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Ông Kondapalli nói: “Một trong những lý do tại sao họ thành lập những ngôi làng xã hội khá giả này là để giám sát. Như trong kịch bản Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15, họ sẽ có thể kiểm soát tất cả các khu vực này.”
Bàn về “kịch bản Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15”, ông ấy đang đề cập đến chính trị tái sinh của Trung Cộng. Chế độ này muốn kiểm soát ai sẽ là Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp của Tây Tạng, trong khi theo truyền thống người Tây Tạng đã chỉ định Đạt Lai Lạt Ma của riêng họ thông qua một quy trình độc đáo để xác định vị trí và lựa chọn người được cho là tái sinh của nhà lãnh đạo tinh thần của họ, và nếu ông được tìm thấy trong Khu tự trị Tây Tạng (TAR), cách duy nhất để trốn thoát sẽ là đi qua những con đường này.
Ông Kondapalli đã đề cập đến trường hợp của hai phụ nữ Tây Tạng từ làng Yumei thuộc xã hội khá giả đã viết thư cho ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã trả lời thư của họ và khen ngợi họ vì những hành động bảo vệ biên giới.
“Một trong những phụ nữ đã được trao giải gương mẫu vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Đảng Cộng sản hồi tháng Bảy. Vì vậy, làng Yumei đã trở nên nổi tiếng vì điều đó,” ông cho hay.
“Vì vậy, dọc khu vực biên giới xuyên Himalaya, họ đang thiết lập những ngôi làng xã hội khá giả này như một tiền đồn của đảng-nhà nước — các tiền đồn của đảng-quân đội, đảng-nhà nước [chẳng hạn như những nơi này] sẽ là những ngọn hải đăng cho [ĐCSTQ] trong tương lai sắp tới. Vì vậy, đó là cách họ cũng muốn thống trị các khu vực biên giới,” ông Kondapalli nói.
Ông cho biết những ngôi làng này dần dần cũng sẽ mang lại sự thay đổi nhân khẩu học trong TAR vì con em của các cặp vợ chồng Hán-Tạng rất có thể sẽ hòa nhập với Trung Quốc và ít có khả năng nổi dậy chống lại ĐCSTQ.
Ông Darbey cho hay các làng xã hội khá giả này là một “dự án toàn diện và mang tính hệ thống” của Trung Cộng nhằm “liên tục củng cố và tăng cường” quyền kiểm soát biên giới.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và sự lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: