Trung Quốc và Singapore: Cuộc hôn nhân trên thiên đường của những bạo chúa
Trong một bài viết gần đây cho tờ National Interest, nhà ngoại giao Singapore Kishore Mahbubani đã thảo luận về mối đe dọa-hay cụ thể hơn là mối đe dọa không phải do Trung Quốc gây ra. Theo tác giả, quốc gia cộng sản này “không phải là mối đe dọa đối với an ninh của Hoa Kỳ.” Ông Mahbubani đã thắc mắc tại sao “một số lượng người Mỹ đáng kinh ngạc, thậm chí những người Mỹ sâu sắc, hiểu biết rộng, lại tin rằng Trung Quốc đang có mục đích làm suy yếu các giá trị của Hoa Kỳ.”
Đương nhiên, họ tin như vậy vì đó chính là sứ mệnh của Trung Quốc. Vào tháng Một năm nay (2021), Bloomberg đã đưa tin rằng một nhóm người dùng WeChat ở California đã kiện “Tencent Holdings Ltd., chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin và thanh toán của Trung Quốc này, với cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của họ bằng cách theo dõi và kiểm duyệt thông tin liên lạc của họ.” Trong khi đó, theo một bài viết gần đây của CNBC, có những lo ngại chính đáng rằng “Trung Cộng có thể sử dụng TikTok để phát tán tuyên truyền hoặc kiểm duyệt” trên khắp Hoa Kỳ, “hoặc gây ảnh hưởng đến những người dùng, những người có thể phải hối hận vì những gì họ đã đăng trên dịch vụ đó.” Ngoài ra, có những bài báo ghi lại cách các quan chức Trung Cộng sử dụng mạng điện thoại di động “như một phần của chiến dịch gián điệp nhằm vào người Mỹ.” Nếu những dẫn chứng về gián điệp mạng nghiêm trọng này không đe dọa các giá trị của Hoa Kỳ, thì, cái gì đe dọa đây?
Điều đáng chú ý là ông Mahbubani có lịch sử viết các bài đánh giá mỹ miều về Trung Quốc. Năm ngoái (2020), ông đã xuất bản cuốn “Trung Quốc đã chiến thắng hay chưa?” (Has China Won?), một tập sách dày tỏ lòng cung kính đã dốc hết mọi tâm huyết để giải thích một cách tích cực về Trung Quốc. Được ca ngợi là một “bản đánh giá sáng suốt” về quốc gia đối lập, thế nhưng tác phẩm cúng tế này của ông Mahbubani lại hoàn toàn ngược lại. Bằng cách đưa ra không ngớt những lời chỉ trích về Hoa Kỳ, tác giả này ở mức độ nào đó đã cố gắng lấp liếm những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng. Ông Mahbubani, một cách khá nực cười, đã tin rằng “mục tiêu chính của những nhà cầm quyền Trung Cộng là duy trì hòa bình và hòa thuận giữa 1.4 tỷ người ở Trung Quốc.” Trung Cộng không bận tâm đến “cuộc sống của 6 tỷ người sống bên ngoài Trung Quốc.” Vậy thì, có người sẽ tự hỏi, mục đích của Sáng kiến Vành đai và Con đường, với sự tham gia của 139 quốc gia thành viên, trải dài từ Đông Á sang Đông Phi là cái gì vậy? Tại sao Trung Quốc lại kìm kẹp chèn ép hàng chục quốc gia bằng mức nợ cao ngất ngưởng? Sự phủ nhận hiện thực của ông Mahbubani cũng rất có mị lực y như [bài viết] gây u mê của ông ấy.
Nhà nghiên cứu Phar Kim Bang cũng tỏ ra hoang mang trước sự tôn kính của ông Mahbubani đối với Trung Quốc. Ông viết, người Singapore này “tiếp tục tự đặt bản thân là vua-triết gia phái tiêu dao kiêm nhà ngoại giao bậc thầy, người dường như muốn Singapore, nếu không phải là phần còn lại của thế giới, chỉ dành cho riêng Trung Quốc.” Ông Kim Bang đã đưa ra một quan điểm có giá trị. Vào tháng Tư năm nay, ông Mahbubani đã viết một bài bình luận cho tờ Financial Times, khuyến khích Tổng thống Biden hãy “đổi hướng” với Trung Quốc. Theo ông Mahbubani, nỗ lực chơi trò cứng rắn với Tập Cận Bình của ông Trump là sai lầm. Tác giả này lập luận rằng thỏa hiệp là cách tiếp cận tốt nhất. Tại sao ông Mahbubani, rõ ràng là một người thông minh, lại bảo vệ Trung Quốc như vậy? Tại sao ông ta lại nhanh chóng tán dương Tập Cận Bình đến thế?
Liệu sự khúm núm của ông ta có liên hệ gì đến mối bang giao Trung Quốc-Singapore không? Hãy nhớ rằng, ông Mahbubani là một nhà ngoại giao và công việc của một nhà ngoại giao, trước hết và quan trọng nhất, là hoạt động như một cầu nối cho sự giao thiệp giữa các quốc gia. Và, hiện tại, Singapore đang bận rộn giao thiệp với Trung Quốc.
Với lịch sử nổi tiếng và lâu đời, hai quốc gia này dường như có chung một mối liên kết không thể phá vỡ. Theo trang web của Bộ Ngoại giao Singapore: “Singapore có mối bang giao lâu dài và trọng yếu với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), vốn được củng cố bởi những trao đổi thường xuyên [giữa các quan chức] cao cấp, hợp tác về nhiều phương diện, giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng phát triển và liên kết kinh tế mạnh mẽ.” Trong gần một thập kỷ, “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và Singapore là nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất của Trung Quốc.” Năm ngoái (2020) là năm đánh dấu kỷ niệm 30 năm mối bang giao giữa hai quốc gia này. Xét từ nhiều khía cạnh, thì đây là một cuộc hôn nhân trên thiên đường của những bạo chúa.
Mặt trái của Singapore
Khi nghĩ về Singapore, người ta sẽ hình dung ra một mảnh đất thịnh vượng và xinh đẹp. Mặc dù vừa thịnh vượng, vừa sở hữu lối kiến trúc đa dạng, thành phố-quốc đảo có chủ quyền này cũng có mặt tối của mình. Việc tăng cường mối liên hệ giữa Trung Cộng và Đảng Nhân dân Hành động (PAP) chẳng đáng ngạc nhiên là mấy. Giống như Trung Cộng, PAP cũng giám sát chặt chẽ công dân của mình. Giống như Trung Cộng, PAP cũng cai trị bằng nắm đấm sắt. Như ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cảnh báo, “Phản ứng tự động của chính phủ Singapore là sách nhiễu hoặc truy tố bất kỳ ai bày tỏ ý kiến bất đồng thay vì ngồi trò chuyện tiếp xúc với những người chỉ trích họ.” Ông Robertson tiếp tục, “đằng sau mặt tiền lấp lánh hiện đại của Singapore là một chính phủ hoàn toàn không khoan nhượng với các cuộc kháng nghị ôn hòa.”
Mặc dù Singapore được tiếp thị như một thiên đường thuế [của các mặt hàng] xa xỉ, nhưng điều quan trọng cần nhớ rằng đây là thiên đường thuế có án tử hình. Ở Singapore, việc phạt bằng roi vẫn là chuyện thường. Các nhà hoạt động nhân quyền thường xuyên bị sách nhiễu và bị giam giữ tùy tiện. Người dân không có quyền riêng tư, và điều này là do quy định. Hiến pháp Singapore không có quy định về quyền riêng tư, do đó cho phép chính phủ giám sát công dân của mình mà hoàn toàn không phải chịu sự trừng phạt nào. Giống như Trung Quốc, chính phủ độc tài [cai trị bằng] kỹ thuật số này có quyền lực tối cao, và việc lạm dụng nghiêm trọng thông tin cá nhân của công dân là điều thường xuyên xảy ra. Trong một lãnh thổ có khoảng năm triệu dân, đã có hơn 90,000 camera giám sát, và sẽ còn có thêm nhiều camera nữa.
Điều này đưa chúng ta quay trở lại những lời nhận xét khá thiên kiến của ông Mahbubai. Xét trên nhiều phương diện, sự tôn trọng của ông đối với Trung Quốc là điều dễ hiểu. Suy cho cùng, hệ tư tưởng của Singapore và Trung Quốc rõ ràng là na ná nhau, và ông Mahbubani hiểu rõ điều này hơn ai hết.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản trên những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một bình luận viên tại Cointelegraph.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do John Mac Ghlionn thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: