Trung Quốc và Cambodia tuyên bố ‘tình hữu nghị sắt son’, bắt đầu xây dựng các cơ sở hải quân mới
Hôm 08/06, các quan chức Trung Quốc và Cambodia cho biết họ đã chính thức bắt đầu khai triển một dự án mở rộng căn cứ hải quân lớn nhất Cambodia do Trung Quốc tài trợ. Một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mô tả dự án này là minh chứng cho “quan hệ đối tác sắt son” của hai quốc gia này.
Thông báo trên có khả năng làm rung chuyển cộng đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ vì họ đã từng đưa ra các cảnh báo từ năm 2019 rằng Cambodia và Trung Quốc đã soạn thảo một hiệp ước bí mật bảo đảm cho Trung Quốc tiếp cận quân sự không bị kiểm soát vào hải cảng nằm trên Vịnh Thái Lan sau khi hoàn thành.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Cambodia Hun Sen xem những lời cảnh báo này là tin giả.
Khi đó, ông Hun Sen đã từng nói: “Đây là tin tức bịa đặt tồi tệ nhất nhắm vào Cambodia.”
“Những chuyện như thế không thể xảy ra bởi vì việc đặt các căn cứ quân sự ngoại quốc là vi phạm hiến pháp Cambodia.”
Tuy nhiên, hôm 08/06, Bộ trưởng Quốc phòng Cambodia Tea Banh nói rằng bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng các cơ sở tại căn cứ hải quân Ream và Cambodia sẵn sàng chấp nhận hỗ trợ quân sự từ tất cả các quốc gia.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc lần đầu tiên được nhìn thấy hồi tháng Một để chuẩn bị mở rộng khu vực này, bao gồm các kế hoạch xây dựng một xưởng cạn, một cầu tàu mở rộng, một bệnh viện, một phân xưởng và một “tòa nhà lễ tân.”
Việc mở rộng và hiện đại hóa căn cứ này sẽ tăng kích thước các tàu phục vụ ở đó lên gấp 5 lần, từ những tàu có lượng choán nước 1,000 tấn đến những tàu có lượng choán nước 5,000 tấn. Điều đó có nghĩa là cảng này vẫn sẽ quá nhỏ để có thể chứa các tuần dương hạm mang hỏa tiễn dẫn đường Type 055 mới nhất của Trung Quốc nhưng sẽ có thể tiếp nhận các khu trục hạm nhỏ hơn, kể cả những tàu được trang bị hỏa tiễn chống hạm và các gói tác chiến điện tử.
Về phần mình, Bộ trưởng Tea Banh kêu gọi các tùy viên quốc phòng từ Hoa Kỳ đừng lo lắng về tác động của một tấm biển có mặt tại lễ khởi công, trong đó có nội dung ghi rằng dự án được “viện trợ không hoàn lại từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” tài trợ.
Ông Banh nói: “Xin đừng quá lo lắng về căn cứ Ream này.”
“Cảng này quá nhỏ và thậm chí sau khi nâng cấp, nó không thể là một cảng có thể đe dọa bất kỳ quốc gia nào.”
Căn cứ Ream nằm trên Vịnh Thái Lan, ngay tiếp giáp với Biển Đông, nơi Trung Quốc liên tục khẳng định các yêu sách phi pháp để mở rộng lãnh thổ của mình bằng cách vừa ngụy tạo “các chủ quyền lịch sử”, đồng thời vừa tạo ra các đảo nhân tạo mà họ tuyên bố là phần lãnh thổ toàn vẹn của họ.
Ông Vương Văn Thiên (Wang Wentian), đại sứ của ĐCSTQ tại Cambodia, nói rằng việc xây dựng sẽ tuân theo một kế hoạch đã được Thủ tướng Hun Sen và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đồng thuận, và sẽ “… thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung có ý nghĩa chiến lược.”
Ông Vương nói, hải cảng này sẽ là minh chứng cho “tình hữu nghị và hợp tác sắt son giữa hai quân đội” Trung Quốc và Cambodia.
Trong nhiều năm qua, ĐCSTQ đã nỗ lực để lôi kéo Cambodia vào phạm vi ảnh hưởng của họ và tránh xa mối bang giao tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ. Hồi năm 2016, họ đã dẫn đến một nỗ lực đại tu hệ thống tư pháp Cambodia cho giống với hệ thống tư pháp của Trung Quốc hơn. Tương tự như vậy, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ dollar vào cơ sở hạ tầng của Cambodia, đồng thời giúp quốc gia này phá bỏ các tòa nhà được xây dựng bằng tiền tài trợ của Hoa Kỳ trước đây.
Dự án cảng tại Căn cứ Hải quân Ream chỉ là dự án mới nhất trong một loạt các hoạt động của ĐCSTQ nhằm tích cực mở rộng sự hiện diện quân sự ở hải ngoại của họ thông qua việc thiết lập các căn cứ và thỏa thuận an ninh, trong đó gần đây nhất là nỗ lực đạt được một thỏa thuận an ninh với 10 quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
ĐCSTQ hiện chỉ thừa nhận một căn cứ quân sự đặt ở hải ngoại tại Cộng hòa Djibouti, nằm ngay phía nam Yemen.
Dự án mở rộng Ream dự kiến sẽ mất hai năm để hoàn thành. Hiện tại, ngoại giới vẫn chưa rõ dự án này đã tiêu tốn bao nhiêu tiền.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.