Trung Quốc và Ấn Độ cạnh tranh trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran
Sau sự kiện biên giới Galwan đẫm máu vào ngày 15/6 khiến binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ thiệt mạng, Trung Quốc và Ấn Độ dường như đang tính toán lại mối quan hệ của họ theo nhiều cách. Ở Trung Đông, Trung Quốc gần đây đã thay thế Ấn Độ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Cũng trong khoảng thời gian căng thẳng lên đến đỉnh điểm sau sự kiện Galwan, Iran đã hoàn tất thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm với Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD. Một tháng sau, Iran quyết định chấm dứt thỏa thuận năm 2016 với Ấn Độ cho một dự án đường sắt nối cảng Chabahar với Afghanistan, với lý do Ấn Độ chậm trễ trong việc tài trợ vốn.
Trong thời gian xảy ra đại dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ, với vai trò chủ chốt ở Trung Đông và là cầu nối giữa Trung Đông và Châu Âu, đã ngày càng trông chờ vào Trung Cộng về đầu tư và dự trữ ngoại tệ. Hai nước đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 1 tỷ USD vào năm 2019 và vào tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng 400 triệu USD trong cơ sở tài trợ được mở rộng bởi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Đất nước này cũng là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong kết nối Á- Âu.
Mối quan hệ của Ấn Độ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở nên xấu đi trong những tháng gần đây vì Ankara đứng về phía Pakistan chống lại Ấn Độ trong việc tranh chấp khu vực Kashmir.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong chuyến thăm Pakistan hồi tháng 2, đã so sánh tình hình ở Kashmir với người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến I và đã có được sự ủng hộ của Pakistan đối với vấn đề này.
Chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng chỉ trích ông Erdogan về điều đó trong một thông cáo báo chí chính thức.
“Những nhận xét này không phản ánh sự hiểu biết về lịch sử cũng như ứng xử ngoại giao. Họ bóp méo các sự kiện quan trọng trong quá khứ để thúc đẩy một cái nhìn hạn hẹp về hiện tại. Ấn Độ đã có một cuộc thảo luận mạnh mẽ với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố.
Các chuyên gia cho biết sự phát triển và mối quan hệ này là những thỏa thuận tiện lợi và không thể hạn chế chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực và cũng sẽ không ngăn được vai trò tích cực và mang tính xây dựng của Ấn Độ trong khu vực.
Bà Manjari Singh, thành viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh trên bộ, nói với The Epoch Times qua điện thoại từ New Delhi rằng tình hình địa chính trị mới nổi ở Trung Đông liên quan đến Ấn Độ và Trung Quốc dựa trên nhiều yếu tố.
“Đây là một sự sắp xếp dựa trên nhu cầu và hướng đến lợi ích, trong đó kinh tế, đầu tư và thương mại là những yếu tố định hướng. Ngày nay, mọi quốc gia đều tham gia với các quốc gia khác dựa trên lợi ích của họ. Không có mối quan hệ dựa trên một yếu tố duy nhất. Đây là một tình huống tương tự”, bà nói và bổ sung rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các quốc gia Ả Rập đang là mối quan tâm của Ấn Độ nhiều hơn so với những quốc gia khác trong khu vực.
Ông James Carafano, một chuyên gia về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại tại Quỹ Di sản ở Washington, đã nói với The Epoch Times trong một email rằng đối với các mối quan hệ của Ấn Độ với các nước trong khu vực ngoại trừ Iran, “cho thấy” rằng mối quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã tác động đến vị thế của họ ở Trung Đông.
“Ấn Độ đã thực hiện một sự thay đổi chiến lược để mở rộng quan hệ trong khu vực vượt ra ngoài lăng kính đối phó với Iran. Hoa Kỳ thấy điều này là tích cực, nên đã hỗ trợ và khuyến khích. Ấn Độ chỉ có thể đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng”, ông Carafano nói.
Ấn Độ đấu với Trung Quốc ở Iran
Chuyển biến tiêu cực trong mối quan hệ giữa Ấn Độ-Iran được đề cập rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ là do Ấn Độ trì hoãn tài trợ cho một dự án đường sắt nối cảng Chabahar của Iran với Afghanistan.
Chabahar là một cảng chiến lược cho phép Ấn Độ kết nối với Trung Á và Afghanistan, bỏ qua Pakistan, và nó nằm trong một khu vực thương mại tự do. Ấn Độ đã ký thỏa thuận với Iran để xây dựng tuyến đường sắt từ cảng đến Zahedan, gần Afghanistan, vào tháng 5/2016 và đầu tư 500 triệu USD khi giai đoạn đầu tiên của dự án được khánh thành vào tháng 12/2017.
Tuy nhiên, chính phủ Iran đã quyết định bỏ Ấn Độ lại phía sau và thay vào đó đầu tư 400 triệu USD từ Quỹ phát triển quốc gia Iran, theo hãng truyền thông Ấn Độ Scroll.
Chính phủ Iran bày tỏ sự thất vọng đối với chính phủ Ấn Độ về sự chậm trễ trong việc tài trợ, âm thầm cáo buộc nước này sợ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, theo Tạp chí Đường sắt Quốc tế.
“Không có biện pháp nào của bên thứ ba hoặc các chính sách hạn chế như các biện pháp trừng phạt đơn phương bất công được phép cản trở các mối quan hệ gần gũi lâu dài giữa Ấn Độ và Iran”, chính phủ Iran cho biết.
Chính phủ Hoa Kỳ đã miễn trừ các biện pháp trừng phạt cho dự án này. Tuy nhiên, chính phủ Iran gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp thiết bị và các đối tác tiềm năng do họ lo ngại bị các quan chức Mỹ nhắm đến, tờ báo quốc gia Ấn Độ The Hindu đưa tin.
Sự nhầm lẫn về vấn đề này vẫn tồn tại trên các phương tiện truyền thông, sau này, người đứng đầu ngành Đường sắt Iran Saeed Rasouli kêu gọi Iran xem xét lại dự án cùng với Ấn Độ và nói rằng tin tức về việc Ấn Độ bị loại bỏ là việc liên quan tới quyền lợi, theo một thông điệp trên Twitter của Đại sứ quán Ấn Độ tại Tehran.
Ông Carafano nói rằng Iran sẽ là một “kẻ thất bại”, nếu họ đánh bật Ấn Độ khỏi thỏa thuận vì “Ấn Độ sẽ mang lại nhiều công việc và tăng trưởng thực sự”.
Bà Esra Serim, một nhà phân tích người Thổ Nhĩ Kỳ tại Pháp, nói với The Epoch Times trong một email rằng dự án đường sắt là công cụ của Iran để gia nhập và hiện diện ở Afghanistan, và sự hiện diện của Ấn Độ tại quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh này có thể được coi là thách thức của cả Iran và Pakistan.
Bà tin rằng hành vi của Iran có sự hậu thuẫn của Trung Cộng. “Trên thực tế, Trung Cộng không bao giờ muốn Ấn Độ tham gia vào dự án quan trọng/địa chiến lược này”, bà Serim nói thêm.
Bà Singh nói rằng mối quan hệ của Iran với Trung Quốc không nên được đánh đồng với mối quan hệ của Ấn Độ với Iran bởi mối quan hệ Ấn Độ-Iran là toàn diện hơn và nó văn minh hơn hoàn cảnh.
Ấn Độ đấu với Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ
Bà Serim nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu gần gũi hơn với Trung Quốc và bắt đầu bị xa lánh bởi phần còn lại của thế giới, đặc biệt là từ Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.
“Như một hệ quả tự nhiên, Ankara đang chuyển sang Trung Quốc để đầu tư, thương mại và dự trữ ngoại tệ cũng như các nước giàu ở Trung Đông như Qatar”, bà Serim nói.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã xấu đi vì quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ về Kashmir.
“Thật thú vị, Ankara vẫn giữ im lặng trước người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng Tân Cương Trung Quốc bất chấp sự tương đồng về tình hình cộng đồng Hồi giáo ở Kashmir. Điều này cho chúng ta thấy rằng sức mạnh đang tăng lên của Trung Cộng ở Trung Đông không còn là vấn đề nhỏ”, bà nói.
Ông Carafano tin rằng cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều đứng về phía Pakistan trong vấn đề Kashmir bởi những lý do khác nhau. “Không có bất kỳ tác động nào đến Kashmir”.
Bà Singh cho biết các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Thổ Nhĩ Kỳ là gián tiếp và là vấn đề về sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí.
“Trung Quốc được biết là đang sử dụng các cơ sở, nguồn nhân lực và lao động của mình cho các dự án và đầu tư ở nước ngoài. Đây là một thực tế đã được biết đến. Trong bối cảnh đó, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ không có gì đáng ngạc nhiên, cộng với việc nếu bạn nhìn vào tỷ giá hối đoái, cả đồng Lira và đồng Nhân dân tệ đều có cùng giá trị và rẻ hơn một USD”, bà Singh nói, bổ sung rằng cả hai loại tiền tệ đều có giá trị là 0,14 USD.
“Vì vậy, đối với Trung Quốc, điều này phải có một mục đích khác ngoài kinh tế, nhưng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, một lần nữa là vì sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí”, bà nói.
Bà Singh đã đề cập rằng, giống như thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 1 tỷ USD giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc đã ký vào năm ngoái, Ấn Độ đã hứa một thỏa thuận trị giá 2,3 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 liên quan đến việc sản xuất năm đội tàu hỗ trợ. Các thỏa thuận đã được tạm dừng vào tháng 10/2019 do mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của Thổ Nhĩ Kỳ với Pakistan và vì lý do chi phí, nhưng sau đó chính phủ Ấn Độ đã tái khẳng định thỏa thuận và ký hợp đồng vào tháng 2.
“Tuy nhiên, sau nhiều cân nhắc và tuyên bố mạnh mẽ của New Delhi từ chối tất cả các tài liệu tham khảo về Kashmir của Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, Ấn Độ đã đi trước với hợp đồng chính thức trong năm nay”, bà nói.
Tác giả: Venus Upadhayaya