Trung Quốc tuyên bố tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử
Hôm 03/01, Trung Quốc, Pháp, Anh Quốc, Hoa Kỳ, và Nga đã ra một bản tuyên bố chung, khẳng định bằng mọi giá phải ngăn chặn chiến tranh nguyên tử và phổ biến vũ khí nguyên tử.
“Chúng tôi khẳng định rằng một cuộc chiến tranh nguyên tử không thể được chấp nhận và không bao giờ được dùng trong chiến đấu,” tuyên bố này viết.
“Vì việc sử dụng nguyên tử sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng khôn lường, nên chúng tôi cũng khẳng định rằng các vũ khí nguyên tử — chừng nào loại vũ khí này còn tồn tại — phải phục vụ cho các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược, và ngăn chặn chiến tranh. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng cần phải ngăn chặn sự phổ biến rộng rãi của các loại vũ khí như vậy.”
Năm quốc gia vốn là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc này đều là các cường quốc nguyên tử. Tuy nhiên, họ cam kết rằng “mục tiêu cuối cùng về một thế giới không có các vũ khí nguyên tử với độ an toàn không suy giảm cho tất cả mọi người,” là mục tiêu tối thượng của họ.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau, một quan chức Trung Quốc đã long trọng tuyên bố rằng chính quyền cộng sản của nước này sẽ tiếp tục những nỗ lực chưa từng có để hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử của mình.
Ông Phó Thông (Fu Cong), Cục trưởng Cục kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc sẽ tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí nguyên tử của mình đối với các vấn đề về độ tin cậy và an toàn.”
Ông Phó bác bỏ bằng chứng cho thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí nguyên tử đồng thời khẳng định rằng nước này sẽ không xem xét bất kỳ đề xướng nào về việc giải trừ kho dự trữ nguyên tử chừng nào Hoa Kỳ và Nga giải trừ kho vũ khí nguyên tử của họ trước.
Ông Phó nói tại một cuộc họp hôm thứ Ba (30/12/2021), “Hai siêu cường này cần phải … giảm mạnh khả năng nguyên tử của họ xuống mức tương đương với mức của Trung Quốc, và quan trọng là về mức ngang với của Pháp và Anh Quốc, để các quốc gia nguyên tử khác có thể tham gia vào quá trình này.”
Nhận xét của ông Phó mâu thuẫn với ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí nguyên tử của mình để cạnh tranh với Nga và Hoa Kỳ, hai cường quốc nguyên tử lớn nhất thế giới.
Một báo cáo hồi tháng 11/2021 của Ngũ Giác Đài cho thấy chính quyền Trung Quốc có thể sẽ có 1,000 hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử vào năm 2030. Báo cáo trên lưu ý sự phổ biến của các hầm chứa hỏa tiễn nguyên tử và tăng cường sản xuất các sản phẩm phụ từ năng lượng nguyên tử ở Trung Quốc là những yếu tố góp phần vào tốc độ mở rộng nhanh chóng này.
Hoa Kỳ và Nga được cho là sở hữu 5,500 và 6,255 đầu đạn nguyên tử, mặc dù cả hai quốc gia này đều bị ràng buộc bởi Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) không bao giờ duy trì hơn 1,550 hỏa tiễn nguyên tử hoạt động cùng một lúc.
Chương trình mở rộng và hiện đại hóa này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm đi trước sự phát triển của quân đội Hoa Kỳ bằng cách giành chiến thắng hiệu quả trong cuộc đua hướng tới các công nghệ thế hệ tiếp theo chứ không phải là lãng phí nguồn lực vào việc đối chọi với khả năng hiện tại của Hoa Kỳ.
Chương trình này đã đẩy bang giao Trung-Mỹ xuống một mức thấp mới.
Một ví dụ điển hình của nỗ lực này là cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh có khả năng mang đầu đạn nguyên tử của ĐCSTQ hồi tháng 07/2021, công nghệ này có vẻ giống với công nghệ mà Hoa Kỳ đã thử nghiệm một thập niên trước nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng vũ khí này đã phóng một hỏa tiễn thứ hai khi đang bay siêu thanh, làm dấy lên lo ngại rằng nhà cầm quyền này đang từ bỏ chính sách được cho là họ sẽ không sử dụng nguyên tử trước — một lập trường quy định rằng vũ khí nguyên tử chỉ được sử dụng để phòng thủ trước một cuộc tấn công nguyên tử đầu tiên.
Khi đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân John Hyten nói rằng hệ thống này hoàn toàn có thể được sử dụng để tiến hành một cuộc tấn công nguyên tử bất ngờ nhằm vào Hoa Kỳ, rõ ràng là bác bỏ sự cương quyết của giới lãnh đạo Trung Quốc rằng họ có chính sách “không sử dụng đầu tiên” đối với các vũ khí nguyên tử.
Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS rằng, “Chúng trông giống như một vũ khí để sử dụng đầu tiên. Đó là liên tưởng của tôi về những vũ khí loại đó.”
“Họ đã phóng một hỏa tiễn tầm xa,” ông Hyten nói. “Nó đã đi vòng quanh thế giới, thả một phương tiện lướt siêu thanh lướt về lại Trung Quốc, vốn lao trúng một mục tiêu ở Trung Quốc.”
Tương tự như vậy, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc, một cơ quan cố vấn được Quốc hội ủy nhiệm, đã công bố một báo cáo hồi tháng 11/2021 cho thấy rằng ĐCSTQ có thể đang cố tình từ bỏ chính sách nguyên tử chỉ mang tính phòng thủ.
Báo cáo đó đã trích dẫn quyết định gần đây của nhà cầm quyền này trong việc thực hiện một chính sách kích hoạt khi có cảnh báo (“launch-on-warning”) đối với một số lực lượng nguyên tử của mình. Như cái tên này gợi ý, lập trường như vậy có nghĩa là một cuộc tấn công nguyên tử trả đũa sẽ được thực hiện ngay khi nhận được một cảnh báo đơn thuần rằng sắp xảy ra một cuộc tấn công nguyên tử, thay vì chờ đợi để xác minh rằng đã thực sự xảy ra một vụ nổ.
Cả Hoa Kỳ và Nga đều có các đơn vị phóng-khi-cảnh-báo. Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng ĐCSTQ đang trong giai đoạn nước rút để thống trị các công nghệ vũ khí nguyên tử mới.
Các chuyên gia và cũng như các chính trị gia đã lên tiếng cảnh báo rằng nhà cầm quyền này hoàn toàn không quan tâm đến khái niệm đồng đẳng, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng kho vũ khí nguyên tử ngày càng tăng của ĐCSTQ có thể cung cấp một lớp vỏ bọc cho các hành động chiến tranh thông thường hoặc nếu không thì được sử dụng để chèn ép các đối thủ quốc tế.
Do đó, tâm huyết của nhà cầm quyền này trong việc duy trì tinh thần của bản tuyên bố chung trên đã vấp phải nghi vấn của nhiều chuyên gia.
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: