Trung Quốc tuyên bố sẽ khiến những người ủng hộ ‘Đài Loan độc lập’ phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời
Trung Quốc sẽ khiến những người ủng hộ “Đài Loan độc lập” phải chịu trách nhiệm hình sự suốt đời, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của đại lục cho biết hôm 05/10 khi hòn đảo này phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía bên kia eo biển.
Lời cảnh báo khắc nghiệt hôm thứ Sáu (05/10) là hình thức trừng phạt cụ thể đầu tiên mà Bắc Kinh đưa ra nhằm xoay chuyển chủ quyền của hòn đảo được cai trị dân chủ này. Bắc Kinh đã tuyên bố hòn đảo là của mình và đe dọa sẽ chiếm đoạt bằng vũ lực nếu cần thiết.
Bà Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), một phát ngôn viên của văn phòng này, cơ quan hành chính cao nhất của Trung Quốc giám sát các vấn đề liên quan đến Đài Loan, hôm thứ Sáu cũng chỉ đích danh ba quan chức Đài Loan là Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang), Chủ tịch Quốc hội Du Tích Khôn (You Si-kun), và Bộ trưởng Ngoại giao Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu), những người mà bà gắn nhãn như là “ngoan cố ủng hộ Đài Loan độc lập.”
Bà Chu cho biết, ba người này đã bị đưa vào danh sách đen cấm họ và người thân của họ vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Ma Cao. Theo bà Chu, các công ty và tổ chức liên kết với họ sẽ không được phép hợp tác với các tổ chức hoặc cá nhân ở đại lục, cũng như không được tìm kiếm lợi nhuận ở đại lục.
Bà nói rằng ba quan chức này đã phạm tội kích động tình cảm tiêu cực và “bôi nhọ” Trung Quốc đại lục, cũng như thông đồng với các thế lực ngoại quốc – những cáo buộc mà Bắc Kinh đã đưa ra đối với các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và các nhà lập pháp phương Tây trong quá khứ.
Gần đây, ông Ngô đã trở thành một mục tiêu của các cuộc tấn công của truyền thông nhà nước Trung Quốc sau khi ông thực hiện một chuyến công du hiếm hoi đến Âu Châu vào cuối tháng trước, tập hợp các quốc gia cùng chí hướng để cùng nhau chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tờ Thời báo Hoàn Cầu do Đảng kiểm soát đã đăng nhiều bài viết tuyên bố ông Ngô đang tham gia vào chính sách “ngoại giao dollar” để khiến Âu Châu xa lánh Trung Quốc, điều mà Đài Loan bác bỏ là “sự bôi nhọ.”
Bộ ngoại giao Đài Loan đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.
Bắc Kinh đã đưa ra lệnh trừng phạt này khi họ đẩy mạnh một chiến dịch đe dọa hòn đảo. Nhà cầm quyền này đã thể hiện sức mạnh quân sự của mình bằng cách điều các chiến đấu cơ về phía Đài Loan, làm dấy lên lo ngại về một cuộc tấn công có thể xảy ra từ phía Trung Quốc.
Trước đó một ngày, một quan chức đứng đầu của Đài Loan tiết lộ rằng Bắc Kinh đã cân nhắc về việc xâm chiếm các đảo do Đài Loan kiểm soát nằm gần đại lục, mặc dù ông cho rằng kịch bản này khó xảy ra trước năm 2024.
Khi được một nhà lập pháp từ Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền của Đài Loan hỏi rằng ông cảm thấy thế nào về việc bị Bắc Kinh trừng phạt, Thủ tướng Tô cho biết ông chỉ đơn thuần là hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với Đài Loan. Ông nói, “ĐCSTQ chưa đến Đài Loan được một ngày nhưng lại đổ lỗi cho các vấn đề của Đài Loan.”
Ông Du, chủ tịch Lập Pháp Viện Trung Hoa Dân Quốc, dường như đã tìm thấy sự hài hước trong lệnh trừng phạt này.
“Một lần nữa được đưa tin trên Tân Hoa xã,” ông viết trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Sáu, đính kèm một ảnh chụp màn hình một bản tin về lệnh trừng phạt. “Có vẻ như danh tiếng quốc tế của tôi đã có thêm một sự thúc đẩy đáng kể. Cảm thấy rất vinh dự!” ông nói.
Hôm thứ Sáu, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan nói rằng các quan chức của họ đã hành động vì lợi ích của chủ quyền quốc gia và hòa bình khu vực. Hội đồng này cho biết, danh sách trừng phạt là một phần trong chiến thuật của Bắc Kinh nhằm “khiến các đối thủ phải phục tùng ý tưởng chính trị nông nổi của mình.”
“Nếu Bắc Kinh cố gắng làm tổn hại đến nền dân chủ và tự do của chúng tôi và tạo ra sự phản đối và bất bình, chính phủ của chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đối ứng cần thiết để bảo đảm an toàn cho dân chúng,” hội đồng cảnh báo. Nếu điều đó xảy đến, hội đồng nói thêm, “Trung Cộng sẽ phải chịu bất kỳ hậu quả nào có thể xảy ra.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: