Trung Quốc tuyên bố mang lại nền dân chủ thực sự sau thất bại của Hoa Kỳ ở Afghanistan
Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố kết thúc chiến tranh vào ngày 31/08, hôm 06/09, ông Mawlawi Abdul Salam Hanifi, phó thủ lĩnh của Taliban đã gặp ông Wang Yu, Đại sứ Trung Quốc tại Kabul, trong bối cảnh Trung Cộng lặp lại sự ủng hộ đối với Taliban trong việc thành lập một “chính phủ cởi mở, hòa nhập, và mang tính đại diện cho toàn dân.”
Các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng tình huống đang xuất hiện ở Afghanistan là biểu tượng cho sự thất bại của các hệ thống dân chủ, điều mà Trung Cộng đã tận dụng như là một cơ hội để thúc đẩy những câu chuyện sai lệch về dân chủ, sự cai trị, và ổn định của mình.
“Sự thay đổi căn bản đó là mặc dù Hoa Kỳ gọi cuộc rút quân của mình là một thành công nhưng chính sự tiếp quản của Taliban đã làm tổn hại đáng kể hình ảnh của nước Mỹ và một lực lượng của trật tự tự do. Mặt khác, chính khía cạnh này đã khích lệ hơn nữa sự cai trị độc tài vốn cũng được thực thi ở Trung Quốc,” Tiến sĩ Amrita Jash nói với The Epoch Times trong một email. Bà Jash là một chuyên gia phân tích về Trung Quốc và là tác giả của cuốn “Khái niệm về Phòng thủ Tích cực trong Chiến lược Quân sự của Trung Quốc” (The Concept of Active Defence in China’s Military Strategy).
Khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan, Trung Cộng đã trở nên táo bạo hơn trong các câu chuyện về nền dân chủ của mình.
Trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 20/08, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công kích phong cách dân chủ của Mỹ và đặt câu hỏi về những hậu quả của việc Mỹ can thiệp vào Afghanistan.
Trong một ý kiến thẳng thắn về hệ thống dân chủ của nước Mỹ, bà Hoa nói rằng nền dân chủ không thể “được định trước hoặc phát triển quá mức.”
“Chẳng có một mô hình cố định nào cho dân chủ cả. Dân chủ không phải là Coca-Cola, thứ có chứa chất lỏng tạo ngọt do Hoa Kỳ sản xuất, có mùi vị giống nhau trên toàn thế giới. Đối với chúng tôi, một tiêu chí chính của dân chủ là liệu đất nước đó có thể đáp ứng được những mong đợi, nhu cầu, và nguyện vọng của người dân hay không,” bà Hoa nói.
Bà Jash cho biết sự thất bại trong việc “duy trì một hệ thống dân chủ” ở Afghanistan và cách mọi việc diễn biến sau ngày 15/08 (ngày Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul) đã khuyến khích Trung Quốc thúc đẩy những lối nói như vậy.
“Điều này được thấy rõ khi mối thân tình giữa Trung Quốc và Taliban ngày càng lớn dần, và Taliban đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để khôi phục kinh tế của Afghanistan. Chính sự thay đổi phương hướng động lực này mang lại viễn cảnh rằng sự sụp đổ của hệ thống dân chủ chỉ tạo thêm tín nhiệm cho các hệ thống độc tài lớn hơn,” bà Jash cho biết.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, một hãng thông tấn được điều hành bởi nhà nước Trung Quốc, ông Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban, cho biết trong một cuộc họp báo ở Kabul hôm 06/09 rằng Taliban muốn hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, và phát triển cơ sở hạ tầng bao gồm cả xây dựng các dự án thủy lợi, điện năng, và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên.
Bà Jash nói rằng tình hình hiện tại ở Afghanistan đã “tự động” trợ giúp cho khát vọng trở thành một siêu cường toàn cầu của Trung Quốc, điều đã gây tổn hại cho hình ảnh của nước Mỹ.
Trong khi đó, trong cuộc họp báo hôm 20/08, bà Hoa đã đi xa hơn khi đưa ra ý tưởng về “nền dân chủ của Trung Quốc” và nói rằng người dân Trung Quốc được hưởng “nền dân chủ nhân dân trong khi Hoa Kỳ là một nền dân chủ tiền tệ.”
“Người dân Trung Quốc được hưởng nền dân chủ thực chất trong khi người Mỹ chỉ có nền dân chủ trên hình thức; Trung Quốc có một nền dân chủ toàn bộ quy trình trong khi Hoa Kỳ có một nền dân chủ bỏ phiếu diễn ra bốn năm một lần,” bà Hoa nói. Sau đó, bà đã đặt các câu hỏi về hậu quả của việc Hoa Kỳ thúc đẩy nền dân chủ Mỹ trên khắp thế giới.
“Ở quốc gia nào bị [Hoa Kỳ] can thiệp mà người dân đã thực sự được hưởng hòa bình, an ninh, tự do và dân chủ? Iraq, Syria, hay Afghanistan. Kéo bè kết cánh dưới danh nghĩa dân chủ, cố ý can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, và thậm chí tùy tiện cản trở sự phát triển bình thường của các quốc gia khác cùng quyền chính đáng có được cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân là phản dân chủ hơn bất kỳ điều gì khác. Đây là một chế độ chuyên quyền, bá quyền, và toàn trị,” bà Hoa nói.
‘Khả năng kinh khủng’
Ông Michael Johns, đồng sáng lập phong trào Đảng Trà Hoa Kỳ, người có công trong việc phát triển và thực hiện Học thuyết Reagan, mà theo đó Hoa Kỳ đã hỗ trợ quân sự cho quân kháng chiến Afghanistan trong thời Liên Xô chiếm đóng Afghanistan, đã nói với The Epoch Times trong một email rằng, cách chính phủ ông Biden rút quân khỏi Afghanistan đã khiến những người hoài nghi nhiều nhất về dân chủ có cơ hội lập luận rằng dân chủ không thể hoạt động ở những quốc gia như Afghanistan. Vì thế, việc rút quân này đã mang lại tính hợp pháp cho sự cai trị của Taliban.
Theo ông Johns, người cũng từng là phụ tá cao cấp của ông Thomas Kean, chủ tịch Ủy ban 11/09, có thể có hai tình huống để giải thích cho đường lối rút quân khỏi Afghanistan của Hoa Kỳ.
“Tình huống thứ nhất đòi hỏi chấp nhận rằng một đội quân sự, ngoại giao, và an ninh quốc gia gồm hàng chục quan chức cao cấp rất có ý tưởng nhưng không có năng lực đã thực hiện khoảng mười tính toán sai lầm lớn liên tiếp, và tôi thấy điều đó là không thể tưởng tượng nổi,” ông Johns cho biết.
“Tình huống thứ hai đòi hỏi phải đối mặt với một khả năng thậm chí còn kinh khủng hơn — tất cả các quyết định này đều đã được thực hiện khá sát với kế hoạch thực sự của họ, bao gồm cả việc chấp nhận và thậm chí ủng hộ sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan dân chủ và sự trỗi dậy của Taliban đi cùng với một quyết định biết rõ là bỏ lại phía sau những người Mỹ dễ bị tổn thương, những đồng minh Afghanistan dễ bị tổn thương từ cuộc chiến này cùng hàng tỷ dollar thiết bị quân sự tân tiến,” ông nói thêm rằng điều này sẽ là một hành vi có thể bị kết tội.
Tuy nhiên, ông cho biết nếu không phải vì “sự can thiệp ác ý của Pakistan và khoảng 50,000 quân Taliban có vũ trang nhằm bảo đảm” nền dân chủ không hoạt động, thì ở Afghanistan đã tồn tại một sự đồng thuận lớn hơn đối với một hình thức chính phủ phân cấp đại diện.
“Đó là điều mà tổng thống lâm thời Amrullah Saleh đang hứa hẹn và đưa ra, và tôi cho rằng người Afghanistan sẽ tụ tập xung quanh ông ấy, chứ không phải Taliban. Hiến pháp này được xây dựng tốt nhưng cần được các cường quốc ngoại quốc tôn trọng. Nếu điều đó được thực hiện, thì ông Saleh sẽ hoạt động với tư cách là một tổng thống lâm thời và các cuộc bầu cử sẽ sớm được lên lịch,” ông Johns nói. Tuy nhiên, theo ông, Taliban cần phải bị giải trừ vũ khí và đó là một khả năng khó xảy ra.
Ông Johns cho biết sẽ là sai lầm nếu phân tích tình hình này và kết luận rằng người Afghanistan không mong muốn hoặc không có khả năng duy trì một chính phủ đại diện.
Ông chỉ ra việc những người đàn ông có vũ khí tự động đã được yêu cầu bảo vệ các tòa nhà chính phủ sau ngày 15/08 như thế nào. Điều này nhấn mạnh việc họ không được ủng hộ và bị công chúng Afghanistan chán ghét, những công chúng này cũng như phần còn lại của thế giới biết rằng Taliban là những kẻ vi phạm nhân quyền có hệ thống.
“Nhưng phần lớn người Afghanistan cũng biết những gì mà thế giới đang không thực sự bàn đến đó là: Taliban không có kỹ năng về mặt hoạt động hay chức năng trong việc điều hành một chính phủ và không có năng lực tài chính bền vững để làm điều đó ngay cả khi họ có kỹ năng như vậy. Vì vậy, họ sẽ cần sự tham gia của nước ngoài và điều này trở thành vô cùng thuận lợi cho Trung Cộng, bên có Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm tìm cách ngăn chặn Hoa Kỳ khỏi các tuyến thương mại quan trọng,” ông Johns cho biết.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập kỷ. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững, và lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Từ Huệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: