Trung Quốc thuê dư luận viên để đối phó với tin tức về dịch tả heo
Một loạt tài liệu nội bộ thuộc các cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã tiết lộ cách thức khai triển những dư luận viên trên mạng internet trong thời điểm có thông tin xấu nhằm thao túng dư luận theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Hồ sơ thu thập được từ Cơ quan quản lý không gian mạng thành phố Lạc Dương trực thuộc Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc, là cơ quan kiểm duyệt internet chủ chốt của Trung Quốc, cho thấy nhà cầm quyền đã thuê những dư luận viên trực tuyến viết các bài ca ngợi chính quyền và đăng lên mạng xã hội. The Epoch Times có được các tài liệu rò rỉ này từ một nguồn đáng tin cậy.
Những dư luận viên này được trả 11 Nhân dân tệ (khoảng 1.62 USD) cho mỗi bài đăng mà họ thực hiện.
Thao túng dư luận
Lạc Dương là thành phố thuộc tỉnh Hà Nam ở miền trung Trung Quốc.
Vào giữa tháng 2/2019 đã xảy ra một vụ bê bối về an toàn thực phẩm xung quanh công ty Sanquan Food có trụ sở tại Hà Nam. Sản phẩm há cảo của thương hiệu này bị phát hiện có dấu vết của loại virus gây bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF).
ASF bùng phát lần đầu tiên trong quần thể heo của Trung Quốc hồi tháng 8/2018 và nhanh chóng lan rộng khắp nước này. ASF khiến heo chết, nhưng không ảnh hưởng đến người. Gia súc thường bị tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan
Thông tin về những chiếc há cảo bị nhiễm độc nhanh chóng lan truyền trên các mạng xã hội Trung Quốc, buộc chính quyền phải công khai thừa nhận vụ việc.
Hôm 16/2/2019, tất cả các cửa hàng tạp hóa trực tuyến và bán hàng trực tiếp ở Trung Quốc đã đưa sản phẩm há cảo Sanquan ra khỏi quầy hàng của họ.
Cơ quan quản lý không gian mạng Lạc Dương đã thông báo với chính quyền thành phố về việc thuê những dư luận viên trên mạng nhằm cố gắng thao túng dư luận sau vụ bê bối thực phẩm của công ty Sanquan.
Một dư luận viên có biệt danh trên mạng là “Qingqi Suoyou” đã đăng bình luận: “Kể từ khi bùng phát dịch ASF đầu tiên [trên thế giới] khoảng một trăm năm trước đây, không có người nào bị nhiễm virus ASF hết. Vì vậy, virus ASF sẽ không ảnh hưởng đến các sản phẩm thịt heo. Quý vị có thể ăn thịt và các sản phẩm liên quan.”
Một dư luận viên được thuê khác có tên “Ruguo” viết: “Virus ASF sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao. Quý vị có thể ăn [há cảo] bằng cách nấu chín hoàn toàn.”
Những dư luận viên khác thì cố gắng biến tin thật thành tin đồn. Một dư luận viên được thuê có nickname là “Qinghe” bình luận: “Đừng tin vào những tin đồn và đừng lan truyền những tin đồn. Tất cả các doanh nghiệp lớn đều có thể truy ra nguồn gốc nguyên liệu mà họ đã sử dụng.”
Một số người cố gắng sử dụng cơ hội này để ca ngợi chính phủ.
Dư luận viên có biệt danh là “Kantaiyang” đã đăng: “Nước ta luôn coi an toàn thực phẩm là điều rất quan trọng. Tôi tin rằng chính phủ sẽ cho người dân một câu trả lời [về nguồn gốc của virus].”
Người có nickname là “Hai’ai” đã đăng: “Chúng ta không thể nghi ngờ gì về việc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc và công ty Sanquan Food đã chủ động khi đối diện với vấn đề này. Điều quan trọng nhất là giải quyết vấn đề. Chúng ta không nên thắc mắc mọi thứ và nên im lặng chờ đợi.”
Cho đến nay, chính quyền địa phương và công ty Sanquan Food vẫn chưa giải thích được bằng cách nào mà virus lại xuất hiện trong các sản phẩm thực phẩm trên. Vài tuần sau khi vụ bê bối xuất hiện lần đầu tiên, công ty Sanquan bắt đầu lặng lẽ bán lại sản phẩm há cảo của mình.
Những người được thuê cũng xóa các bài đăng trên mạng xã hội không phù hợp với nội dung của các bài viết chính thức — nói rằng chính quyền địa phương và công ty Sanquan đã làm rất tốt trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Kiểm duyệt các bài đăng
Một bộ tài liệu ngày 15/8/2016 cho biết, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Lạc Dương đã thông báo với chính quyền thành phố về “thành tích” của mình.
Cơ quan này giải thích rằng họ đã phân loại các trang web và các nền tảng trực tuyến mà họ đang theo dõi thành các nhóm: “kiểm duyệt thủ công”, “kiểm duyệt tự động”, và “kiểm duyệt thủ công kết hợp tự động”.
Trong mục đầu tiên, những người kiểm duyệt internet sẽ rà soát thủ công tất cả các bài đăng trên các nền tảng và trang web lớn và hoạt động tương đối tích cực.
Kiểm duyệt “tự động” sẽ dành cho các trang web quy mô nhỏ và các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động kém tích cực hơn, chẳng hạn như Nghi Dương Online, một nền tảng dành cho những người sống ở huyện Nghi Dương thuộc thành phố Lạc Dương. Cơ quan quản lý sẽ dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc và giám sát các bài đăng.
Đối với các trang web và nền tảng truyền thông xã hội quy mô vừa, họ sẽ kiểm duyệt kết hợp giữa “thủ công và tự động” như sau: các bài đăng chủ yếu được lọc bằng công nghệ AI, nhưng những người kiểm duyệt được thuê sẽ giám sát các bài đăng để đảm bảo không có “thông tin bất lợi” nào được công bố.
Tài liệu cho biết, những người được thuê để kiểm duyệt phải làm việc suốt ngày đêm, đồng thời họ phải duy trì một kho dữ liệu chứa các bài đăng bị kiểm duyệt.