Trung Quốc thúc đẩy IPO tại Hồng Kông trong khi SEC của Hoa Kỳ do dự
Các nhà quản lý Trung Quốc có kế hoạch giữ dòng vốn ngoại quốc chảy vào bất chấp căng thẳng với Hoa Kỳ leo thang
Một kế hoạch dường như đang xuất hiện ở Trung Quốc nhằm cho phép dòng vốn ngoại quốc tiếp tục chảy vào nước này trong khi cho phép Bắc Kinh tăng cường kiểm soát đối với các đợt phát hành cổ phiếu của các công ty của Trung Quốc.
Đầu tháng này (07/2021), các cơ quan quản lý Trung Quốc bao gồm Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), Quốc vụ viện, Nội các Trung Quốc và Ủy ban Trung ương Trung Cộng đã tuyên bố rằng một khuôn khổ quy định mới là điều cần thiết để giám sát việc niêm yết cổ phiếu ở ngoại quốc của các công ty Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra vài tuần sau đợt IPO của ứng dụng gọi xe Didi Chuxing tại New York và có thể làm chậm cuộc đổ bộ các đợt IPO công nghệ của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Nhưng quy định mới này có thể không làm chậm dòng vốn ngoại quốc chảy vào Trung Quốc.
Trung Cộng đang xem xét việc miễn trừ cho các công ty niêm yết ra công chúng ở Hồng Kông không cần sự chấp thuận của CAC Trung Quốc. Theo một bản tin hôm 15/07 của Bloomberg, các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra, nhưng gần đây các nhà quản lý Bắc Kinh đã thảo luận về đề nghị này với các ngân hàng.
Nếu thành công, chính sách này có thể là một cách khéo léo để Bắc Kinh đạt được cả hai mục tiêu.
Bloomberg lưu ý rằng, trích lời những người có kiến thức về các cuộc thảo luận đang diễn ra, “Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc sẽ kiểm tra các công ty để bảo đảm họ tuân thủ luật pháp địa phương, nhưng chỉ [đối với] những công ty đến các quốc gia khác như Hoa Kỳ mới thực hiện việc xem xét chính thức.”
Niêm yết ở Hồng Kông thay vì ở Hoa Kỳ là một cách để có thể tránh được một rào cản lớn. Hồng Kông có ít rào cản kinh tế đối với các giao dịch và chào hàng xuyên biên giới—ít nhất là trên danh nghĩa—một khu vực tập trung cho các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Một số công ty Trung Quốc đang xem xét lại kế hoạch IPO tại Hoa Kỳ của họ. Xiaohongshu, một công ty truyền thông xã hội, gần đây đã hoãn kế hoạch bán cổ phiếu của họ tại New York trong tháng này. LinkDoc, một nhà cung cấp dữ liệu y tế của Trung Quốc, đã tạm hoãn IPO vào tháng 07/2021. Cả hai công ty này đều không có chi tiết về các kế hoạch của mình. Theo một bản tin của South China Morning Post, Lalamove, một công ty hậu cần của Trung Quốc, gần đây đã chuyển đợt IPO sắp tới của mình từ New York sang Hồng Kông.
Theo một báo cáo gửi khách hàng hôm 16/07 của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, ngân hàng này kỳ vọng rằng “sự đóng góp của Hồng Kông trong việc huy động vốn thông qua IPO của Trung Quốc sẽ mở rộng trong tương lai. (Ở trong nước) đóng góp của các cổ phiếu hạng A cũng sẽ tăng lên, nhưng ở mức độ thấp hơn [so với Hồng Kông], do Hồng Kông cung cấp khả năng tiếp cận nguồn vốn quốc tế tốt hơn và về lý thuyết, các nhà đầu tư toàn cầu sẽ dễ dàng giao dịch hơn.”
Morgan Stanley kết luận: “Trong khi đó, cổ phiếu [của Trung Quốc] tại Hoa Kỳ có thể sẽ giảm dần.”
Điều này bất chấp việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành thông báo “Hướng dẫn Kinh doanh tại Hồng Kông” cảnh báo các doanh nghiệp hoạt động tại Hồng Kông rằng họ phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng đối với hoạt động kinh doanh của mình khi Trung Cộng leo thang việc trấn áp tại thành phố này.
IPO ở Hồng Kông có tương đương với IPO ở Hoa Kỳ không? Dĩ nhiên là không. Nhưng IPO ở Hồng Kông có thể đạt gần tới mức như IPO ở Hoa Kỳ. [Bởi] tất cả các ngân hàng đầu tư quốc tế và các đại lý môi giới đều có mặt tại Hồng Kông bất chấp tình hình chính trị bất ổn gần đây.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ và ngoại quốc tiếp tục đổ tiền vào chứng khoán Trung Quốc. Trên thực tế, năm 2021 đang chứng kiến một lượng vốn ngoại quốc kỷ lục đổ vào các chứng khoán Trung Quốc bất chấp mọi thứ từ căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn, đến việc Trung Cộng tiếp tục đàn áp các nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ, thái độ hiếu chiến với Đài Loan, các chiến thuật [trấn áp] mạnh tay ở Hồng Kông, và sự sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc.
Hoạt động mua cổ phiếu và trái phiếu chính phủ của Trung Quốc ở ngoại quốc tiếp tục không suy giảm. Theo một nhà phân tích của Financial Times, các giao dịch mua từ tháng 01/2021 đến ngày 30/06/2021, đã ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Một phần là do các nhà cung cấp chỉ số tài chính tiếp tục đưa cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc vào các chỉ số thị trường mới nổi và toàn cầu của họ. Và một phần nữa là do nhu cầu đa dạng hóa và nhận thức về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sau đợt đại dịch COVID tồi tệ nhất hồi năm ngoái (2020).
Dòng tài chính hướng tới Trung Quốc và Hồng Kông khó có thể dừng lại, trừ khi môi trường có sự thay đổi mạnh mẽ. Hôm 16/07, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông đã tuyên bố rằng “Hồng Kông vẫn là một động lực quan trọng và sôi động cho dòng chảy thương mại và tài chính giữa phương Đông và phương Tây.” Tổ chức này có nhiều ngân hàng quốc tế là thành viên, bao gồm Goldman Sachs, JP Morgan, Bank of America và Wells Fargo.
Trong khi Bắc Kinh đang lên kế hoạch khuyến khích các đại công ty công nghệ của họ [niêm yết] ở gần quê nhà hơn, thì các nhà quản lý của Hoa Kỳ dường như do dự trong việc hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc.
Đạo luật về Trách nhiệm Giải trình Các Công ty Ngoại quốc của lưỡng đảng, đã được thông qua và ký thành luật hồi đầu năm nay, yêu cầu các công ty Trung Quốc cấp cho các nhà quản lý Hoa Kỳ quyền truy cập vào các báo cáo kiểm toán. Hiện tại, báo cáo kiểm toán của các công ty Trung Quốc được coi là bí mật quốc gia bị cấm chia sẻ.
Đạo luật này cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ có ba năm để tuân thủ hoặc đối mặt với việc bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của Hoa Kỳ.
Nhưng Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) vẫn chưa công bố hướng dẫn chi tiết về việc tuân thủ và thủ tục hủy niêm yết, cũng như chưa có bất kỳ cuộc thảo luận có ý nghĩa nào với các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là [quy định về] thời gian ba năm này vẫn chưa cần vội.
Ngay cả khi SEC thu thập thông tin phản hồi và ban hành các thủ tục chi tiết vào đầu năm sau (2022), thì các cuộc kiểm tra kiểm toán hoặc hủy bỏ niêm yết sẽ không xảy ra sớm nhất cho đến năm 2025.
Cho đến nay, các cơ quan quản lý Bắc Kinh dường như đang qua mặt các cơ quan quản lý của Hoa Thịnh Đốn trong vấn đề về tương lai của chứng khoán Trung Quốc.
Do Fan Yu thực hiện
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: