Trung Quốc thừa nhận: Nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức ‘chưa từng có’
Trong bài diễn văn ngày 13/7 tại một cuộc hội thảo kinh tế, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thừa nhận rằng đại dịch virus Trung Cộng toàn cầu đã đem lại “một tác động chưa từng có” đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Khó khăn
Tại cuộc hội thảo hôm thứ Hai 13/7 với các nhà kinh tế và doanh nhân Trung Quốc ở Bắc Kinh, ông Lý nói rằng dịch virus Trung Cộng và suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra đã tác động đến nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Lý cho biết, theo báo cáo chính thức công bố trên trang web, “Tình trạng bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đang diễn biến xấu đi, vì vậy kinh tế nước ta vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng.”
Chỉ ra thách thức lớn nhất là nạn thất nghiệp, ông nói, “Chúng ta nên tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến khó khăn.”
Hội thảo có sự tham gia của một số công ty hàng đầu Trung Quốc như Haier – nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất nước, Pinduoduo – nền tảng thương mại điện tử tương tác lớn nhất của Trung Quốc, và các chuyên gia gạo cội như ông Ma Jun, trưởng ban kinh tế tại phòng nghiên cứu thuộc ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Theo tin tức chính thức, các thành viên tham dự đã thảo luận “những khó khăn và xáo trộn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong năm nay nghiêm trọng như thế nào.”
Một người bán hàng nói chuyện điện thoại tại quầy hàng chứa đầy mũ nón giả của các thương hiệu cao cấp tại một khu chợ ở Thẩm Dương, Trung Quốc, vào ngày 1/7/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)
Đề xuất
Ông Lý nói rằng chính phủ và các công ty nên thảo luận về ba lãnh vực: việc làm, sinh kế của người dân, và thị trường Trung Quốc.
Ông đặc biệt lưu ý rằng sinh viên tốt nghiệp đại học và người lao động nhập cư là hai nhóm rất cần việc làm. Ông đề nghị chính quyền địa phương “thi hành các chính sách thuế ưu đãi và hỗ trợ tài chính khác dành cho các công ty dùng nhiều sức lao động, để có thể giúp họ thuê thêm người.”
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Lý nói rằng chính phủ nên cải tổ theo hướng tạo ra một nền kinh tế định hướng thị trường tốt hơn, tăng khả năng cạnh tranh của các công ty Trung Quốc trên thị trường toàn cầu, và khuyến khích người dân tiêu thụ nhiều hơn.
Xung đột
Kể từ cuối tháng 5, ông Lý đã nhiều lần nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của nền kinh tế lệch lạc của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này dường như mâu thuẫn với thông điệp của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong bài phát biểu ngày 28/5 tại phiên họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, ông Lý đã khuyến khích mọi người thành lập một “nền kinh tế hàng rong trên đường phố” nhằm giảm bớt khủng hoảng thất nghiệp tại Trung Quốc do đại dịch.
Ông Lý tiết lộ rằng khoảng 600 triệu người Trung Quốc hiện kiếm được khoảng 1,000 Nhân dân tệ (khoảng 140 USD) mỗi tháng, không đủ để trả tiền thuê nhà hàng tháng cho căn hộ một phòng ngủ mức trung bình tại một thành phố Trung Quốc.
Tuy nhiên trong một bài báo ngày 31/5 do ông Tập viết, được đăng trên tờ Sự Thật, tạp chí chính thức của Trung Cộng, đề cập rằng Trung Quốc đang tiến tới việc trở thành một “xã hội thịnh vượng vừa phải” với “400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu.”
Tiêu chuẩn của ông Tập đối với tầng lớp trung lưu là: thu nhập hộ gia đình hàng năm từ 14,160 – 70,810 USD. Nhưng ở Trung Quốc, các hộ gia đình nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà không phải là hiếm.
Những người bán hàng rong đang bán quần áo tại một khu chợ lộ thiên ở một con phố thuộc thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 8/6/2020.
Vào ngày 6/7, trên đường đi thị sát phía nam tỉnh Quý Châu, ông Lý tiết lộ rằng có rất nhiều xưởng sản xuất trong tỉnh đã đóng cửa, qua đó phản ánh sự trả giá của nền kinh tế do ảnh hưởng đại dịch.
Trong khi đó tờ Nhật Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, thì lại khuyến khích 8,74 triệu sinh viên vừa tốt nghiệp đại học đi về các vùng nông thôn để tìm việc làm.
An Nam