Trung Quốc thiết lập quy tắc quản trị cho các thuật toán nhằm ‘giữ gìn giá trị xã hội chủ nghĩa’
Cơ quan giám sát không gian mạng của Trung Quốc gần đây đã thông báo rằng họ sẽ thiết lập các quy tắc và hệ thống quản trị cho các thuật toán trong vòng ba năm tới hoặc lâu hơn, cùng với các cơ quan nhà nước khác của Trung Quốc.
Theo một tuyên bố hôm 29/09 được Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc công bố trên nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, WeChat, chính sách mới này được thiết lập nhằm tác động đến sự lựa chọn của người dùng, như cơ quan quản lý cho biết các thuật toán — chạy trên trình duyệt Internet và công cụ tìm kiếm trực tuyến — phải tuân thủ chặt chẽ với lợi ích của Đảng cầm quyền và các sáng kiến an ninh quốc gia.
Các công ty công nghệ đã phát triển các thuật toán cứng rắn nhằm mục đích “giữ gìn các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội” và nhằm giải quyết nghiêm khắc bất cứ điều gì mà cơ quan quản lý cho là vi phạm.
Tuyên bố cho biết: “Việc áp dụng các thuật toán nên tuân theo định hướng chính trị đúng đắn, dẫn dắt dư luận, và định hướng giá trị.”
Theo các tài liệu nội bộ của chính quyền mà The Epoch Times trước đây đã thu thập được, vào năm 2017, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu rõ tầm nhìn về việc “sử dụng công nghệ để thống trị Internet” nhằm đạt được toàn quyền kiểm soát mọi bộ phận của hệ sinh thái trực tuyến, bao gồm cả ứng dụng, nội dung, chất lượng, vốn và nhân lực.
Trong một bài diễn văn khác, được đưa ra vào tháng 04/2016, ông Tập đã tự tin tuyên bố rằng trong “cuộc đấu tranh” để kiểm soát Internet, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã chuyển hướng từ lối chơi “phòng thủ bị động” sang lối chơi đồng thời cả “tấn công lẫn phòng thủ”, theo một tài liệu nội bộ của chính quyền thành phố An Sơn tại tỉnh Liêu Ninh.
Những tuyên bố này khẳng định những nỗ lực mà Bắc Kinh đã thực hiện trong vài năm qua nhằm thúc đẩy phiên bản Internet độc tài của riêng mình như một hình mẫu cho thế giới.
Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc đã dựng khung quy tắc quản trị cho các thuật toán như là một điều cần thiết phục vụ cho lợi ích công cộng, nhưng các quan sát viên cho rằng những nỗ lực quản lý mới nhất này của ĐCSTQ là một hình thức kiểm soát hệ tư tưởng.
ĐCSTQ gần đây đã khai triển các cuộc trấn áp mới trong vài tháng qua, cả trực tuyến lẫn ngoại tuyến, đối với các ngành giáo dục, trò chơi điện tử, thương mại điện tử và giải trí. Các sáng kiến này được truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá như một “cuộc cách mạng sâu rộng” và một sự quay lại với bản chất của chủ nghĩa xã hội.
Bộ giáo dục Trung Quốc cho biết hồi tháng Bảy rằng Bắc Kinh cũng đã giới thiệu nội dung liên quan đến “sự lãnh đạo của Đảng” vào trong sách giáo khoa bắt buộc từ cấp tiểu học đến đại học, nhằm “dần dần hình thành” niềm tin của giới trẻ vào việc ủng hộ chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Tuần trước, một báo cáo của chính phủ Âu Châu cho thấy một số điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất bán tại thị trường nội địa có hệ thống kiểm duyệt tích hợp nhằm phát hiện và ngăn chặn các cụm từ nhạy cảm, chẳng hạn như “phong trào dân chủ” mà không cần có sự cho phép của người dùng.
Bà Rita Li là một phóng viên của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2018.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: