Trung Quốc tăng cường liên kết an ninh với Nigeria
Dấu chân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang mở rộng trên khắp Tây Phi, và cùng với đó là mối quan tâm mà Trung Quốc dành cho những công dân của họ ở khu vực này. Ba công dân Trung Quốc làm việc tại một nhà máy thủy điện ở tiểu bang Niger đã bị bắt cóc hôm 04/01, khiến Trung Quốc phải xem xét lại liên kết an ninh của họ với Nigeria.
Đại sứ Trung Quốc trước đó đã thông báo cử các chuyên gia điều tra tội phạm đến Nigeria để thúc đẩy các nỗ lực của quốc gia Tây Phi này trong cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố và kẻ cướp.
“Chính phủ trung ương của Trung Quốc thực sự lo ngại về tình hình an ninh ở Nigeria cũng như lo cho công dân Trung Quốc ở Nigeria,” Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria Thôi Kiến Xuân (Cui Jianchum) cho biết vào tháng Mười Hai trong một sự kiện tôn vinh một chương trình học bổng do Trung Quốc tài trợ tại Đại học Ahmadu Bello ở Zaria.
Ông nói: “Chính phủ trung ương đã quyết định cử một phái đoàn cao cấp gồm các chuyên gia điều tra tội phạm có kinh nghiệm thực tế.”
Nigeria hiện đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, biểu hiện dưới hình thức nổi dậy, bắt cóc, cướp bóc có vũ trang, và kích động ly khai của các nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram và Nhóm Nhà nước Hồi giáo nhánh Tây Phi (ISWAP).
Theo Statisense, một cơ quan tư vấn dữ liệu tư nhân, chỉ riêng nửa đầu năm 2021, ít nhất 32 người đã thiệt mạng và 17 người khác bị bọn cướp và khủng bố bắt cóc mỗi ngày.
Ít nhất 10,263 người thiệt mạng và 5,287 kẻ bắt cóc đã được theo dõi trên khắp Nigeria vào năm 2021, do hoạt động khủng bố, cướp phá, và bắt cóc.
Việc bày tỏ mối quan tâm ruột thịt dành cho quốc gia đông dân nhất Phi Châu của vị đại sứ Trung Quốc này được coi là hành động hiện thực hóa nhanh chóng một bản kế hoạch chi tiết gần đây do ĐCSTQ ban hành, báo hiệu sự chuyển đổi mô hình trong mối bang giao Trung Quốc-Phi Châu.
Các nhà phân tích coi hành động này của Trung Quốc là một âm mưu nhằm làm cho một số quốc gia Phi Châu thoát khỏi gọng kìm kinh tế của Hoa Kỳ trong tương lai gần — một thứ có khả năng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh năng lượng của Hoa Thịnh Đốn.
Tiến sĩ Freedom Onuoha, một giảng viên cao cấp của Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Nigeria, Nsukka cho biết: “Sự thâm nhập ngày càng tăng của Trung Quốc trên mọi khía cạnh kinh tế, văn hóa, an ninh, và địa lý của Phi Châu ngay lúc này, hơn bao giờ hết, là một thách thức nghiêm trọng đối với ảnh hưởng và lợi ích của Hoa Kỳ ở Phi Châu.”
TS. Onuoha cho biết: “Tuyên bố mới đây của Trung Quốc về kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Phi Châu để nâng cấp và cải thiện hơn nữa chất lượng hợp tác Trung Quốc-Phi Châu thông qua việc thực hiện chín chương trình có được sự đồng thuận mạnh mẽ của Nigeria vì vị thế của Nigeria ở Phi Châu và quỹ đạo địa chính trị của lợi ích của Trung Quốc ở lục địa này.”
“Với tư cách là quốc gia đông dân nhất Phi Châu và là bá chủ của khu vực Tây Phi, Nigeria đã bị hết chính quyền này đến chính quyền khác của Trung Quốc dụ dỗ trong suốt những năm qua. Trong thời gian Tổng thống Olusegun Obasanjo điều hành chính phủ, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực ngoại giao để có được quyền tiếp cận vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Nigeria, mà phần lớn là do các công ty năng lượng đa quốc gia của Hoa Kỳ và Âu Châu thống trị. Trong thời gian Tổng thống Yar Adua cai trị, Trung Quốc đã vận hành bộ máy ngoại giao của mình để bảo đảm rằng người Nigeria phản đối việc đặt Bộ Tư lệnh Phi Châu (AFRICOM) theo kế hoạch của Hoa Kỳ ở Tây Phi.”
Ông Onuoha nói thêm rằng Nigeria đã nuốt nhiều “miếng mồi nhử của Trung Quốc” dưới hình thức cho vay được chính phủ của Tổng thống Muhammadu Buhari chấp nhận.
“Ý tưởng cải thiện chín chương trình của người Trung Quốc phản ánh nỗ lực có ý thức của chính phủ Trung Quốc nhằm thắt chặt gọng kìm của họ đối với Phi Châu trước sự quan tâm và truy quét trở lại của Hoa Kỳ trong việc loại bỏ ảnh hưởng ngày càng tăng và những dấu vết của Trung Quốc tại lục địa này.”
Quân đội Hoa Kỳ đang liên tục khảo sát nhiều lựa chọn quân sự của Trung Quốc ở Phi Châu.
“Chúng tôi biết Trung Quốc mong muốn có một mạng lưới các căn cứ trên toàn cầu,” người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phi Châu của Hoa Kỳ, Tướng Stephen Townsend, đã trình bày trước một phiên điều trần của Quốc hội hồi tháng Tư năm ngoái, cho thấy sự chú ý của họ đến Nigeria cùng các quốc gia Tây Phi khác.
Tướng Townsend cho hay, “Mối quan tâm của tôi là quốc gia hùng mạnh nhất nằm dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Phi Châu này.”
Trong những năm qua, đóng góp của Trung Quốc cho hòa bình và an ninh — phần lớn dưới hình thức điều động Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) làm binh lính trong các hoạt động gìn giữ hòa bình do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu — đã làm lộ rõ lợi ích của nhà cầm quyền cộng sản này ở Phi Châu. Vào năm 2017, Trung Quốc đã khánh thành căn cứ hải ngoại đầu tiên ở quốc gia Đông Phi Djibouti, nằm cách trung tâm quân sự Phi Châu của Hoa Kỳ, Trại Lemmonier, chỉ 7 dặm (khoảng 11km).
Ông Onuoha nói với Epoch Times: “Sự đóng góp của quân đội Trung Quốc ở Phi Châu về căn bản không phải vì lòng vị tha nhân đạo hay lòng nhân từ.”
“Rõ ràng có thể thấy Trung Quốc đang công cụ hóa các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc như là một trong những lợi khí thực sự trong việc làm sâu sắc hơn và củng cố cam kết chiến lược rộng rãi của họ trên khắp Phi Châu nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng hoặc các mục tiêu chính sách ngoại giao của mình.”
Ông nói thêm: “Mặt khác, Hoa Kỳ đầu tư vào hòa bình và an ninh ở Phi Châu chủ yếu để đạt được và bảo đảm an ninh chiến lược của mình, đặc biệt là trong việc ngăn chặn và chống lại một số mối đe dọa xuyên quốc gia như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các hình thức tội phạm có tổ chức khác gây ra các mối đe dọa nghiêm trọng đến tổ quốc Hoa Kỳ.”
Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc đã chuyển từ điểm đến du học ít phổ biến nhất cho sinh viên Phi Châu thành điểm đến phổ biến nhất với học sinh du học ngày càng tăng. Tỷ lệ tăng trưởng sinh viên Phi Châu đến nước này để du học đã tăng 258% từ năm 2011 đến năm 2017, so với tỷ lệ tăng trưởng 30% của Hoa Kỳ.
Theo trang China-admissions.com, tính đến năm 2019, có 6,845 sinh viên Nigeria hiện đang học tập tại Trung Quốc – 512 trong số đó đang nhận học bổng Trung Quốc.
Trong cuộc họp cấp bộ trưởng lần thứ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Phi Châu (FOCAC) diễn ra tại Dakar, Senegal, vào ngày 29–30/11/2021, Trung Quốc hoan nghênh việc đưa tiếng Trung vào chương trình giảng dạy quốc gia của các nước Phi Châu, đồng thời cam kết sẽ vận dụng nhiều cách thức khác nhau để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Trung ở Phi Châu.
Ông Onuoha nói: “Sáng kiến văn hóa quyền lực mềm như vậy sẽ làm tăng mức độ trao đổi xã hội giữa nhân dân hai nước.”
Ông nói với The Epoch Times: “Vì ngôn ngữ là công cụ giao tiếp chính và là nền tảng của tương tác xã hội, nên sự thâm nhập của tiếng Trung được thiết kế một cách chiến lược để thu phục được tâm trí của người dân Phi Châu trong cuộc chiến với các cường quốc ngoài khu vực ở Phi Châu, đặc biệt là Hoa Kỳ và ở mức thấp hơn là Âu Châu.”
Một số quốc gia Phi Châu đang trải nghiệm năm đầu tiên của Hiệp định Thương mại Tự do lục địa Phi Châu (AfCFTA) — một hiệp định thương mại đầy tham vọng nhằm hình thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới bằng cách kết nối gần 1.3 tỷ người của 54 quốc gia Phi Châu. Phi Châu là thành phần khu vực lớn nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1 ngàn tỷ USD của Trung Quốc nhằm định hình lại cấu trúc của thương mại toàn cầu.
Ông Onuoha nói với The Epoch Times: “Việc Trung Quốc xích lại với Phi Châu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này và việc tán thành mới đây của Trung Quốc cho hiệp định thương mại tự do lục địa Phi Châu đặt ra một mối đe dọa lâu dài đối với Hoa Kỳ vì rằng sự thâm nhập kinh tế và mối liên kết có thể có giữa các tác nhân nhà nước thường trở thành chỗ dựa lâu dài và bền vững trong mối quan hệ của họ.”
Anh Nalova Akua là một ký giả tự do đa phương tiện người Cameroon.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: