Trung Quốc tài trợ Dự án Đường sắt xuyên Á trong nỗ lực tách lập Hoa Kỳ
Chính quyền Trung Cộng đã chi tiền trợ cấp để duy trì và phát triển hoạt động mạng lưới đường ray vận tải hàng hóa nối liền Trung Quốc với Trung Á và Âu Châu, theo như các tài liệu chính thức của chính phủ mà The Epoch Times đã độc quyền có được từ một nguồn đáng tin cậy. Các chuyên gia cho rằng tuyến đường sắt này cho phép Trung Quốc xây dựng mối quan hệ với các nước khác trong nỗ lực tách lập Hoa Kỳ.
“Chính quyền Trung Cộng đang chuẩn bị cho khả năng tách rời Hoa Kỳ, cũng như duy trì hệ thống kinh tế mong manh của họ bằng việc sử dụng tuyến đường sắt liên vận để xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn nữa sang Âu Châu và Trung Á,” ông Đường Cảnh Nguyên (Tang Jingyuan), nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc đang sống tại Hoa Kỳ nói với The Epoch Times hôm 04/05.
Năm 2020, hoạt động thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt 4.06 nghìn tỷ NDT (khoảng 627.14 tỷ USD), chiếm 12.6% hoạt động ngoại thương của Trung Quốc, theo dữ liệu báo cáo chính thức.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc năm 2019, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu lớn thứ hai hàng hóa của Trung Quốc, với tổng trị giá hàng hóa mua vào là 418.5 tỷ USD và thâm hụt thương mại 295.8 tỷ USD. Năm 2018, khi chiến tranh thương mại nổ ra, tổng giá trị thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc lên tới 633.52 tỷ USD, chiếm 13.7% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc và nước này đạt thặng dư thương mại là 323.33 tỷ USD.
Ông Kim Xán Vinh (Jin Canrong), một trong những chuyên gia đứng đầu của Bắc Kinh về quan hệ Mỹ – Trung cũng cho biết Trung Quốc đang tạo ra vòng tròn thương mại mới khi nước này lường trước tiềm năng tách rời khỏi Hoa Kỳ.
Các tài liệu rò rỉ mà The Epoch Times có được nhấn mạnh tầm quan trọng của Trans-Eurasia Logistics, tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Trung Á và Âu Châu. Các tài liệu này được cung cấp bởi chính quyền tỉnh Hà Bắc, chính quyền thành phố Bảo Định và chính quyền thành phố Trường Xuân, Trung Quốc.
Trans-Eurasia Logistics còn được gọi là China Railway Express (một dự án đường sắt cao tốc Trung Quốc – Âu Châu, viết tắt là CR Express), được đưa vào hoạt động hồi tháng 03/2011 và là một phần quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường – BRI. Tuyến đường sắt này vận chuyển hàng hóa từ hơn 40 thành phố của Trung Quốc đến khoảng 90 thành phố tại hơn 20 quốc gia, bao gồm Đức, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ý, đem lại lợi ích thương mại lớn cho Bắc Kinh.
“Từ tháng 06/2020 cho đến nay, hơn một nghìn chuyến tàu đã vận chuyển hàng hóa trong các khu vực thuộc BRI. CR Express là một công cụ ngoại thương siêu vững vàng của Trung Quốc,” Hội đồng Nhà nước Trung Quốc (cấp nội các) đăng trên trang web chính thức của cơ quan này hôm 20/04.
Trợ cấp từ Chính phủ
Các tài liệu độc quyền cho thấy trợ cấp của chính phủ Trung Cộng đã tạo ra tuyến giao thông đường sắt thịnh vượng này.
Chính quyền tỉnh Hà Bắc đã công bố một tài liệu nội bộ vào ngày 05/03, đưa ra 10 nhiệm vụ quan trọng nhất của tỉnh này. Ngoại thương là một trong các nhiệm vụ này và CR Express là một công cụ chủ chốt.
“[Các cấp chính quyền] nên nghiên cứu và phát triển các chính sách trợ giá cho các chuyến tàu chở hàng quốc tế. [Chúng ta phải] vận hành ổn định các chuyến tàu đến Trung Á và Âu Châu, đồng thời phát triển thêm các chuyến tàu đến các thành phố khác trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á [ASEAN], và duy trì các kênh vận chuyển ngoại thương,” tài liệu này nêu rõ.
Một loạt tài liệu khác từ chính quyền thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc đã đề cập đến CR Express. Thành phố Bảo Định sẽ sử dụng các chuyến tàu để phân phối hàng hóa cho Belarus, Lithuania và Nga.
Theo một tài liệu được ban hành bởi chính quyền thành phố Bảo Định hôm 29/06/2017, các chuyến tàu sẽ giúp thành phố xuất khẩu 250,000 tấn hàng hóa trị giá 2 tỷ USD sang Belarus và 150,000 tấn hàng hóa trị giá 1.2 tỷ USD sang Lithuania mỗi năm.
Tài liệu cho biết tuyến tàu này đã giúp thành phố này phát triển các dự án thuộc BRI của họ, bao gồm cả một bệnh viện ở Lithuania và các khu công nghiệp tại thủ đô Minsk, Belarus và thành phố Saint Petersburg, Nga.
“Khuôn viên của Khu công nghiệp Trung Quốc-Belarus có diện tích 91.5 km vuông [35,33 dặm vuông], tương đương một phần ba tổng diện tích của thủ đô Minsk … đó là khu công nghiệp lớn nhất của Trung Quốc đang hoạt động ở nước ngoài với các chính sách đầu tư tốt nhất. Đây là khoản đầu tư hợp tác lớn nhất giữa Trung Quốc và Belarus, cũng như là dự án trọng điểm của BRI,” theo tài liệu này mô tả.
Theo trang web của khu công nghiệp, tên chính thức của cơ sở này là Great Stone và các doanh nghiệp Trung Quốc có nhà máy tại đây đang cung ứng hàng hóa cho Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Chính phủ Thành phố Bảo Định cũng giải thích trong cùng tài liệu này rằng chính quyền Trung Cộng có kế hoạch xuất khẩu nguyên liệu sang thủ đô Minsk, và lắp ráp sản phẩm tại đó, điều này sẽ giúp cắt giảm chi phí và tạo ra nhiều lợi nhuận hơn.
Các nhà chức trách ở Trường Xuân, thành phố thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, đã ban hành một văn bản tuyên bố rằng phần lớn các chuyến tàu CR Express được vận hành bởi các công ty nhà nước và họ dựa vào trợ cấp của chính phủ, vì “đây là một vấn đề phổ biến khi [các đại lý vận tải] có thể không thu gom đủ đơn đặt hàng để vận chuyển hàng hóa từ Âu Châu về lại Trung Quốc.”
Tạp chí Kinh doanh Trung Quốc do nhà nước Trung Quốc điều hành đã đưa tin vào ngày 27/07/2019 rằng China Railway yêu cầu mỗi chuyến tàu chở hàng cần phải có 41 container, và phần lớn các chuyến tàu của CR Express đều còn trống. “Khoảng 20% container trên các chuyến tàu xuất bến để không,” báo cáo dẫn lời nhân viên Cục Đường sắt Urumqi cho biết.
Số container trống được phát hiện nhiều hơn trong các chuyến tàu về lại (Trung Quốc). “Đôi khi, chỉ một trong 41 container [của một chuyến tàu lượt về] có chứa hàng hóa,” báo cáo dẫn lời một nhân viên thuộc trụ sở chính của China Railway ở Bắc Kinh cho biết.
Next Federation, nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Trung Quốc và là đối tác của kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa xã và Kinh tế Trung Quốc, đã đăng một bài báo vào hôm 20/12/2020 cho biết, “Chính quyền thành phố đã trả khoảng 3,000 USD cho mỗi container trên tất cả các chuyến tàu CR Express.”
Báo cáo cho biết nhiều thành phố đã phải tìm cách giải quyết vấn đề về các container trống vận chuyển về từ Âu Châu và Trung Á, vì họ không thể thu được bất kỳ hàng hóa nào và chi phí vận chuyển các container trống về Trung Quốc còn đắt hơn so với việc đóng một container mới.
Báo cáo cho biết một số chính quyền thành phố đã chi trả 1 tỷ NDT (khoảng 154.47 triệu USD) hàng năm để trợ cấp cho vấn đề này, một số nơi khác trả 1 triệu NDT (khoảng 154,470 USD) cho mỗi chuyến tàu dưới dạng trợ cấp, vì lợi nhuận của việc vận chuyển không thể bù đắp chi phí.
Báo cáo nhận xét rằng CR Express là hành động xâm phạm của chính quyền Trung Cộng nhằm gây tổn hại sự thống trị về hàng hải của Hoa Kỳ, bởi vì chế độ này tin rằng việc tạo ra một kênh vận tải cạnh tranh có thể thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo dữ liệu chính thức, để vận chuyển một container, chi phí vận chuyển của CR Express là 25% chi phí vận chuyển bằng đường hàng không; và thời gian di chuyển của một chuyến CR Express là khoảng 33% một chuyến vận chuyển hàng hải. Dựa trên một số trang web dịch vụ vận tải toàn cầu, CR Express cần thời gian gấp 3 lần để vận chuyển các container so với máy bay và chi phí gấp đôi so với tàu biển.
Chuẩn bị việc tách lập
Ông Kim Xán Vinh, giáo sư và là phó hiệu trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã nói về khả năng Hoa Kỳ và Trung Quốc tách lập trong một video được đăng trên YouTube vào ngày 22/06/2020.
Ông Kim cho biết mối bang giao Mỹ – Trung đang dần xấu đi.
“Có thể Hoa Kỳ sẽ tách khỏi chúng ta về kinh tế, công nghệ và giáo dục,” ông Kim nói. “Sau đại dịch, tôi ước tính rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ trở nên thù địch hơn về mặt chiến lược. Thời điểm đó, Hoa Kỳ sẽ tách rời khỏi Trung Quốc.”
Sau đó, ông Kim đã bàn về các giải pháp, bao gồm “thiết lập một vòng tròn thương mại mà không có Hoa Kỳ,” chẳng hạn như các hoạt động kinh doanh với các nước “Đông Nam Á và Đông Bắc Á.”
Chuyên gia các vấn đề về Trung Quốc, Đường Cảnh Nguyên (Tang Jingyuan) đã xem xét các tài liệu của chính quyền Trung Cộng và nói: “Rõ ràng là chế độ Trung Cộng muốn xây dựng một kênh thương mại mới với Âu Châu và Trung Á thông qua việc sử dụng dự án đường sắt này. Đồng thời, dự án này còn mở ra cánh cửa cho phép Bắc Kinh hình thành các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực này.”
Phân tích động cơ đằng sau tuyến đường sắt này, ông Đường tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho khả năng tách lập Hoa Kỳ và thực hiện tham vọng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Tang nói thêm “Chính quyền Trung Cộng rất háo hức hợp tác với Âu Châu, họ tin rằng sự kết hợp này sẽ có thể giúp họ mạnh hơn Hoa Kỳ về mặt kinh tế. Sau đó nhà cầm quyền Bắc Kinh sẽ tìm cách tống khứ Âu Châu và trở thành người dẫn đầu.”
Do Nicole Hao thực hiện
Doanh Doanh biên dịch
Xem thêm: