Trung Quốc sử dụng Thế vận hội Bắc Kinh để quảng bá nhân dân tệ điện toán, thách thức USD
Chế độ Trung Quốc đang có kế hoạch quảng bá đồng nhân dân tệ điện toán mới phát triển của mình tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp tới. Các chuyên gia đã cảnh báo đồng tiền điện toán này có thể đe dọa sự bá chủ của đồng USD trong tương lai.
Thế vận hội Mùa đông còn vài tuần nữa sẽ diễn ra. Hãng thông tấn chính thức của chế độ Trung Quốc, Tân Hoa xã cho biết vào đầu tháng này, đồng nhân dân tệ điện toán đã sẵn sàng để phục vụ trong các trận đấu: Mọi người có thể sử dụng nó “thông qua các ứng dụng ví tiền được cài đặt trên điện thoại di động của họ hoặc thông qua ví vật lý dưới dạng thẻ và thiết bị đeo được như đồng hồ thông minh và găng tay hoặc huy hiệu trượt tuyết.”
Nhưng các chính trị gia Hoa Kỳ đã cảnh báo các vận động viên Mỹ nên tránh xa.
Dân biểu Lance Gooden (Cộng Hòa-Texas), cùng với các Dân biểu Markwayne Mullin (Cộng Hòa- Oklahoma), Dân biểu Lisa McClain (Cộng Hòa-Michigan), và Dân biểu Jake Ellzey (Cộng Hòa-Texas) đã gửi một lá thư hôm 16/12 tới Olympic Hoa Kỳ & Ủy ban Paralympic, kêu gọi họ cấm các vận động viên Hoa Kỳ mua hoặc sử dụng hình thức tiền tệ mới này trong các trận đấu. Bức thư nêu, đồng tiền đó “có thể được sử dụng để giám sát công dân Trung Quốc và những người đến thăm Trung Quốc trên quy mô chưa từng có, với hy vọng rằng họ sẽ duy trì ví nhân dân tệ điện toán trên điện thoại thông minh của họ và tiếp tục sử dụng nó khi trở về.”
Nhân dân tệ điện toán, hoặc e-CNY, là một loại tiền tệ điện toán của ngân hàng trung ương (CBDC) được phát hành và quản lý bởi cơ quan quản lý tiền tệ của một quốc gia.
Không giống như mã kim, một loại tiền điện toán khác được thể hiện như bitcoin, được phân cấp và có thể trốn tránh sự giám sát, CBDC có tính tập trung cao và được các chính phủ giám sát chặt chẽ.
CBDC của Trung Quốc được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương của nước này. Trái ngược với các tổ chức tài chính Hoa Kỳ chào mời về [tính năng] bảo vệ quyền riêng tư, tất cả các đối tác của Trung Quốc phải “hợp tác” với ĐCSTQ để gửi thông tin cá nhân của khách hàng một cách vô điều kiện nếu nhà chức trách cho là cần thiết.
Một báo cáo năm 2020 của Tổ chức tư vấn của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, do dấu chân của tiền điện toán và sự giám sát của PBOC đối với các hoạt động ví điện toán, chế độ Trung Quốc có thể theo dõi mọi chuyển động của đồng nhân dân tệ điện toán cũng như danh tính của tất cả các bên giao dịch.
Sau khi bắt đầu phát triển thương mại vào năm 2017, Trung Quốc hiện là nước đi đầu trong việc thúc đẩy CBDC. Mặc dù ngày ra mắt chính thức của đồng nhân dân tệ mới chưa được công bố, nhưng Bắc Kinh thực sự mong muốn quảng bá nó tại Thế vận hội mùa đông tháng 02/2022 như là phần mở đầu cho việc khai triển đồng nhân dân tệ này.
Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng đồng nhân dân tệ điện toán sẽ chủ yếu được sử dụng trong thanh toán bán lẻ trong nước, nhưng một số chuyên gia tin rằng chế độ này có kế hoạch quốc tế hóa tiền pháp định mới của mình với hy vọng rằng nó có thể loại bỏ quyền bá chủ của đồng USD.
Ông Abishur Prakash, một chuyên gia Canada về địa chính trị và công nghệ, nói với VOA rằng kể từ sự trỗi dậy của 5 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) vào năm 2009, đã có suy đoán rằng đồng nhân dân tệ sẽ thay thế đồng USD. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ông nói, giờ đây với đồng nhân dân tệ điện toán sớm muộn cũng sẽ xuất hiện, hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện tại do Hoa Kỳ thống trị có thể bị định hình lại trong tương lai.
Vì sự thuận tiện tuyệt vời trong việc sử dụng và xử lý các giao dịch và trao đổi theo thời gian thực, CBDC đã trở thành một chủ đề quan trọng trong những năm gần đây. Hàng chục quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ đang tìm hiểu tính khả thi của việc giới thiệu các CBDC của riêng họ. Và Trung Quốc đang dẫn đầu.
Một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ tận dụng sáng kiến Vành đai và Con đường để mở rộng hệ thống thanh toán điện tử tiền điện toán. Với đồng nhân dân tệ điện toán là đồng tiền chung, chi phí thương mại giữa gần 70 quốc gia và tổ chức tham gia sẽ được hạ xuống đáng kể, một thỏa thuận có thể tỏ ra quá hấp dẫn để chống lại.
Kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, đồng USD đã là đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới. Tính đến năm 2020, 60% dự trữ ngoại hối là bằng USD, trong khi chỉ 2.25% bằng đồng nhân dân tệ.
Có vẻ như Chính phủ Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước để thách thức đồng USD, nhưng ĐCSTQ dường như đang kiên định tiến tới mục tiêu của mình mà chả mấy phô trương.
Theo một báo cáo vào tháng Mười của Financial Times, Trung Quốc đã gây áp lực buộc McDonald’s phải sử dụng ví nhân dân tệ điện toán trước Thế vận hội. Khoảng 270 nhà hàng McDonald’s ở Thượng Hải đã lắp đặt một hệ thống cho phép người tiêu dùng thanh toán bằng tiền điện tử, Bắc Kinh đang thúc giục chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này mở rộng phạm vi phủ sóng khắp Trung Quốc.
Báo cáo cho biết thêm, Visa, nhà tài trợ hàng đầu của Thế vận hội và Nike, nhà tài trợ của đội tuyển Hoa Kỳ, cũng gặp phải tình huống tương tự.
Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang gần đây đã nhắc lại rằng đồng nhân dân tệ điện toán hiện được dùng để ứng dụng trong nước, “trong khi các giao dịch đồng CNY điện tử xuyên biên giới sẽ cần thảo luận thêm.” Nhưng Global Times, một trong những cơ quan ngôn luận có ảnh hưởng nhất của ĐCSTQ, đã báo cáo vào tháng trước rằng tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc sẽ thúc đẩy việc thử nghiệm và sử dụng đồng nhân dân tệ điện toán trong thương mại và các dịch vụ tài chính xuyên biên giới như một phần trong kế hoạch phát triển Cảng Thương mại Tự do Hải Nam.
Điều này đánh dấu nỗ lực mới nhất của chế độ Bắc Kinh nhằm toàn cầu hóa tiền tệ điện toán của mình. Vào tháng Giêng, hệ thống thanh toán xuyên biên giới toàn cầu SWIFT đã thiết lập một liên doanh với viện nghiên cứu tiền tệ điện toán của PBOC và trung tâm thanh toán bù trừ, Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS) và Hiệp hội Thanh toán & Bù trừ của Trung Quốc.
Phạm vi kinh doanh của liên doanh có trụ sở tại Bắc Kinh này bao gồm tích hợp hệ thống thông tin và xử lý dữ liệu. Theo một số nhà phân tích, đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ điện toán và cố gắng thiết lập một hệ thống thay thế để làm xói mòn sự thống trị của đồng USD.
Mặc dù trụ sở chính của SWIFT ở Bỉ, hệ thống này hoạt động trong hệ thống thanh toán toàn cầu bằng USD. Hoa Thịnh Đốn thường sử dụng hệ thống này như một công cụ để áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và các đồng minh.
Liên doanh này đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Ông Prakash nói với VOA rằng liên doanh này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang gia tăng khi có suy đoán rằng Hoa Kỳ có thể loại Trung Quốc hoặc Hồng Kông ra khỏi SWIFT. Ông nói, đòn phản công của Trung Quốc “rõ ràng là nhằm vào đồng USD.”
Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đã thu hút SWIFT bằng thị trường to lớn của mình để giúp Bắc Kinh tăng cường sử dụng hệ thống CIPS của Trung Quốc. Bằng cách này, Trung Quốc không chỉ có thể tự mình loại bỏ hệ thống đồng USD, mà còn có thể giúp các đồng minh của họ như Iran giảm rủi ro đối với hệ thống của Hoa Kỳ và do đó có được ảnh hưởng địa chính trị của quốc gia này.
Sau khi làm việc với SWIFT, động thái tiếp theo của chế độ này sẽ là tìm kiếm hợp tác để kết nối đồng nhân dân tệ điện toán với lĩnh vực bán lẻ. Theo một số nhà quan sát, một trong những chiến lược khả dĩ có thể là sử dụng các nền tảng thanh toán xuyên biên giới của WeChat Pay và Alipay đã cập bến thị trường Hoa Kỳ nhiều năm trước. Nỗ lực mới này cần có quan hệ đối tác với các công ty Mỹ, nhiều công ty trong số đó có thể sẽ không nói “không” khi đối mặt với lợi nhuận to lớn.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp hôm 05/01 để cấm các công ty Mỹ giao dịch với WeChat Pay, Alipay, và 6 ứng dụng khác do Trung Quốc phát triển, nhưng nỗ lực này đã bị chính phủ Biden đảo ngược.
Một số nhà phê bình cho rằng Hoa Thịnh Đốn nên chú ý đến tác động của đồng tiền điện toán đầy tham vọng của Trung Quốc. Ông Eric Sayers thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ nói với Financial Times rằng, “Chính phủ, Quốc hội, và cộng đồng các cơ quan tư vấn chính sách cần phải điều tra chủ đề này và tác động rộng rãi của nó ngay hôm nay, không phải vài năm sau khi nó nổi lên thành một vấn đề lớn hơn.”
Nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến đã cố gắng thiết lập các hướng dẫn cho CBDC tại một cuộc họp ở Vương quốc Anh vào tháng Mười. Các nhà lãnh đạo tài chính G7 cho biết trong một tuyên bố, bất kỳ loại tiền điện toán nào do ngân hàng trung ương phát hành đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về quyền riêng tư, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình để bảo vệ dữ liệu người dùng, “điều đó cần được xây dựng trên các cam kết công cộng dài hạn đối với sự minh bạch, pháp quyền, và quản lý kinh tế hiệu quả.”
Ông Frank Dong là một ký giả tâm huyết với hơn 20 năm kinh nghiệm. Ông là một cộng tác viên tự do về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc cho The Epoch Times.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Xem thêm