Trung Quốc: Sơn Tây xả lũ, người già bị lũ cuốn trôi
Mưa lớn đã khiến nhiều khu vực và làng mạc ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc bị ngập lụt. Những người dân bị ảnh hưởng cho biết, trước khi có cảnh báo chính thức thì hồ chứa trên thượng nguồn đã bất ngờ xả lũ, lũ về dữ dội khiến người già bị cuốn trôi, nhà cửa bị sập dẫn đến nhiều người thiệt mạng.
Người già bị lũ cuốn trôi khi hồ chứa bất ngờ xả lũ.
Gần đây, tỉnh Sơn Tây đã có những cơn mưa lớn trong nhiều ngày liền. Các kênh truyền thông ở Đại lục đưa tin rằng, nước ở đoạn hạ lưu chính của sông Phần đã dâng cao đáng kể, đến 7 giờ sáng ngày 7/10, thành phố Vận Thành đã phải hứng chịu dòng thác lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua trở lại đây. Hơn 8,000 người đã phải di tản khỏi 5 ngôi làng ở 4 quận thành bị ảnh hưởng (Hà Tân, Vạn Vinh, Tân Giáng, Tắc Sơn).
Vào ngày 6/10, nhiều con đê trên sông Hầu Mã ở các đoạn thuộc huyện Thanh Từ và huyện Kỳ đã bị vỡ, khiến nhiều ngôi làng bị ngập lụt. Một số cư dân mạng cho biết, họ đã chứng kiến trận mưa lớn chưa từng thấy trong hàng chục năm qua. Việc xả lũ từ các hồ chứa ở thượng nguồn cộng với sự thiếu chuẩn bị của chính quyền Sơn Tây trong việc chống lũ là nguyên nhân khiến mực nước ở các con sông địa phương dâng lên rất cao, người dân phải chịu thiệt hại nặng nề.
Một video trên mạng cho thấy hồ chứa Tử Hồng ở huyện Kỳ, thành phố Tấn Trung xả lũ dữ dội, những con sóng cuộn lên rất cao.
Vào ngày 7/10, phóng viên của Epoch Times đã phỏng vấn anh Triệu (hóa danh) – một người dân ở làng Giản Pháp, thị trấn Cổ Huyền, huyện Kỳ, thành phố Tấn Trung, và được biết ngôi làng của anh tương đối cao nên không nhận được yêu cầu di tản. Người cha 66 tuổi của anh không được thông báo về việc xả lũ và đã bị lũ cuốn trôi, cho đến thời điểm được phỏng vấn anh vẫn chưa rõ tung tích của ông ấy.
Anh Triệu nhiều lần nhấn mạnh rằng do chính quyền không báo trước sẽ xả lũ, mới dẫn đến việc cha anh bị lũ cuốn đi. “Do xả lũ từ hồ chứa Tử Hồng ở thượng nguồn. Nhưng chúng tôi không hề nhận được thông báo nào trước khi lũ đến”, anh nói, “Trong làng nói rằng thông báo đã được gửi lên nhóm, nhưng những người lớn tuổi trong làng không ai sử dụng điện thoại thông minh cả, vì vậy họ không biết về lũ lụt”.
Anh Triệu cho biết, loa phát thanh trong làng từng thông báo rằng ngày 1 đến ngày 4/10 sẽ xả lũ, nhưng lượng nước không lớn. Anh tin rằng đây là hành động chuẩn bị trước của chính quyền để xả lũ. Vào ngày 5/10, lượng nước xả đột ngột dâng cao, cả cầu cũng bị cuốn trôi.
Đến ngày 6/10, mố của cầu Đại trên sông Xuyên Nguyên (giữa huyện Kỳ và Đông Quán) đã bị cuốn trôi. Phần móng của một đoạn đường sắt ở huyện Kỳ đã bị nước lũ xâm thực, khiến ray và tà vẹt treo lơ lửng trên không. Một đoàn tàu chở hàng đã phải dừng khẩn cấp trên một đường ray treo lơ lửng, cảnh tượng thập phần kinh hãi.
Anh Triệu cho biết, vào sáng ngày 5/10, bố anh vẫn chạy xe ba gác điện trên con đường ven sông như bình thường. “Không biết vào thời điểm nào trong buổi chiều, tất cả các hồ chứa trên thượng nguồn bất ngờ xả nước, nước đột ngột về rất lớn, nhưng những người già hoàn toàn không biết. Buổi chiều bố anh vẫn lái xe ba gác điện về nhà như thường lệ”. “Kết quả là ngay khi ông ấy đi qua cầu ở sông Đoạn Gia Dao (là con đường duy nhất về làng), lũ đã cuốn trôi cả ông ấy và cây cầu. Đến khoảng 7 giờ 30 phút tối hôm đó, chúng tôi mới hay tin bố tôi bị tai nạn”.
“Chúng tôi chạy đến thì phát hiện ông ấy đang đứng trên xe ba gác điện và ôm gốc cây. Lực lượng cứu hộ cũng đã đến. Họ cách ông ấy chừng bốn năm mét nhưng hai lần muốn ra cứu đều không được, khi giải cứu đến lần thứ ba, ông ấy đã không còn ở đó và mất tích rồi.”
Anh Triệu cho biết rằng vào ngày 7/10, anh cùng anh rể và một số người dân đã đi tìm hai bên bờ sông. Họ đã tìm thấy chiếc xe ba gác điện của ông ấy. Họ lặn xuống sông để tìm nhưng không ngờ rằng nước lại đột ngột lớn lên. “Cũng may là anh rể thông thuộc đường chạy thoát thân, nếu không cũng bị nước cuốn đi rồi”.
Anh Triệu cũng nghe nói từ dân làng ở các làng khác rằng họ không nhận được bất kỳ tin tức nào về việc xả lũ, “Các làng ở hạ lưu như của chúng tôi bị ngập nghiêm trọng hơn”.
Anh cho rằng chính quyền địa phương đã không ứng phó tốt với lũ lụt, không cảnh báo sớm và cũng không bố trí người túc trực ở cổng làng. “Đến khi người già gặp chuyện, trong làng mới phong tỏa hết tất cả đường xá”.
Dân làng được yêu cầu di tản chỉ ba giờ trước khi xả lũ
Vào ngày 7/10, ông Lí – một người dân ở làng Tang Liễu Thụ, thị trấn Nghĩa An, thành phố Giới Hưu, tỉnh Sơn Tây, nói với phóng viên của Epoch Times rằng hơn 200 dân làng và những người tình nguyện đã đi trông đập vào buổi tối ngày 6/10. Họ xếp chồng những bao cát cao hơn một mét. Nước càng dâng lên, người dân càng đắp cao hơn.
“Đến sáng ngày 7/10, chính quyền bất ngờ ra thông báo xả lũ, yêu cầu toàn bộ người làng di tản”, ông Lí nói, “Sau đó chưa đầy ba tiếng đồng hồ, lũ đã tràn vào làng. Nước dâng đến nông nhất là trên đầu gối và sâu nhất là lên đến ngực. Cả làng đều bị ngập. Đoạn đê mà chúng tôi đắp đã bị vỡ, nước lớn đến nỗi không thể kiểm soát được”.
Ông Lí tiết lộ rằng vào tối 5/10, thành phố đã có văn bản xả lũ, nhưng không thông báo cho dân làng. Ông tin rằng lũ đã được xả suốt đêm 6/10. Đến sáng 7/10, chính quyền cho biết vẫn sẽ xả lũ.
Ông cho biết có hai con sông tại khu vực này, một là sông Phần, hai là sông Từ Dao. “Nước ở sông Từ Dao đã không ngừng dâng lên và vẫn đang tiếp tục tăng”.
“Các làng ở hai bên sông Phần đều phải di tản. Nhiều làng có 20,000 đến 30,000 người. Làng chúng tôi có hơn 1,500 người. Sau khi di tản, dân làng được sắp xếp sống trong các khách sạn trong quận, nhưng vẫn phải tự trả tiền ăn uống”.
Thành phố Giới Hưu là một thành phố cấp quận thuộc tỉnh Sơn Tây, do thành phố Tấn Trung quản lý. Thị trấn Nghĩa An nằm ở ngoại ô phía đông của thành phố Giới Hưu, gần tuyến đường sắt Nam Đồng Bồ.
Ông Lí tiết lộ với các phóng viên rằng ở một số làng, lũ đã làm sập nhà và khiến nhiều người thiệt mạng. Ông cũng lo lắng cho sự an toàn của những ngôi nhà sau trận lũ. Ông nói rằng sau khi lũ quét qua, chúng căn bản đã không còn có thể ở được.
Chỗ nước sâu nhất ở thành phố Thái Nguyên là hơn 1 mét
Theo báo cáo của giới truyền thông Đại lục, vào ngày 5/10, mưa lớn đã gây ra ngập lụt ở khu dân cư Môi Cơ, quận Tiểu Điếm, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Chỗ nước sâu nhất vượt quá 1 mét, tổng cộng có gần 200 cư dân ở 3 tòa nhà dân cư bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nước tích tụ ở thành cổ Bình Dao, Tấn Trung, Sơn Tây đã khiến một bức tường bị sập, đoạn bị sập dài khoảng 25 mét.
Vào ngày 6/10, giới chức tỉnh Sơn Tây đã đưa ra thông báo cho biết do ảnh hưởng của đợt mưa lớn lần này, ngày 5/10 đã có nhiều thảm họa địa chất như sập, lở đất xảy ra ở thành phố Tấn Trung, thành phố Lữ Hương và thành phố Lâm Phần, dẫn đến thương vong về người. Họ đã quyết định nâng mức ứng phó khẩn cấp về địa chất lên cấp III.
Do Cố Hiểu Hoa, Hồng Ninh, Phương Hiểu, Cao Tĩnh thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: